Bạc Liêu chung tay giữ gìn văn hóa của đồng bào Khmer
Bạc Liêu là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đan xen cùng với các dân tộc Kinh và Hoa. Bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer chính là niềm tự hào của phum, sóc.
Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm chung tay bảo tồn, đánh thức giá trị của văn hóa truyền thống Khmer, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Chung tay giữ gìn văn hóa của đồng bào Khmer
Có dịp về các xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi), Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) hay Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) - địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, không khó nhận ra hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao được đầu tư khá khang trang. Không những góp phần làm bừng sáng diện mạo các xã nông thôn mới, những công trình văn hóa này còn bổ sung các điểm vui chơi-giải trí, xây dựng môi trường sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, thể thao lành mạnh cho đồng bào Khmer.
Ông Thạch Quyết, ở ấp Cù Lao, xã Hưng Hội chia sẻ: “Đa số các lễ hội truyền thống, hoạt động sinh hoạt văn hóa của người Khmer đều gắn với ngôi chùa. Tuy nhiên, các thiết chế văn hóa được đầu tư đến tận các ấp cũng có vai trò quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, thúc đẩy các phong trào văn hóa-văn nghệ ở cơ sở, trong đó, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hằng năm là minh chứng rõ nét nhất. Ngoài chùa Khmer thì đây cũng là một không gian để giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa Khmer”.
Để bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hóa như nghệ thuật truyền thống, trang phục, ẩm thực, lễ hội..., thời gian qua, các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh đó, đời sống ngày càng được nâng cao cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Khmer tiếp xúc với sản phẩm văn hóa mới. Hơn hết, sự quan tâm chăm lo đời sống cho đồng bào Khmer của Đảng và Nhà nước không chỉ có tác động tích cực đến chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn góp phần làm chuyển biến đời sống của đồng bào trên tất cả các lĩnh vực.
Để văn hóa dân tộc Khmer duy trì sức sống lâu dài trong đời sống của người dân, đòi hỏi sự định hướng và đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ từ phía các ngành chức năng. Quan trọng hơn, đồng bào phum, sóc cần phát huy ý thức dân tộc để ra sức khôi phục, giữ gìn thứ “tài sản” độc đáo mà ông cha đã truyền lại.
Ông Hứa Ngọc Triệu, Phó Trưởng ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer thì cần tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đây là công việc phải thực hiện thường xuyên và lâu dài thông qua việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung, thế hệ trẻ nói riêng. Bên cạnh đó, cũng cần xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao... trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia, để từ đó nâng cao ý thức của đồng bào trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”.
Nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào Khmer
Thực hiện Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bạc Liêu đã phân bổ hơn 17 tỷ đồng cho việc triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa như: Nghệ thuật truyền thống, ẩm thực, trang phục, lễ hội... của đồng bào Khmer.
Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Trong 2 năm qua, Bạc Liêu đã tổ chức trình diễn, tái hiện 2 lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer là Tết Chol Chnam Thmay, Lễ hội Ok om bok. Hiện tại, Bạc Liêu là địa phương duy nhất trong khu vực có nhà hát biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ khán giả hằng tuần. Những tiết mục biểu diễn với trang phục truyền thống, phục dựng lại các lễ hội truyền thống một cách cô đọng, dễ hiểu, thu hút rất nhiều khách du lịch”.
Hằng năm, vào các dịp lễ hội lớn, các phum, sóc của người Khmer vô cùng nhộn nhịp. Sự độc đáo, náo nhiệt của các lễ hội này đã thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến với Bạc Liêu. Cùng với các lễ hội, những ngôi chùa của người Khmer với lối kiến trúc độc đáo cũng là điểm thu hút khách du lịch tứ phương với nhiều tiết mục nghệ thuật dân gian truyền thống đầy màu sắc.
Theo ông Hứa Ngọc Triệu, từ nay đến năm 2025, Bạc Liêu hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các chùa Khmer, như Cái Giá Giữa (huyện Vĩnh Lợi), Hòa Bình cũ (huyện Hòa Bình), Kim Cấu (xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu)... Bên cạnh việc hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội văn hóa truyền thống, Bạc Liêu còn hỗ trợ 850 triệu đồng sửa chữa, tu bổ 17 chùa Phật giáo Nam tông Khmer.
“Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao tại 60 ấp thuộc các xã, phường, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Thủ tướng Chính phủ công nhận cũng sẽ được hỗ trợ đầu tư. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện hỗ trợ kinh phí hoạt động 20 triệu đồng/năm cho trung tâm văn hóa-thể thao xã, 5 triệu đồng/năm với khu văn hóa-thể thao ấp. Chính vì thế, việc nâng cấp cơ sở vật chất cho thiết chế văn hóa ở địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân” - ông Triệu nói.
Nhờ sự quan tâm, chú trọng việc nâng cao đời sống tinh thần, đặc biệt là vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Đây không chỉ là nơi thể hiện tín ngưỡng, văn hóa của người dân, mà còn là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng như dạy chữ, lễ hội, cung cấp kinh nghiệm sản xuất hiệu quả, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.