Những “cây đại thụ” giữa rừng già vùng biên
Đồng bào người Dao ở bản Suối Tút (xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) gắn đời sống của mình với đường biên. Bên kia đường biên là bản Suối Tung, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào.
Hai cha con ông Phan Văn Cấu, (Bí thư Chi bộ bản Suối Tút) rời khỏi mớ chăn nệm ấm sực khi ngoài trời vẫn còn chìm trong màn sương lúc rạng sáng để chuẩn bị cho chuyến đi kiểm tra cột mốc. Dưới bếp lửa đã hừng than, vợ ông - bà Phan Thị Náy đang lụi cụi chuẩn bị đồ ăn sáng, cơm nắm, muối vừng cho 2 cha con và các cán bộ Biên phòng ăn trên đường về. Theo định kỳ, sáng nay, cha con ông Cấu sẽ cùng các chiến sĩ bộ đội Biên phòng đi kiểm tra cột mốc 286. Nằm ở độ cao 2.000m trên đỉnh núi Pù Tát, đây là cột mốc xa nhất và cao nhất của xã Quang Chiểu, phân định giữa xã Quang Chiểu với bản Suối Tung, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Tính từ chân con dốc đầu bản đến cột mốc 286, ông Cấu phải đi bộ mất hơn 4 tiếng đường rừng với núi cao, suối sâu và những con dốc dựng đứng với tổng chiều dài hơn 8km.
Thời điểm khó khăn nhất với bản Suối Tút là khi đất nước vừa thống nhất, kẻ xấu lôi kéo bà con bỏ bản. Nhiều người lúc đó tin theo, đốt nương, dỡ nhà cửa, giết trâu bò ăn khao rồi kéo nhau vượt biên. Cả bản ngày ấy mới có 37 hộ thì mất 30 hộ có người đi vượt biên...
Thời gian này, bố của ông Cấu là Phan Văn Xiết làm Trưởng bản rất lo lắng nhưng không hề thỏa hiệp với luận điệu tuyên truyền của bọn người xấu. Một mặt, ông làm công tác tư tưởng với các thành viên trong gia đình, củng cố niềm tin cho số bà con còn ở lại bản. Mặt khác, ông Xiết nhanh chóng báo cáo tình hình với Bộ đội Biên phòng.
Nói về phong trào bảo vệ cột mốc, đường biên ở Quang Chiểu, Trung tá Nguyễn Văn Lương, Đội Vận động quần chúng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quang Chiểu cho biết: Ở Quang Chiểu không chỉ có riêng gia đình già làng Phan Văn Xiết 3 đời tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc bằng tinh thần tự nguyện mà ở bản Pù Đứa còn có gia đình anh Lâu Văn Lâu, người dân tộc Mông tự nguyện đứng ra nhận nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc mốc 304 đã hơn 10 năm nay. Đây cũng chính là cột mốc mà cha anh - già làng Lâu Văn Hự, năm nay đã gần 100 tuổi tình nguyện bảo vệ trong nhiều năm qua.
Chúng tôi đến được cột mốc 286 khi nắng đã dội xuyên qua tán rừng rậm, hắt lên gương mặt ướt đẫm mồ hôi và từng nhịp thở gấp gáp. Cả đoàn chỉnh lại trang phục, đứng nghiêm trang chào cột mốc. Rồi mỗi người một việc, ông Cấu kiểm tra thân mốc; anh San phát quang xung quanh, lau chùi bốn mặt cột mốc cho sạch, cho nổi rõ những dòng chữ Việt Nam, Lào và con số in trên hai mặt chính của cột mốc… Xong xuôi đâu đó, ông Cấu lấy điện thoại trong túi ra chụp xung quanh cột mốc, đồng thời lấy ra cuốn sổ nhỏ ghi chép lại nội dung đã kiểm tra.
Trung tá Nguyễn Văn Lương cho biết: Đứng chân trên địa bàn xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, Đồn Biên phòng Quang Chiểu có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 46,7km đường biên giới, 22 mốc quốc giới. Trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đạt được những kết quả trên, có một phần đóng góp không nhỏ của những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong địa bàn đơn vị quản lý.
“Họ như những cây đại thụ sừng sững giữa rừng già vùng biên, góp phần tô thắm thêm tình đoàn kết keo sơn Việt - Lào” - Trung tá Nguyễn Văn Lương chia sẻ thêm với chúng tôi trước khi chia tay.