Những tấm gương Công an xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thực hiện chủ trương đưa Công an chính quy về xã, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã xung phong về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác tại địa bàn mới, khó khăn từ điều kiện đi lại, địa hình đến phong tục, giao tiếp hằng ngày với bà con dân tộc thiểu số, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an xã không chỉ nỗ lực, cố gắng vượt khó mà còn phải hết sức linh động, nhạy bén, tìm cách thích ứng với môi trường, điều kiện mới. Những tấm gương dưới đây chúng tôi ghi lại chuyện thường ngày của những “Công an cắm bản” vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Được đồng bào Ca dong tin yêu
Đại úy Lê Thành Tâm là người con ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Năm 2018, anh Lê Thành Tâm về nhận công tác tại Đội CSĐT Công an huyện Sơn Tây. Hai năm sau, anh được điều động và bổ nhiệm làm Trưởng Công an xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.
Sơn Long là xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Tây, có đến 96% người dân là đồng bào dân tộc Ca dong. Do địa hình có nhiều đồi núi, sông suối nên việc đi lại giữa các khu dân cư rất khó khăn. Trên địa bàn lại có các khu vực giáp ranh với các xã Sơn Dung, xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây; xã Ngọc Tem, xã Đắk Nên, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum tiềm ẩn phức tạp về ANTT. Đáng chú ý, không ít hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại dai dẳng, cùng với đó là tệ cờ bạc, trộm cắp, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép...
Thời điểm Đại úy Lê Thành Tâm đến công tác tại Sơn Long cũng là lúc dịch COVID-19 bùng phát phức tạp. Trên cơ sở sắp xếp công việc một cách hợp lý, anh đã dành nhiều thời gian đi cơ sở, gặp gỡ người dân để nắm tình hình, từ đó kịp thời tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo công tác bảo đảm ANTT và phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Già làng Đinh Văn Đôn, thôn Tà Vay chia sẻ: "Cán bộ Tâm nhiệt tình lắm, đang dịch bệnh nguy hiểm mà đi hết làng này đến làng khác thăm hỏi, động viên, hướng dẫn bà con phòng, chống dịch. Nhà ai có việc gì cần là nó đến giúp ngay”.
Dịch bệnh vừa lắng thì lại vào thời điểm triển khai làm căn cước công dân. Với đặc thù bà con đi làm rẫy cả ngày, anh đã động viên CBCS đến nhà dân vào các buổi tối để thu thập thông tin, phát tờ rơi hướng dẫn bà con… Giai đoạn đầu của chiến dịch, lãnh đạo Công an huyện lo lắng xã sẽ không kịp tiến độ bởi việc đi lại rất khó khăn. Song với sự cố gắng nỗ lực hết mình của Đại úy Lê Thành Tâm và đồng đội, xã Sơn Long là một trong số ít đơn vị về đích đầu tiên của huyện. Riêng kích hoạt định danh điện tử mức 2 đã đạt hơn 98%...
Đại úy Lê Thành Tâm nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy trong công việc, chủ động tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để phát sinh những điểm nóng phức tạp. Cùng với đó, tăng cường quản lý chặt chẽ các đối tượng “cộm cán”, gọi hỏi răn đe, xử lý nghiêm các hành vi phạm pháp luật ngay ở từng làng, từng thôn.
Qua nghiên cứu, anh đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp đảm bảo ANTT các khu vực giáp ranh phù hợp với tình hiện nay; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”, nhất là ở các khu vực giáp ranh và xây dựng các mô hình bảo đảm ANTT ở cơ sở. Trong năm 2023, đã xây dựng, triển khai thí điểm mô hình “Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu về xây dựng đời sống văn hóa, văn minh” tại thôn Ra Manh để rút kinh nghiệm nhân rộng trong toàn xã. Cùng với đó, anh thường xuyên gặp gỡ, vận động các già làng, người có uy tín ở các thôn tham gia công tác đảm bảo ANTT, xây dựng nông thôn mới.
