Đưa làn điệu dân ca Hrê bay xa
Văn hóa cồng chiêng và làn điệu ta lêu, ka choi được xem như “linh hồn” của đồng bào Hrê ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Nhằm bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hóa quý báu này, Phòng VHTT huyện Ba Tơ đã phối hợp với các trường học trên địa bàn đưa cồng chiêng, làn điệu dân ca vào dạy cho học sinh.
Chúng tôi đến Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Ba Giang vào lúc các học sinh đang say sưa luyện tập chiêng ba. Tiếng chiêng ba ngân vang khắp trường không chỉ làm thầy cô giáo, học sinh trong trường hào hứng, mà còn mang niềm vui, niềm hạnh phúc của những nghệ nhân tâm huyết, người yêu văn hóa cồng chiêng đến với mọi người.
Em Phạm Văn Sen học sinh lớp 6 chia sẻ, sinh ra là người con đồng bào Hrê nên em ý thức được việc tự hào, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Do đó, khi được nghệ nhân về giảng dạy cồng chiêng em rất tích cực học tập, lắng nghe chỉ dạy. “Em thấy rất vui khi lần đầu được trải nghiệm tiết học đánh chiêng. Với những gì được học, em và các bạn sẽ cố gắng tiếp thu, tập đánh chiêng cho thuần thục, cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình”, em Sen thổ lộ.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Sây ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ bất ngờ và cảm động khi các cháu học sinh của trường có thể cầm và nhanh chóng tiếp thu được cồng chiêng. “Vì lớp học diễn ra trong thời gian không dài nên chúng tôi lựa chọn một bài chiêng dễ đánh và một bài chiêng khó đánh, để truyền dạy cho các cháu. Các cháu thể hiện rất tốt khả năng cảm âm của chiêng, khi kết hợp hài hòa với làn điệu dân ca tạo nên những màn trình diễn rất đặc sắc. Là một người giữ hồn văn hóa dân tộc Hrê, tôi rất mừng vì được truyền dạy cho thế hệ kế cận, tiếp nối phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống”, nghệ nhân Sây bày tỏ.
Các em học sinh trên địa bàn huyện Ba Tơ còn được Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa Nghệ thuật tỉnh nhạc sĩ Phạm Minh Đát truyền dạy hát ta lêu, ka choi của đồng bào Hrê. Không khí lớp học dân ca ta lêu, ka choi sôi nổi, những bài hát tiêu biểu của đồng bào Hrê như hát ca ngợi về quê hương, Bác Hồ, bộ đội, tình đoàn kết các dân tộc anh em, ca ngợi về cuộc sống mới, tinh thần lao động sản xuất và tình yêu đôi lứa, ru con… được các em học sinh thực hiện một cách mượt mà, đằm thắm. “Tôi rất vui và tự hào khi nhiều học sinh đam mê văn hóa dân tộc. Qua các buổi học, các em đều tập trung để học hát, đánh cồng chiêng. Nhiều cháu say mê, cảm âm tốt nên học nhanh. Mong rằng thế hệ trẻ luôn yêu quý và gìn giữ nét văn hóa truyền thống đặc sắc này”, nhạc sĩ Đát bộc bạch.
Thầy Đào Văn Thành, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Ba Giang chia sẻ: “Nhà trường đặc biệt chú trọng phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Tích cực lồng ghép, tổ chức cho học sinh trải nghiệm văn hóa truyền thống vào các buổi hoạt động ngoại khóa để các em được giao lưu, khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trường có gần 100% là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, việc đưa cồng chiêng, hát dân ca vào trường học để giúp thế hệ trẻ quan tâm hơn đến văn hóa, nghệ thuật truyền thống, nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước”.