Đời sống xã hội

“Thủ phủ” cọn nước

A.Minh 22/03/2024 - 15:59

“Điều tôi ấn tượng nhất khi đến xã Khả Cửu, Thanh Sơn, Phú Thọ là những cọn nước được dựng dọc các con suối, khung cảnh đồng ruộng xứ Mường rất đặc trưng”, anh Trung, du khách đến từ Hà Nội nói.

398-202403220954371.png
Cọn nước ở Khả Cửu. Ảnh: ĐT.

Anh Nguyễn Đức Trung, 32 tuổi, vừa có chuyến phượt thăm huyện miền núi Thanh Sơn, Phú Thọ. Ở đây, anh bắt gặp hàng trăm chiếc cọn nước của đồng bào Mường địa phương, vẫn ngày ngày quay đều dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Chỉ riêng cánh đồng Hắm hơn 8ha đã có 20 cọn nước. Người dân địa phương nói, họ duy trì nhiều cọn nước, một mặt nhằm tưới tiêu cho đồng ruộng, một mặt tạo cảnh quan, kết hợp với các di sản văn hóa của người Mường để phát triển du lịch cộng đồng. Đây cũng là chủ trương của chính quyền huyện và xã.

Theo ông Đinh Quang Sáng, Phó Chủ tịch xã Khả Cửu, cọn nước là vật dụng nông nghiệp truyền thống. Trước đây chỉ người già mới biết làm cọn, nhưng nay nhiều thanh niên cũng đã học cách đóng cọn nước.

Khả Cửu là một trong ba xã còn nhiều khó khăn của vùng “Tam Cửu” huyện Thanh Sơn gồm Khả Cửu, Đông Cửu và Thượng Cửu. Xã cách trung tâm huyện Thanh Sơn 20km, đường sá kém phát triển. Dân số toàn xã hơn 4.800 người, đa số là dân tộc Mường, ngoài ra còn có người Kinh, người Dao sinh sống. Hiện nay xã Khả Cửu có trên 100 cọn nước, được làm dọc theo suối. Theo anh Hà Văn Tám ở thôn Hắm, muốn làm cọn, người ta phải chuẩn bị tre, ngâm nước. Khi trẻ đủ tiêu chuẩn làm cọn, dân bản thường tụ lại mỗi người một tay. Làm một chiếc cọn cao chừng 6-7m có lúc kéo dài cả tháng.

Người ta chọn những cây tre đồng đều về kích cỡ, đặc ruột, để làm thân cọn, những cây khác làm vành, làm máng. Giá thành một chiếc cọn ở thời điểm hiện nay khoảng 2 triệu đồng. Làm một chiếc cọn có khi tốn gần 200 cây tre.

“Nếu tre tốt, ngâm kỹ, cọn có thể bền 1-3 năm”, anh Tám nói. Kích cỡ của từng chiếc cọn khác nhau, tùy thuộc lưu lượng nước và chênh lệch độ cao giữa suối và đồng ruộng. Người ta dùng các loại dây rừng, đinh vít hoặc các chất liệu chịu nước tốt để liên kết các bộ phận của cọn.

Hiện nay, ở huyện Thanh Sơn có hàng trăm cọn nước, tập trung chủ yếu ở bản Hắm, bản Chuôi, bản Ngán, Bãi Lau của xã Khả Cửu. Lãnh đạo xã cho biết, toàn xã hiện có khoảng 88 ha lúa nước, trong đó có 80% diện tích nằm dọc bờ suối Dân, từ khu Chuôi xuống khu Mu. Vài năm trở lại đây, Xí nghiệp thủy nông Thanh Sơn đã vận hành các công trình thủy lợi, cung cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của huyện Thanh Sơn, tuy nhiên, với đặc thù đất cát pha nên việc tích tụ nước vào đồng ruộng, đảm bảo nước phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với vụ chiêm. Vì vậy, người dân xã Khả Cửu vẫn làm các cọn nước dọc các con suối để lấy nước vào ruộng.

Theo lãnh đạo xã, đã có đề án phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở Khả Cửu, trong đó tập trung phát huy những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của người Mường: Bảo tồn, duy trì hơn 200 cọn nước, nhà sàn, các món ăn truyền thống, phong cảnh. Khả Cửu cũng đón một số đoàn khách tham quan, có cả du khách nước ngoài… song điểm du lịch này cho đến nay chưa được biết đến nhiều, cho dù xã chỉ cách trung tâm huyện 20km.

A.Minh