Kiến tạo điểm đến hấp dẫn: Cách làm của các làng nghề truyền thống
Với hơn 100 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận, đến nay sản phẩm du lịch làng nghề xứ Thanh đã, đang được đầu tư khai thác, kiến tạo nên những điểm đến tham quan hấp dẫn. Trong đó, một số địa phương đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, định hướng cho các cơ sở sản xuất phát triển các mặt hàng làm quà lưu niệm và kết nối với doanh nghiệp lữ hành nhằm thu hút khách du lịch.
Đến nay, làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đã không còn là cái tên xa lạ với những du khách yêu thích khám phá văn hóa, trải nghiệm. Đây là một trong những làng nghề truyền thống tiêu biểu của tỉnh được đánh giá phù hợp với hoạt động du lịch. Cùng với hệ thống giao thông thuận tiện, làng nghề hiện đã có khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Đến với làng nghề, du khách không chỉ được tham quan, mua sắm mà còn có thể tham gia trực tiếp vào một số công đoạn sản xuất và hoàn thiện sản phẩm.
Giám đốc kinh doanh Công ty VNPlus Travel (TP Thanh Hóa) Nguyễn Hà Phương cho biết: “Với nhiều điều kiện thuận lợi về giao thông, cùng với đó là quy trình tham quan ở làng nghề đúc đồng Trà Đông khá bài bản, chúng tôi đã đưa điểm đến này vào lịch trình tham quan trong chùm tour “Âm vang xứ Thanh”. Qua phản hồi của một số đoàn cho thấy, làng nghề đặc biệt thu hút sự quan tâm của khách nội địa và dòng khách quốc tế yêu thích tìm hiểu văn hóa. Tuy nhiên, công tác kết nối, quảng bá của làng nghề đến các đơn vị lữ hành vẫn còn khá hạn chế, mặt khác, quy trình tham quan dành cho khách du lịch chưa thực sự chuyên nghiệp”.
Cũng theo bà Nguyễn Hà Phương, du khách khá quan tâm đến một số sản phẩm lưu niệm có kích thước nhỏ của làng nghề như trống đồng, chiêng, đèn, bình hoa, tượng đồng... Tuy nhiên, mặt hàng quà lưu niệm còn khá ít, giá thành cao nên chưa đáp ứng nhu cầu mua sắm của đông đảo khách du lịch.
Xác định du lịch làng nghề không chỉ góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, những năm qua huyện Thiệu Hóa đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng trong công tác xúc tiến, quảng bá và xây dựng sản phẩm. Cùng với đó, chú trọng hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, góp phần định vị điểm đến và khẳng định thương hiệu sản phẩm làng nghề.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thiệu Hóa Trần Ngọc Tùng cho biết: “Cùng với làng nghề đúc đồng Trà Đông, trên địa bàn huyện còn một số làng nghề truyền thống có thể đưa vào khai thác trở thành điểm đến du lịch như làng nghề bánh đa Đắc Châu (xã Tân Châu); làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô (thị trấn Thiệu Hóa),... Tuy nhiên, thời gian qua lượng khách đến tham quan làng nghề truyền thống của huyện còn khá hạn chế, nguyên nhân một phần do làng nghề chưa thực sự đáp ứng các tiêu chí của một điểm đến du lịch. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng cho các địa phương trong việc xây dựng điểm đến, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng đáp ứng nhu cầu hoạt động du lịch. Đồng thời kết nối làng nghề với các điểm di tích địa phương để hình thành nên những hành trình khám phá văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Ngoài ra, huyện sẽ tập trung xây dựng làng nghề đúc đồng Trà Đông trở thành điểm du lịch làng nghề tiêu biểu của huyện, làm cơ sở để nhân rộng mô hình này đến một số làng nghề truyền thống khác trên địa bàn huyện”.
Trong những năm gần đây, du lịch khám phá, trải nghiệm làng nghề huyện Nga Sơn bước đầu đã được một số đơn vị lữ hành đưa vào lịch trình tour. Với 23 làng nghề được UBND tỉnh công nhận (20 làng nghề dệt chiếu cói, 1 làng nghề mây tre đan và 2 làng nghề nấu rượu), huyện Nga Sơn ngày càng có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề. Trong đó, những làng nghề dệt chiếu cói không chỉ là niềm tự hào của người dân vùng đất Nga Sơn mà đây còn là biểu tượng văn hóa của vùng đất Đông Bắc xứ Thanh.
Bà Mai Thị Yến, Giám đốc Công ty TNHH Ngân Khương (xóm 5, xã Nga Thanh) cho biết: “Để góp phần xây dựng làng nghề trở thành điểm đến hấp dẫn, chúng tôi đã nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu của thị trường để cải tiến mẫu mã phù hợp làm quà tặng. Bước đầu đã nghiên cứu sản xuất một số sản phẩm như giỏ, túi, hộp đựng đồ,... có hoa văn bắt mắt, tăng tính thẩm mỹ cho đồ thủ công lưu niệm. Cùng với đó, chúng tôi còn nghiên cứu phát triển sản phẩm chiếu cói du lịch, với kích thước 0,8m x 2m, có thể gập lại xách như một cái túi, có trọng lượng gần 1kg, với giá 300 nghìn đồng, vừa phù hợp với túi tiền của khách du lịch, vừa là món quà ý nghĩa của làng nghề để du khách mua về sử dụng hoặc dành tặng người thân, bạn bè”.
Có thể thấy, du lịch làng nghề ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bước đầu đã có hướng phát triển khả quan, nhiều làng nghề đã quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm thu hút khách du lịch. Song, thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động du lịch ở hầu hết các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa thực sự sôi động, thu hút đông đảo du khách. Chính vì vậy, cần có sự quan tâm, định hướng của các cấp, ngành trong công tác quy hoạch làng nghề, xây dựng và phát triển dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực,... nhằm kiến tạo nên những điểm du lịch làng nghề hấp dẫn, góp phần quảng bá sâu rộng những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đất và người xứ Thanh đến bạn bè, du khách gần xa.