“Chúng tôi động viên anh em phải thường xuyên gần dân, bám cơ sở, nắm chắc tình hình, thực hiện “3 cùng” với bà con, hướng dẫn người dân lao động sản xuất để thoát nghèo và củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Làm việc ở địa bàn có đa số người dân là đồng bào người Cadong, tôi động viên anh em phải học cho được tiếng nói của bà con để nghe bà con nói và nói cho bà con nghe thì công việc mới đạt hiệu quả”, Đại úy Lê Thành Tâm chia sẻ.
Ông Đinh Như Trước, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, từ khi về địa phương, Đại úy Lê Thành Tâm đã có những đóng góp tích cực, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưucho cấp ủy, chính quyền địa phương làm chuyển biến rõ nét tình hình ANTT trên địa bàn. Nhờ đó, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được xóa bỏ, tệ cờ bạc, trộm cắp, khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản giảm hẳn so với trước, góp phần đắc lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Hơn ba năm gắn bó, đóng góp công sức cho sự bình yên của đồng bào vùng cao Sơn Long, Đại úy Lê Thành Tâm được đồng đội tín nhiệm, được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng và được bà quý mến…
“Ba cùng” với đồng bào dân tộc Raglai
Đại úy Nguyễn Thành Phú, người con của làng ven biển xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận). Ngay từ khi còn học phổ thông, Nguyễn Thành Phú đã ấp ủ mong ước trở thành chiến sĩ Công an.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, năm 2008, anh tham gia nghĩa vụ CAND. Hơn hai năm công tác tại Đội Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp Công an huyện Thuận Bắc, anh được tuyển dụng biên chế tại Đội Cảnh sát QLHC về TTXH. Gần 6 năm sau, anh được điều động sang Đội Tổng hợp. Trong thời gian đó, anh lần lượt được đào tạo chuyên ngành Cảnh sát khu vực (do Trường Trung cấp CSND II tổ chức tại Lâm Đồng), rồi nâng cao trình độ chuyên ngành trinh sát an ninh (do Trường Đại học ANND đào tạo tại tỉnh Bình Thuận 2016-2020).
Khi Công an tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện đề án đưa Công an chính quy về xã cuối năm 2019, anh được điều động, bổ nhiệm Trưởng Công an xã Phước Chiến - một xã miền núi được xếp vào diện đặc biệt khó khăn với 1.249 hộ gia đình gồm 5.328 người dân, trong đó có 97% là đồng bào dân tộc Raglai, tỷ lệ hộ nghèo hiện đến 44,51%, cận nghèo 26,90%.
Nhiều tháng liền sau khi về xã Phước Chiến, Đại úy Nguyễn Thành Phú cùng đồng đội không chỉ chú trọng làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phối hợp dân quân địa phương tuần tra bảo vệ ANTT khép kín các tuyến giao thông - địa bàn trọng điểm… mà còn dành nhiều thời gian tiếp cận từng địa bàn thôn, xóm; xác định từng đường ngang, ngõ tắt rồi tìm hiểu gia cảnh nhiều trường hợp đặc biệt khó khăn.
Một trong những trường hợp khiến cho Đại úy Nguyễn Thành Phú đau đáu nỗi lòng là khi nhìn thấy anh Katơr Khoang (SN 1981, trú ở thôn Đầu Suối A, xã Phước Chiến) cùng người vợ và 3 đứa con nhỏ cư trú trong căn nhà chỉ 8m2, kết cấu vách đất, mái tôn, không điện, thiếu nước. Mỗi ngày vợ chồng anh địu con lên nương rẫy trồng trọt, nhưng giữa vùng đất quanh năm nắng gió, khô hạn, nên nhiều bữa ăn chỉ có cơm trắng, muối rang và rau rừng. Có lần mưa giông ập đến, gió cuốn mái tôn căn nhà, anh em Công an xã Phước Chiến phải hỗ trợ tu sửa.
