Ngân vang tiếng cồng chiêng ở Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ
Năm học 2023-2024, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ (Gia Lai) có 5 lớp với 150 học sinh, trong đó hơn 90% học sinh người Bahnar. Thời gian qua, nhà trường đã duy trì, phát triển hoạt động của đội cồng chiêng, thông qua đó bồi đắp cho học sinh tình yêu văn hóa của dân tộc.
Cũng từ năm 2018 đến nay, việc truyền dạy kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ được thực hiện theo cách thức học sinh lớp trước dạy cho các em lớp sau. Để tạo điều kiện cho học sinh trong đội cồng chiêng có nhạc cụ luyện tập, nâng cao kỹ năng diễn tấu, năm 2021, nhà trường đã đầu tư mua bộ cồng chiêng mới thay bộ cồng chiêng cũ đã hư hỏng.
“Với sự quan tâm, tạo điều kiện của nhà trường và nỗ lực học hỏi, truyền đạt kinh nghiệm diễn tấu cồng chiêng của những học sinh lớp trước cho các em lớp sau, những năm qua, tiếng cồng, tiếng chiêng luôn vang vọng dưới mái trường và là một phần không thể thiếu tại lễ khai giảng, tổng kết năm học, giao lưu văn hóa, văn nghệ của nhà trường. Điều này đã nhân lên tình yêu, niềm tự hào với văn hóa dân tộc cho các em học sinh”-thầy Văn cho biết.
Em Lô Minh Trí (học sinh lớp 9) bộc bạch: Ba em là người dân tộc Tày, mẹ là người Bahnar. Từ nhỏ thấy ông ngoại, các chú, các bác diễn tấu cồng chiêng, em đã ước mơ sau này trở thành nghệ nhân cồng chiêng. Khi vào lớp 6, biết nhà trường có đội cồng chiêng, em đã đăng ký tham gia. Được thầy cô, anh chị trong đội tận tình hướng dẫn, nay em đã đánh thuần thục nhiều bài chiêng hay như mừng nhà rông mới, lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới.
“Sau nhiều năm tham gia hầu hết các tiết mục diễn tấu cồng chiêng tại các buổi sinh hoạt đội, lễ, Tết do nhà trường tổ chức, em đã đúc rút được chút kinh nghiệm, kỹ thuật trình diễn cồng chiêng. Em đã chia sẻ, hướng dẫn cho các bạn, các em trong đội những gì mình học hỏi được. Em mong đội cồng chiêng ngày càng phát triển, có nhiều người tham gia để tiếng cồng chiêng mãi ngân vang”-em Trí bày tỏ.
Còn em Đinh Sơn Thái (học sinh lớp 6) hồ hởi nói: “Tham gia đội cồng chiêng đã giúp em nhanh chóng làm quen với môi trường, bạn bè, thầy cô mới. Sau thời gian học trên lớp, chúng em thường rủ nhau xuống hội trường luyện tập cồng chiêng. Hơn 5 tháng tham gia đội cồng chiêng, nhờ anh chị tận tình chỉ bảo, hướng dẫn, em đã học hỏi được một số kiến thức, kỹ thuật trình diễn cồng chiêng. Em sẽ chăm chỉ luyện tập để đánh được những bài chiêng hay, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.
Trao đổi với P.V, thầy Lê Đình Đức-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ cho hay: Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, chăm lo đời sống vật chất cho học sinh, thời gian qua, nhà trường thường lồng ghép những thông tin, nội dung liên quan đến văn hóa truyền thống của người bản địa vào tiết học; duy trì hoạt động của đội cồng chiêng, góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
“Những năm tới, để nâng cao chất lượng đội cồng chiêng, nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, ngành chức năng trong việc tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng cho học sinh để các em có cơ hội học tập, nâng cao kỹ năng và sẽ trở thành hạt nhân lan tỏa tình yêu di sản văn hóa phi vật thể nhân loại đã được UNESCO công nhận đến cộng đồng buôn làng”-thầy Thức chia sẻ.