Giữ gìn ngôn ngữ Tày, Nùng - Cách làm hay ở Lạng Sơn
Với gần 80% dân số là người Tày, Nùng, xác định ngôn ngữ là một trong những thành tố quan trọng, cơ bản nhất của văn hóa dân tộc và cũng là tiêu chí để xác định thành phần DTTS, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp hay, cụ thể để bảo tồn ngôn ngữ Tày, Nùng trên địa bàn.
Ở tỉnh Lạng Sơn, cả hai dân tộc Tày và Nùng đều có ngôn ngữ riêng thuộc ngữ hệ Tày – Thái. Tại các làng bản có đông người dân Tày, Nùng sinh sống, đồng bào vẫn sử dụng ngôn ngữ dân tộc để giao tiếp hằng ngày. Cũng giống như nhiều dân tộc khác, ngôn ngữ của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn tồn tại dưới hai dạng: chữ viết và tiếng nói.
Về tiếng nói, người Tày, Nùng Lạng Sơn có sự tiếp xúc lâu đời với người Kinh. Người Tày học chữ Hán theo âm Hán – Việt nên tiếng Tày chịu ảnh hưởng của tiếng Kinh nhiều hơn và gần tiếng Kinh hơn. Người Nùng trước kia thường học chữ Hán theo âm Hán nên tiếng nói gần với tiếng Hán hơn. Do đó, người Tày và người Nùng có thể hiểu nhau trong giao tiếp nhưng có sự phân biệt tinh tế giữa tiếng Tày và tiếng Nùng về thanh điệu.
Đồng bào thường sử dụng ngôn ngữ của mình ở mọi lúc mọi nơi, trong cuộc sống hằng ngày khi nói chuyện với nhau. Chẳng thế mà, ở khắp các phiên chợ Kỳ Lừa, đa số đồng bào đi chợ sử dụng tiếng Tày, Nùng làm phương tiện giao tiếp chính để trao đổi, mua bán hàng hóa và hát Sli, Lượn giao duyên với nhau.
Chị Vi Thị Tình, một người dân của huyện Lộc Bình hào hứng chia sẻ: “Bất cứ đâu, nhất là trong các hoạt động cộng đồng, ngoài tiếng Kinh, thì chúng tôi vẫn sử dụng tiếng Tày để giao tiếp với nhau. Thấy gần gũi hơn nhiều lắm chứ. Dù ở đâu, đông đến mấy, chưa cần nói đến trang phục nhưng qua nói chuyện đã biết là người Tày rồi”.
Về ngôn ngữ viết, hiện nay, dân tộc Tày, Nùng không còn duy trì chữ viết riêng, chỉ còn một phần nhỏ trong hệ thống sách cúng, sách Then. Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Tày, Nùng là hai dân tộc cùng có nhiều đặc điểm gần gũi nhau về dân tộc học, nơi cư trú, văn hoá, đặc biệt là ngôn ngữ. Có thể nói, ngôn ngữ Tày, Nùng cả về tiếng nói và chữ viết là thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Lạng Sơn”.
Trao đổi với lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lạng Sơn được biết, thời gian qua Sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc tăng cường sưu tầm các tài liệu, hiện vật chữ viết, thu âm ghi hình các phong tục, tập quán, dân ca có sử dụng ngôn ngữ Tày, Nùng; biên dịch các tác phẩm, trích đoạn then cổ, quan làng, cỏ lẩu, sli xuất bản thành sách để lưu trữ, phục vụ công tác tìm hiểu của Nhân dân...
“Đặc biệt, Sở hướng dẫn các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng ngôn ngữ dân tộc trong cuộc sống hằng ngày, động viên thế hệ lớn tuổi truyền dạy lại cho thế hệ trẻ; đẩy mạnh việc thành lập các câu lạc bộ dân ca, đây là môi trường lý tưởng để ngôn ngữ được duy trì và phát huy hiệu quả”, ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn tỉnh cũng rất quan tâm đến công tác bảo tồn ngôn ngữ dân tộc: mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ tiếng Tày, Nùng (thực hiện từ năm 2011), trong đó chủ yếu là tiếng Tày cho cán bộ, công chức và các đối tượng dự tuyển thi công chức theo quy định, các lớp bồi dưỡng này đều do Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt danh sách; phát sóng phát thanh các bản tin, các chương trình thời sự và chương trình văn nghệ bằng tiếng Tày – Nùng; đăng tải các tác phẩm văn học nghệ thuật bằng tiếng Tày, Nùng....
Đáng chú ý, công tác bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ có sử dụng tiếng dân tộc Tày, Nùng như hát then, sli, lượn…Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện giảng dạy trong các tiết học ngoại khóa. Đến nay, cả tỉnh có 23 trường ở cấp tiểu học, THCS, THPT đã và đang tổ chức truyền dạy và thành lập được các Câu lạc bộ hát then, đàn tính thu hút trên 400 học sinh theo học, tăng 60% so với năm 2018…
Ngoài việc người dân cần phải quan tâm hơn đến truyền dạy cho con cháu sử dụng thành thạo ngôn ngữ dân tộc mình trong sinh hoạt, đời sống thì vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc là hết sức quan trọng trong việc tham mưu các chính sách gìn giữ, phát huy nhóm ngôn ngữ này. Với những giải pháp tích cực của các cấp, ngành trong tỉnh Lạng Sơn góp phần từng bước gìn giữ, phát huy ngôn ngữ dân tộc Tày, Nùng trong giai đoạn hiện nay.