Những hình ảnh đó đã thôi thúc Đại úy Nguyễn Thành Phú hướng đến hoạt động thiện nguyện cho những gia đình nghèo khó, người già neo đơn, hoạn nạn, khuyết tật, đau ốm thường xuyên. Chỉ sau một thời gian ngắn kết nối bằng nhiều hình thức, anh đã vận động nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ vật tư, tiền mặt, lần lượt xây dựng để xây dựng 4 căn nhà cho gia đình các ông Katơr Khoang, Mang Tôm, Chamalé Chuông, Đá Mài Điêm ở các thôn Đầu Suối A, Tập Lá, Động Thông với kinh phí đầu tư mỗi nhà 60 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khó khăn được anh vận động các nhà hảo tâm thường xuyên hỗ trợ gạo, mì tôm, dầu ăn, muối, cá khô, sách vở, quần áo... Những hoạt động thiện nguyện của Đại úy Nguyễn Thành Phú không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ CAND mà còn tạo thêm niềm tin yêu, cảm phục với nhiều người dân, để từ đó họ nâng cao nhận thức trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an bảo vệ ANTT và bình yên cuộc sống.
Đại úy Nguyễn Thành Phú cung đã tác động nhiều cách để đối tượng Chamalé Đen đầu thú khi đang lẩn trốn quyết định truy nã về tội danh "Cố ý gây thương tích", vận động người dân giao nộp 6 khẩu súng tự chế, 58 dao, kiếm, mã tấu và 150 pô xe độ chế…
Thượng tá Nguyễn Thành Sơn - Phó trưởng Công an huyện Thuận Bắc cho biết, với chức trách Bí thư Chi bộ, Trưởng Công an xã Phước Chiến, Đại úy Nguyễn Thành Phú luôn là đảng viên, cán bộ gương mẫu trong mọi công tác, đoàn kết, năng động vượt khó, cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở địa phương và đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện giàu ý nghĩa, đậm chất nhân văn, cần được nhân rộng điển hình.
Vận động người Chứt đảm bảo ANTT ở bản Rào Tre
Đại úy Phan Thanh Hương vốn là con em gia đình nhà nông nghèo, với sự nỗ lực học tập vươn lên không ngừng, anh đã mang trên mình màu áo CAND từ năm 2009. Tốt nghiệp ra trường, anh nhận công tác tại Đội Điều tra tổng hợp, Công an huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Thực hiện chủ trương của Bộ Công an về việc điều động Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, năm 2020 anh nhận công tác tại Công an xã Hương Liên.
Hương Liên là xã vùng sâu của huyện miền núi Hương Khê, điều kiện kinh tế khó khăn, địa hình chủ yếu là đồi núi, giao thông không thuận lợi, trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế và không đồng đều, nhiều đối tượng lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số để kiếm lợi bất chính, tuyên truyền phát triển đạo, lôi kéo một số người thiểu hiểu biết đi lao động giá rẻ…
Nhớ lại những ngày đầu khi về xã, anh cho biết, người dân trong các bản còn tỏ ra nghi ngại và tránh tiếp xúc với Công an, tình hình an ninh, trật tự diễn biến khá phức tạp do người dân ở đây đa phần có trình độ dân trí và nhận thức chưa cao nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo; tình hình mâu thuẫn nội bộ trong đời sống nhân dân còn tiềm ẩn. Đặc biệt, do hạn chế, bất cập trong quản lý, giao đất, giao rừng nên tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tranh chấp đất rừng, chặt phá rừng để trồng keo lá tràm vẫn còn diễn ra phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và tình hình ANTT chung của toàn huyện.
