Độc đáo bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở Thanh Hóa
Người Thái ở Thanh Hóa có ngôn ngữ, chữ viết cùng những sắc thái văn hóa riêng. Trong xu thế hội nhập, phát triển, văn hóa truyền thống của người Thái có sự tiếp biến, thay đổi cho nên cần bảo tồn gắn với phát huy bền vững bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số này.
Bảo tồn, trao truyền chữ Thái
Là con em đồng bào Thái mường Ca Da, ông Hà Văn Thương trân quý và có ý thức sưu tầm, bảo tồn văn hóa Thái. Tiếp cận tài liệu viết bằng chữ Thái do ông cha trao truyền, lắng nghe những áng thơ, văn, trường ca truyền khẩu, ông Thương quyết tâm khôi phục chữ Thái. Đi điền giã, khảo cứu các vùng đồng bào Thái sinh sống, ông nghiên cứu, tổng hợp các nguyên âm, phụ âm, cặm cụi biên soạn bộ chữ Thái. Tiếp đó, ông sử dụng chữ quốc ngữ ghi phiên âm tiếng Thái cùng nghĩa tiếng Việt, chú giải thêm những từ Thái phức tạp. Tham gia đề tài khoa học cấp tỉnh, ông cùng chuyên gia tin học và cộng sự soạn thảo phần mềm, biên soạn chữ Thái trên máy vi tính, truyền dạy chữ Thái cho cộng đồng.
Ông Hà Văn Thương cho biết: Thanh Hóa là địa bàn tụ cư của nhiều nhánh người Thái có phát âm, phương ngữ, nét văn hóa riêng. Tài liệu chữ viết Thái ông cha để lại không hoàn chỉnh, phải nghiên cứu thêm nhiều tài liệu viết tay kết hợp khảo cứu, điền giã để biên soạn thành bộ chữ Thái. Đây là công cụ để bảo tồn chữ viết, ngôn ngữ Thái cùng tri thức bản địa, kho tàng văn hóa dân gian đa dạng, phong phú trong cộng đồng dân tộc Thái ở Thanh Hóa. Kế thừa “Trường ca Ú Thêm” do bố đẻ trao truyền, ông đã hoàn thành các công trình: “Từ điển Thái-Việt Thanh Hóa”, “Trường ca Đại Sự”, “Bài ca mừng xuân Mường Ca Da”.
Thanh Hóa có hơn 223 nghìn người Thái, chiếm 35,6% số dân của sáu dân tộc thiểu số tụ cư chủ yếu ở vùng thượng du. Theo tộc danh tự nhận, người Thái ở Thanh Hóa thuộc ngành Thái trắng và Thái đen, nhưng nhà nghiên cứu Hà Nam Ninh cho rằng, sinh sống ở vùng thượng lưu sông Mã là đồng bào Thái đỏ. Người Thái có ngôn ngữ, chữ viết riêng nhưng trong quá trình hội nhập, phát triển, cộng đồng người Thái ở Thanh Hóa có sự tiếp biến, thay đổi tập quán truyền thống, nhất là chữ Thái bị mai một, thất truyền.
Khi hành nghề dạy học ở khu vực Quốc Thành, huyện Bá Thước, ông Hà Nam Ninh mới thấy cần thiết bảo tồn tiếng nói, học chữ Thái để sử dụng trong hoạt động thực tiễn, truyền đạt tri thức. Được cố Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Hà Văn Ban khích lệ, ông thêm đam mê sưu tầm sách chữ Thái, năng gặp người biết chữ Thái để học, đọc, viết, soạn, gửi thư bằng chữ Thái cho người đồng tộc để được sửa nét, chỉnh câu. Ông Ninh dần sử dụng thành thục chữ Thái, tham gia Hội Thái học, nghiên cứu về dân tộc Thái, tiếp thu, hoàn thiện bộ chữ Thái.
