Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trìn triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được tháo gỡ.
Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 60%. Nên việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, chương trình MTQG... luôn là nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Diện mạo mới tại vùng dân tộc thiểu số
Sau 03 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Thanh Hóa giảm còn 15,71%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn 14,75% (23.541 hộ); tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo còn 20,91% (18.942 hộ).
Các địa phương khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS đã được đầu tư hoàn thiện 18 công trình nước sinh hoạt tập trung, 256 công trình trạm y tế, đường bê tông, chợ; 16 công trình trường học; 66 công trình thiết chế văn hóa; 02 trung tâm y tế huyện... Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế ước đạt 39,8%; tỷ lệ được sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 94,7%.
Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển và nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình được triển khai thực hiện hiệu quả. Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh là 1.181.125 triệu đồng, đạt 95,6% kế hoạch (số vốn còn lại 53.785 triệu đồng, dự kiến sẽ giao kế hoạch trong quý I/2024).
Đã phân bổ chi tiết cho các dự án, tiểu dự án thành phần 761.635 triệu đồng. Tổng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh là 1.048.924 triệu đồng; đến nay đã phân bổ chi tiết cho các dự án, tiểu dự án thành phần 348.377,2 triệu đồng.
Ngoài ra, các cấp, các ngành đã quan tâm đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn, trang bị kỹ năng, kiến thức pháp luật, cách thức sản xuất, canh tác hiệu quả cho người dân trong khu vực, không để xảy ra tình trạng trông chờ, ỷ lại.
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động cho con em dân tộc cũng được chú trọng. Trong giai đoạn 2021-2023, có 9.153 người lao động là người DTTS, người Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được tham gia các lớp đào tạo nghề tại địa phương. Có 13.228 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công; số lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021-2023 là 8.614 người.
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Song song với những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2023 còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Theo ông Lê Duy Tĩnh, Phó Chủ tịch xã Thanh Tân, huyện Như Thanh cho biết: “Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện MTQG phát triển kinh tế xã hội ở vùng DTTS chính là tiến độ giải ngân vốn đối với một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần còn chậm. Chưa có sự thống nhất trong triển khai một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần từ cấp tỉnh đến cơ sở. Một số quy định, hướng dẫn của Trung ương chưa cụ thể, chưa sát thực tiễn nên việc triển khai còn khó khăn...
Mặt khác, nhiều vướng mắc khi thực hiện các tiểu dự án, dự án của các địa phương còn chưa được tháo gỡ. Hiện tại còn các thôn đặc biệt khó khăn không thuộc các xã khu vực II, III không được thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân”.
Ngoài ra, việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất của các hộ dân còn ở mức hạn chế. Phần lớn vẫn canh tác theo kiểu tự cung tự cấp dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.
Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn hạn chế, chưa linh hoạt, sáng tạo, thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện Chương trình. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn còn tư tưởng muốn "chờ cơ chế” tại các thôn bản đặc biệt khó khăn để được thụ hưởng các chính sách đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước.
Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS cần sự chung tay, quyết liệt của các cấp, các ngành. Đặc biệt là vai trò nêu gương của cấp ủy chi bộ. Có như vậy mới tạo được không khí thi đua sôi nổi vươn lên thoát trong lòng quần chúng nhân dân.