Chính vì vậy, cán bộ chiến sĩ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc thay đổi nhận thức, phong tục, tập quán lạc hậu cũng như hiểu biết của người dân đối với pháp luật. Với mong muốn giúp người dân nơi đây thay đổi nhận thức, thay đổi cuộc sống, thoát khỏi cảnh đói nghèo, Đại úy Phan Thanh Hương cùng Công an xã Hương Liên đã “vượt nắng, thắng mưa”, chủ động tiếp cận địa bàn, nắm hộ, nắm khẩu, chia nhau “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để thăm hỏi, động viên, tuyên truyền pháp luật đến từng người dân, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin.
Anh luôn xác định công tác bảo đảm ANTT nói chung, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm để giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, trong đó công tác xây dựng và nhân rộng mô hình, tổ chức tự quản về ANTT có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tăng cường công tác dân vận của lực lượng Công an, xây dựng lực lượng an ninh cơ sở, củng cố xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, góp phần quan trọng làm chuyển hóa tình hình tại địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH, đặc biệt là tại địa bàn bản Rào Tre.
Đây là bản người dân tộc Chứt nằm sâu trong lưng chừng núi rừng, cách trung tâm huyện Hương Khê gần 25km, được biết đến là bản xa nhất của xã Hương Liên, nằm sâu giữa những ngọn núi trong dãy Kà Đay và con sông Ngàn Sâu. Trong bản có 46 hộ dân với 157 nhân khẩu, 100% hộ dân nơi đây là dân tộc Chứt đang sinh hoạt cùng nhau, thời tiết khu vực đón gió lào nơi đây vô cùng khắc nghiệt, chính vì vậy việc đi lại, giao lưu của bà con nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, anh còn tích cực đi từng ngõ, nhà, thôn bản tuyên truyền, vận động, đẩy lùi được nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bạo lực gia đình và tình trạng bỏ học sớm cùng các hủ tục lạc hậu. Đồng bào đã có ý thức cao hơn trong chấp hành các quy định của pháp luật, ăn chín uống sôi, tự giác trong xây dựng và phát triển kinh tế hộ gia đình. Năm 2021, tại nơi thôn bản vùng xa khó khăn này, lần đầu tiên có công dân thi đỗ Đại học, 2 nam thanh niên nhập ngũ vào Quân đội nhân dân và có 16 hộ dân đã thoát khỏi diện hộ nghèo.
Các mô hình quần chúng tự quản về ANTT hoạt động có hiệu quả cao trong công tác đảm bảo ANTT, giải quyết dứt điểm các vụ việc nảy sinh ở cơ sở, hòa giải những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ quần chúng nhân dân trở thành sợi dây gắn kết tinh thần đoàn kết, đồng thuận và hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế...
Đại úy Phan Thanh Hương luôn lấy phương châm về với nhân dân, gần dân, sát dân, bám làng, bám bản, thấu hiểu người dân, xác định mục tiêu quan trọng nhất là lấy cuộc sống hạnh phúc và bình yên của đồng bào nơi đây để phấn đấu.
Có rất nhiều việc không tên, vất vả đêm hôm, làm thêm giờ và không có thứ 7, Chủ nhật là việc thường tình đối với Đại úy Phan Thanh Hương và các cán bộ Công an xã. Bởi thế, tình hình ANTT ở Hương Liên ngày một ổn định từ khi có các anh về xã.
Còn rất nhiều tấm gương đang công tác ở các xã trên mọi miền Tổ quốc mà trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chưa thể nêu được nhiều. Quá trình gặp gỡ, tiếp xúc, chuyện trò với các anh, chúng tôi thấu hiểu bản lĩnh người chiến sĩ CAND, dù đến địa bàn khó khăn, cách trở như thế nào vẫn luôn sẵn sàng xung phong, bằng ý thức trách nhiệm và sự nỗ lực vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hơn thế nữa, khi đã đến, công tác, sống với bà con, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những cán bộ Công an xã đã để lại tình cảm tốt đẹp, thực sự "con của bản làng" thân yêu...