Là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Bá Thước sau khi nghỉ hưu, ông triển khai dạy chữ Thái cho cán bộ, viên chức trong huyện và cộng đồng. Từ năm 2006 đến nay, ông Hà Nam Ninh truyền dạy chữ Thái, tham gia giảng dạy chữ Thái cho 6.700 học viên; tặng nhiều sách chữ Thái cổ cho cơ quan quản lý, bảo tồn, phục vụ nghiên cứu, giáo dục văn hóa Thái. Hiện ông cùng các thành viên Hội Dân tộc học và Nhân học tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện bộ chữ của đồng bào Thái ở Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu bảo tồn, truyền dạy, trao truyền cho thế hệ tiếp nối.
Phát huy bản sắc văn hóa Thái
Người Thái có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời ở Thanh Hóa; cư trú, canh tác ở các thung lũng núi cao hơn vùng thung lũng rộng, thấp của đồng bào Mường. Người Thái ở Thanh Hóa mang đặc trưng chung của cộng đồng Thái ở Việt Nam nhưng không hoàn toàn giống văn hóa Thái vùng Tây Bắc và tây Nghệ An. Đồng bào Thái ở Thanh Hóa bảo tồn nét văn hóa đặc trưng, đồng thời lại tiếp thu những nét văn hóa mới của cuộc sống đương đại. Thói quen ăn cơm nếp dần chuyển sang sử dụng gạo tẻ; ở nhà xây thay nếp nhà sàn truyền thống.
Thế hệ trẻ ưa dùng quần áo may sẵn bằng vải công nghiệp lại khiến nghề trồng bông, se, nhuộm sợi, dệt thổ cẩm không còn phổ biến. Phân tích những yếu tố tác động tới văn hóa truyền thống, Tiến sĩ Vũ Trường Giang, Trưởng khoa Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị khu vực I cho biết: Chữ viết, tiếng nói - di sản quan trọng ngày càng thu hẹp phạm vi sử dụng, thậm chí một bộ phận không nhỏ không còn biết tiếng mẹ đẻ, chữ Thái.
Trong lãnh đạo, điều hành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Thanh Hóa, nhất là các địa phương vùng thượng du đang chú trọng phát triển kinh tế đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tại huyện Bá Thước, xã Lũng Niêm đã xây dựng làng nghề dệt thổ cẩm ở thôn Lặn Ngoài gắn với khai thác lợi thế du lịch. Nghệ nhân “giữ lửa truyền nghề” dệt thổ cẩm Lò Thị Dân cho biết: Trồng, thu hoạch bông, se thành sợi, sử dụng thành phẩm thực vật nhuộm màu, dệt thổ cẩm là công việc thường ngày của phụ nữ Thái. Các mô-típ cây dừa, hoa cây bi, cây mây, hoa cánh gián, lá thực vật, hình tượng con người, con rồng, con voi, con chim, con cua... được dệt sợi màu hợp lý, bố trí hài hòa thành dải trên nền vải thổ cẩm Thái. Giá thành dệt tấm vải thổ cẩm truyền thống khá cao cho nên các gia đình mua sợi công nghiệp dệt thổ cẩm, đáp ứng thị hiếu, mức chi tiêu của khách hàng.
Nghề dệt thổ cẩm hiện duy trì ở 94 hộ gia đình thôn Lặn Ngoài, đạt thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thổ cẩm Hà Thị Dung ở phố Đòn, xã Lũng Niêm ngoài tạo việc làm thường xuyên cho bảy lao động còn liên kết với hơn 30 gia đình dệt thổ cẩm theo mẫu đơn hàng, bao tiêu sản phẩm. Bí thư Đảng ủy xã Lũng Niêm Hà Thị Thoi cho biết: Chính quyền phối hợp Trường đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho lao động dệt thổ cẩm.
Người dân tái trồng bông, se sợi, nhuộm màu bằng chiết xuất từ các loài thực vật để dệt thổ cẩm, hoa văn và khăn thổ cẩm Mường Khoòng đã được công nhận sản phẩm OCOP. Kinh doanh du lịch tổ chức theo ba nhóm hộ, thu hút 15 gia đình trong thôn Lặn Ngoài tham gia và có sự phân công theo chuỗi dịch vụ: Lưu trú, cung ứng lương thực, ẩm thực. Thịt vịt Cổ Lũng, rau trộn, rêu đồ, cải xoong, cá nướng, cơm lam... được nhiều du khách lựa chọn. Xã Lũng Niêm nhân rộng các câu lạc bộ bảo tồn, tái hiện dân ca, dân vũ của người Thái, tập luyện, biểu diễn các nhạc cụ, bộ gõ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tham gia hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân, khách du lịch, từng bước khôi phục Lễ hội Mường Khoòng.
