Nghệ nhân đam mê chế tác nhạc cụ của buôn Wiao A
Trong ngôi nhà dài của già Y Wơn Niê (65 tuổi) ở buôn Wiao A, thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng, Đắk Lắk), từng nhịp chiêng tre mà ông đang cố gắng truyền dạy cho lớp thanh thiếu niên vẫn vang lên mỗi ngày.
Già Y Wơn Niê chia sẻ: Thuở nhỏ khi được theo cha mẹ tham gia các lễ hội của buôn làng, ông đã mê đắm những âm điệu của cồng chiêng nên lần nào cũng chờ các nghệ nhân diễn tấu xong thì bắt chước học theo. Lên 10 tuổi ông đã biết đánh chiêng đồng và tập sử dụng các nhạc cụ truyền thống khác... Khi mới 15 tuổi, Y Wơn Niê đã trở thành nghệ nhân trẻ nhất của buôn Wiao A.
Năm 1989, trước nạn “chảy máu” cồng chiêng, cùng sự lo lắng những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng mai một, Y Wơn Niê cùng với 10 nghệ nhân thành lập đội cồng chiêng buôn Wiao A, đến nay đội đã có 20 thành viên. Từ đó, Y Wơn Niê cùng với đội cồng chiêng tham gia biểu diễn tại các liên hoan, hội thi, hội diễn và đoạt nhiều giải thưởng cao, nhất là trong những ngày hội lớn của tỉnh. Các tiết mục diễn tấu cồng chiêng của đội luôn được đánh giá cao. Đáng quý là từ khi thành lập đến nay, đội cồng chiêng buôn Wiao A luôn giữ gìn nguyên vẹn bộ cồng chiêng cổ và cả trống của gia đình già Y Wơn Niê để tập luyện, trình diễn.
Không chỉ gìn giữ bộ chiêng, trống, ché cổ do ông cha để lại, già Y Wơn Niê còn tham gia truyền dạy cồng chiêng cho thanh, thiếu niên trong và ngoài buôn; đồng thời chế tác thêm các nhạc cụ truyền thống như chiêng tre, sáo, đinh năm... Trong quá trình truyền dạy, già Y Wơn Niê nhận thấy, để tập chiêng tre, các em phải kẹp ống tre bằng hai chân, một tay vừa giữ thanh tre trên đùi vừa tạo nhịp, tay còn lại dùng để gõ, như vậy các em phải ngồi một chỗ, không vừa di chuyển vừa đánh theo nhịp như chiêng đồng. Để khắc phục nhược điểm này cũng như tạo hứng thú cho người tập, già Y Wơn Niê đã nghiên cứu, chế tác bộ chiêng tre mới với sự kết hợp giữa ống tre và thanh tre.
Theo đó, già Y Wơn Niê dùng một ống tre có chiều dài khoảng 1,5 đốt tre, trên thân tre đục một hình vuông nhỏ ở giữa, giúp thoát âm khi gõ; tiếp đó, dùng một thanh tre nẹp song song và cách ống tre khoảng 1cm, có tác dụng giúp người sử dụng có thể cầm và gõ vào ống tre. Với chiêng tre mới, người diễn tấu có thể vừa đánh vừa di chuyển như khi cầm chiêng đồng. Già Y Wơn Niê cho biết: “Tôi đang cố gắng hoàn thiện đầy đủ một bộ chiêng tre để hướng dẫn, truyền dạy cho thanh, thiếu niên trong buôn tập luyện các bài chiêng của cha ông. Nhiều buôn biết tôi làm được chiêng tre mới cũng đã đặt làm để cho con cháu trong buôn tập luyện...”.
Ông Nguyễn Văn Vỹ, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Krông Năng cho biết: “Không chỉ tham gia truyền dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ... già Y Wơn Niê còn có nhiều đóng góp trong các hoạt động ghi âm, ghi hình tư liệu về diễn tấu cồng chiêng, các điệu múa cổ của người Ê Đê để làm tư liệu lưu trữ. Với những cống hiến của mình, năm 2022, già Y Wơn Niê được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú”.