Gìn giữ nét đặc trưng nhà truyền thống
Từ bao đời nay, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã và đang bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá. Trong đó, kiến trúc nếp nhà truyền thống của đồng bào dân tộc: Thái, Lào, Lự, Mông, Dao, Hà Nhì… được bà con gìn giữ theo thời gian. Hiện nay, những nếp nhà sàn, nhà gỗ, trình tường ở các bản trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách với tên gọi “homestay”.
Đến với các bản: Cang Mường, Lả Mường, Co Nọi ở xã Mường Cang (huyện Than Uyên), chúng tôi thấy nhiều nhà sàn truyền thống của đồng bào người Thái được gìn giữ. Anh Nùng Văn Tiện ở bản Cang Mường chia sẻ: Là người dân tộc Thái, chúng tôi tự hào về bản sắc văn hoá dân tộc. Trong đó, nếp nhà sàn đã được các thế hệ cha ông thiết kế, truyền từ đời này sang đời khác. Năm 2011, khi sửa lại nhà, gia đình tôi vẫn giữ nguyên kiến trúc; nâng cao sàn dưới và sử dụng gầm sàn để thóc, đồ đạc, chỗ vui chơi của các con. Cầu thang thiết kế đẹp hơn, có tay vịn. Ngoài ra, không gian bếp, chúng tôi sắp xếp khu vực riêng thay vì sử dụng gian cuối trong nhà như ngày xưa.
Theo lời chia sẻ của ông Nguyễn Tự Trọng - Chủ tịch UBND xã Mường Cang, hiện toàn xã có 1.425 hộ, chủ yếu là người dân tộc Thái sinh sống. Trong đó có gần 70% số hộ giữ được nếp nhà truyền thống của người dân tộc Thái. Cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể xã tích cực vận động tuyên truyền; khuyến khích các hộ giữ nguyên kiến trúc nhà ở, sử dụng nguyên vật liệu mới làm nhà cho phù hợp với điều kiện và không gian sống.
Mỗi dịp công tác tại các huyện: Phong Thổ, Tam Đường, Sìn Hồ, Mường Tè… ghé thăm các bản, chúng tôi tự hào và ấn tượng về đặc sắc văn hoá của đồng bào 20 dân tộc trên địa bàn tỉnh. Cũng giống như trang phục, tiếng nói, chữ viết, âm nhạc, nghệ thuật trình diễn dân gian… mỗi dân tộc có kiến trúc nhà ở khác nhau. Nếu người Thái, Lào, Lự, Cống, Mảng có nếp nhà sàn thì người Mông, Dao, Hà Nhì, Si La có nhà trệt, vách gỗ, nhà trình tường.
Anh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) phấn khởi: Nét độc đáo trong kiến trúc ngôi nhà dân tộc Mông có 3 gian 2 cửa; phòng ngủ của vợ chồng, con đều được bố trí riêng biệt. Nhà của người Mông đều có sàn gác để cất giữ đồ đạc, lương thực, thực phẩm nhằm hạn chế ẩm mốc. Chúng tôi vui mừng khi hiện nay, những ngôi nhà truyền thống của đồng bào Mông được khách du lịch, nhất là khách nước ngoài yêu thích. Trong bản có 22 hộ làm dịch vụ nghỉ dưỡng “homestay” phục vụ nhu cầu của khách. Để thu hút khách nghỉ lại, các hộ trong bản trang trí cổng chào thật đẹp, quét dọn sạch sẽ nhà; tạo cảnh quan xung quanh nhà.
Những năm qua, nếp nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc luôn được các cấp, các ngành, địa phương, nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm, gìn giữ và bảo tồn gắn với việc thực hiện tiêu chí về nhà ở trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, tỉnh lựa chọn phục dựng không gian kiến trúc nhà truyền thống của các dân tộc, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá độc đáo mỗi dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Ông Đèo Văn Dương - Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Phong Thổ cho hay: Thực hiện Nghị quyết 59-NQ/HĐND của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn huyện có 2 điểm bản du lịch: Sin Suối Hồ, Vàng Pheo được hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà ở theo kiến trúc nhà ở truyền thống. Theo đó, mỗi điểm bản có 10 hộ làm dịch vụ homestay được hỗ trợ với kinh phí không quá 160 triệu đồng/hộ.
Toàn tỉnh đã hỗ trợ cải tạo, sửa chữa 35 nhà ở theo kiến trúc nhà ở truyền thống theo Nghị quyết 59 tại các bản du lịch cộng đồng: bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ và bản Vàng Pheo, xã Mường So (huyện Phong Thổ); bản Thẳm, xã Bản Hon và bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường); bản San Thàng, xã San Thàng (thành phố Lai Châu). Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tại các huyện: Than Uyên, Mường Tè, Tam Đường đã tổ chức phục dựng không gian kiến trúc nhà truyền thống của 11 dân tộc, gồm các dân tộc: Hà Nhì, La Hủ, Si La, Mảng, Cống, Khơ Mú, Dao, Giáy, Lự, Lào, Mông.
Nhà truyền thống được ví như một kho tàng văn hoá, bởi nó chứa đựng những phong tục tập quán, tín ngưỡng; là nơi sinh hoạt, giao lưu văn hoá, văn nghệ; trưng bày trang phục dân tộc, dụng cụ lao động sản xuất của mỗi dân tộc. Trải qua bao thế kỷ, đồng bào các dân tộc Lai Châu vẫn không ngừng sáng tạo, đổi mới để cải tiến ngôi nhà truyền thống phù hợp với điều kiện sinh hoạt, sản xuất, phục vụ du lịch nhưng không quên gìn giữ nét đặc trưng nhà truyền thống của dân tộc.