Trở lại Yên Thắng, huyện Lang Chánh, nơi chung sống của 6.000 đồng bào Thái đen, lễ hội cầu an, cầu sức khỏe Chá Mùn được phục dựng nhằm lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng. Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa dân gian Yên Thắng Lò Viết Lâm cho biết: Được trang bị giàn trống chiêng, đạo cụ, trang phục truyền thống, 46 thành viên duy trì sinh hoạt, tập luyện các làn điệu Khặp, biểu diễn Cồng chiêng, thổi sáo Ôi, Khèn bè, Khua Luống.
Đặc biệt, câu lạc bộ tập hợp được sáu nghệ nhân Mo Mùn, người thực hành nghi lễ tín ngưỡng dân gian đặc sắc, tiêu biểu của đồng bào Thái đen. Các hoạt động văn hóa truyền thống được tái hiện trong đời sống, gắn với khai thác lợi thế chợ văn hóa, du lịch khám phá ruộng bậc thang ở làng Ngàm Pốc, kinh doanh homestay ở bản Peo.
Đồng bào Thái ở huyện vùng cao biên giới Quan Sơn còn lưu truyền truyện thơ về Tư Mã Hai Đào bằng chữ Thái cổ, sự hình thành Mường Xia, những làn điệu Khặp giao duyên cùng câu chuyện ngợi ca mối tình của nàng Ót Nọi ở Mường Mìn với chàng Lá Li đất Mường Xia. Lễ hội Mường Xia được khôi phục, tổ chức thường niên gắn di tích Đền thờ Tư Mã Hai Đào, khắc ghi công lao người anh hùng có công bảo vệ biên cương lãnh thổ, lập lại Mường Xia. Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quan Sơn Lê Văn Thơ cho biết: Lễ hội mô tả đời sống văn hóa cộng đồng người Thái, là sản phẩm sáng tạo bằng đam mê, nhiệt huyết không ngừng nghỉ của các thế hệ tiền nhân. Sau nghi lễ tri ân người có công với nước là phần hội vui tươi, đa dạng các hoạt động văn nghệ, thể thao dân tộc, thu hút thêm khách tour du lịch Quan Sơn-Viêng Xay. Lễ hội Mường Xia lan tỏa văn hóa Thái tới Mường Bén, Mường Xôi bên nước bạn Lào; Mường Đào ở huyện Bá Thước, quê hương của Tư Mã Hai Đào.
Lễ hội Mường Xia và lễ hội Nàng Han ở huyện Thường Xuân đã được công nhận di sản phi vật thể quốc gia. Hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng, tái hiện văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch ở vùng thượng du Thanh Hóa. Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh hằng năm tổ chức Liên hoan văn hóa, trình diễn trang phục các dân tộc, văn nghệ dân gian, phiên chợ vùng cao, thúc đẩy bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống. Dự Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2024, nghệ nhân Cầm Thị Đành, đến từ làng Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân cho biết: Bà hành nghề Mo Tày bảo tồn tập quán xã hội và tín ngưỡng, trao truyền tri thức bản địa, văn hóa tộc người cho thế hệ trẻ.
Chương trình văn nghệ của đồng bào Thái huyện Thường Xuân có nội dung ngợi ca Nàng Han, người con gái Mường Trịnh Vạn giả trai, giúp vua diệt giặc ngoại xâm, được suy tôn thành thần. Khua luống, điệu múa Nàng Han, múa quanh cây bông, nhảy sạp, thổi sáo họa theo điệu Khặp không thể thiếu trong lễ hội Nàng Han, gửi lời nhắn nhủ: “Con cháu bản ta ơi/Dù sướng hay khổ/Chúng ta không quên phong tục đất ta/Phải chung tay lưu giữ bản sắc”.