Văn hóa

Liền chị chơi Quan họ qua hai thế kỷ

Việt Thanh 25/03/2024 - 20:56

Sống qua hai thế kỷ, chứng kiến bao thăng trầm thời cuộc với ngót nghét 90 năm đắm mình trong bầu không khí văn hóa Quan họ, Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng, 102 tuổi ở khu phố Viêm Xá, phường Hòa Long (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) thuộc lớp người chơi Quan họ lão luyện và được ví như một “báu vật nhân văn”.

Nghệ nhân kể “Quan họ bền vững là ở nghĩa tình” cho nên các cụ ngày xưa khó tính lắm, không những truyền dạy lối chơi, cách đặt câu bẻ giọng mà còn uốn nắn tỉ mỉ từng cung cách thưa gửi, chào hỏi, giao tiếp. Bản thân cụ Phụng mỗi khi trò chuyện với chúng tôi vẫn thường xưng là em hoặc chúng em rồi trân trọng gọi khách là các bác. Trước kia, cụ Phụng thường hát đôi với cố nghệ nhân Ngô Thị Nhi. Cặp liền chị gạo cội làng Diềm từng nhiều năm tham gia sân chơi hát đối đáp Quan họ đầu xuân và đạt giải cao. Bây giờ tuổi cao, sức yếu, lưng còng, tai nghe kém nhưng ký ức về năm tháng học đòi Quan họ cách đây tám chín thập niên thì chị hai làng Diềm còn nhớ rất rõ.

398-202403251735011.jpg
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phan, Chủ tịch Hội đồng họ Trần tỉnh Bắc Ninh (giữa) cùng con cháu mừng thọ Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng.

Vẫn chất giọng làng Diềm đặc sệt, nghệ nhân Trần Thị Phụng thủng thẳng: Tôi theo cô ruột đi chơi Quan họ từ lúc 15-16 tuổi. Tối nào chị em chúng tôi cũng đến nhà cụ Nhi (em con cô ruột) để tập hát. Nhiều đêm cùng các chị em mải mê luyện câu luyện giọng mãi đến khuya lại rủ nhau ngủ luôn ở nhà cụ Nhi. Những dịp hội làng, đón Quan họ kết bạn làng Bịu sang chơi hội, chị em tôi ca hát suốt mấy ngày liền mà không biết chán... Ròng rã chơi Quan họ qua hai thế kỷ, nghệ nhân Trần Thị Phụng thuộc đủ câu đủ lối, từ La rằng, Hừ la, Tình tang, Cây gạo... đến các giọng lẻ giọng vặt nhưng giờ hỏi nhớ bao nhiêu câu thì cụ chẳng tính được. Nghệ nhân bảo “cứ hát đến đâu tôi nhớ đến đấy, có thể ca suốt ba ngày cũng chưa hết vốn”.

Thế nên hễ ai có nhu cầu tìm hiểu văn hóa Quan họ mà đến xin câu là cụ dốc vốn cho hết, chẳng giấu giếm, giữ nghề. Cụ Phụng đã truyền dạy cho nhiều thế hệ liền anh, liền chị trong làng ngoài xã, có những học trò ban đầu đến xin câu để mưu sinh sau nổi danh tên tuổi. Thành thục nghề chơi, cụ Phụng được tỉnh Bắc Ninh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân ca Quan họ đợt đầu năm 2010 và được Nhà nước vinh danh là Nghệ nhân Nhân dân năm 2019. Hiện nay, Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng là nghệ nhân cao tuổi nhất tỉnh.

Nhiều lần đến thăm, chúng tôi không chỉ được nghe cụ kể về Quan họ mà còn cảm phục trước câu chuyện cuộc đời éo le đầy bi kịch của chị hai Quan họ lấy chồng rồi còn đi hỏi cưới vợ cho chồng. Bởi sau nhiều năm đầu ấp tay kề, biết mình không thể sinh con, cụ Phụng đích thân mang trầu cau hỏi “vợ bé” cho chồng. Những năm tháng tiếp đó, chị hai Quan họ vẫn chăm lo gánh vác chu toàn việc nhà chồng, sống thuận hòa, bao dung cùng người vợ hai và tận tụy chăm sóc con chồng. Khi chồng và bà hai qua đời, các con chồng cũng vào miền Nam lập nghiệp, cụ Phụng sống một mình trong căn nhà cấp 4 giữa làng Diềm.

Lúc nông nhàn cụ xin rơm nếp về bện chổi bán thêm tiền trang trải sinh hoạt. Năm 2013, nhờ có cơ chế chính sách đãi ngộ nghệ nhân Quan họ của tỉnh, cụ Phụng được nhận “lương” hàng tháng. Với hoàn cảnh của nghệ nhân Trần Thị Phụng thì nguồn trợ cấp nghệ nhân có ý nghĩa gấp bội, giúp cụ yên tâm vui sống những năm tháng tuổi già và tiếp tục truyền tình yêu di sản cho thế hệ trẻ. Cụ Phụng bộc bạch: “Tôi may mắn hơn các chị em cùng lứa vì được đứng trên bục nhận danh hiệu, còn được hưởng lương nghệ nhân, chứ mấy chị em chơi với tôi trước kia đều đi theo tiên tổ cả rồi! Chúng tôi chơi Quan họ để thỏa đam mê chứ nghĩ đâu lúc về già lại được Đảng, Nhà nước quan tâm thế này.

Tôi biết ơn Đảng, Nhà nước, biết ơn các bác lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh nhiều lắm. Cũng chẳng mong gì hơn, tôi chỉ ước nguyện làm sao cho tương lai Quan họ mãi nở cành xanh ngọn...”. 102 tuổi, giọng ca khàn đục nhưng nghệ nhân Trần Thị Phụng vẫn không ngừng yêu, không ngừng cống hiến cho di sản. Hễ có ai hỏi về Quan họ, cụ Phụng vẫn có thể ngồi ca liên tục nhiều giờ đồng hồ để cung cấp tư liệu, phục vụ các chuyên gia, nhà nghiên cứu hay các đài truyền hình quay phim, ghi hình, phỏng vấn... Năm 2022, sau một trận ốm nặng tưởng không qua khỏi, cụ cho gọi anh hai Thắng ở làng Hoài Trung đến và trao tặng toàn bộ quần áo, bao lưng, nón quai thao, vật dụng liên quan đến nghề chơi để gìn giữ cho mai sau.

Được sự chăm sóc tận tình của con cháu nội ngoại và những học trò Quan họ mà sức khỏe của nghệ nhân dần bình phục trở lại. Bây giờ các cháu ở liền kề, sớm tối trông nom chăm sóc nhưng cụ Phụng vẫn tự sinh hoạt, nấu cơm, quét dọn hàng ngày. Cầu chúc liền chị Quan họ gạo cội làng Diềm luôn mạnh khỏe, trường thọ!

Việt Thanh