Bi hài những vụ án ở vùng cao
Ở một số bản làng vùng sâu vùng xa, trình độ hiểu biết, đặc biệt là kiến thức về pháp luật của đồng bào còn hạn chế, thế nên, đôi khi người ta phạm tội vì những nguyên nhân, lý do hết sức bi hài.
Giết người vì niềm tin mù quáng
Trong số 54 dân tộc Việt Nam, có nhiều dân tộc thờ đa thần. Đồng bào luôn tin rằng, có thần ở “trên giời” và thần ở “hạ giới”; có ma nhà (ma lành) và ma ác. Nhưng, “ma” nào thì cũng phải thờ cúng, ma nhà thì phù hộ, ma ác như “ma chài”, “ma chò”, “ma gà”, “ma xó” thì phải xua đuổi, diệt trừ.
Những người bị nghi là “ma chài” có thể không bị dân bản “tự xử án”, nhưng họ vẫn bị cộng đồng, gia đình xa lánh, ghẻ lạnh, phân biệt đối xử; thậm chí bị hành hung, gây thương tích. Và, sự kì thị bị đẩy lên đỉnh điểm khi họ bắt buộc phải rời bỏ quê hương, bản quán. Cuộc sống nơi rừng xanh núi thẳm vốn dĩ đang làm họ chênh vênh cùng những khó khăn, vất vả, thì nay, những hủ tục và quan niệm mù quáng lại tàn nhẫn đẩy họ và gia đình xuống vực sâu không lối thoát…
“Người vùng cao nhìn chung có tình cảm sâu sắc, nhưng tâm lý lại thể hiện đơn giản, tư duy gắn liền với thực tế, chất phác, ngay thẳng, dễ tin nhưng cũng dễ ngờ. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, vận động loại bỏ các hủ tục tồn tại cả ngàn năm nay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một việc không đơn giản”, nguyên Chánh án TAND huyện Mường Nhé (Điện Biên) Pờ Goo Loòng chia sẻ.
Đến giờ, nhiều người dân ở huyện Mường Nhé, Điện Biên vẫn còn ám ảnh trước cái chết đầy oan uổng của bà Vàng Thị S, 50 tuổi, ở bản Nậm Chua 4, xã Nà Hỳ. Bà vốn là một người phụ nữ Mông hiền lành chân chất, không thù oán với ai, nhưng lại bị tước đi mạng sống hết sức tàn độc chỉ vì mê tín. Kẻ thủ ác trong vụ án này chính là người hàng xóm tên Lầu A Sở, 21 tuổi.
Tất cả bắt đầu từ lần vợ Lầu A Sở sinh được một bé gái, nhưng không hiểu sao đứa bé cứ ốm đau quặt quẹo, nuôi mãi chẳng lớn. Thầy mo về cúng phán với Sở rằng, con gái anh ta bị “ma chài” làm, phải tìm ra và giết “con ma” ấy thì đứa bé mới lớn lên được.
Một hôm khi đi làm cỏ nương, Lầu A Sở vô tình gặp bà Vàng Thị S, hàng xóm của mình. Đúng lúc gần giáp mặt với Sở, bà S lại rẽ sang con đường mòn dẫn lên núi. Chính sự vô tình này đã thổi bùng lên trong Sở ngọn lửa nghi ngờ. Hắn cho rằng, vì bà S có ý đồ xấu nên mới cố tình tránh mặt. Cơn nghi ngờ mù quáng của A Sở bị đẩy lên đỉnh điểm khi cô con gái ốm nặng và không qua khỏi. Hắn quyết định phải diệt trừ bằng được con ma chài theo lời thầy mo phán.
Nghĩ là làm, đêm hôm đó, Sở bịt kín mặt sau đó xách theo con dao phát nương đi về phía nhà bà S. Quan sát thấy bà đang ngồi ăn cơm một mình trong nhà, Sở như con hổ dữ, cầm dao xông vào chém liên tiếp vào đầu, vào cổ làm bà S tử vong ngay tại chỗ.
Phải mất rất nhiều thời gian, công sức các điều tra viên mới phá xong vụ án này, đưa kẻ thủ ác ra trước ánh sáng. Bởi, có một thực tế đáng buồn là ngay cả khi lực lượng Công an vào điều tra, không ít người dân vẫn tỏ thái độ bất hợp tác vì họ mù quáng nghĩ rằng, hung thủ chính là kẻ đã “thay trời hành đạo”, thay mặt nhân dân trừ gian diệt ác. Họ tìm mọi cách bao che. Cá biệt, có những vụ án xảy ra, nhưng dân bản thống nhất “đóng cửa bảo nhau”, không trình báo cơ quan công an.
Mua lá ngón “đãi” chồng
Điều đáng nói là thế kỷ 21 trôi qua đã hơn hai chục năm, thế nhưng không chỉ ở bản làng vùng sâu, vùng xa, mà ngay ở miền xuôi vẫn có không ít người dân mê tín đến mù quáng. Câu chuyện đau lòng vợ đầu độc chồng bằng lá ngón xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cách đây chưa lâu là một ví dụ.
Cũng chỉ vì tin lời bói toán, nghi ngờ nghi ngờ chồng mình là anh Đỗ Văn Hòa (47 tuổi) nhiều lần gửi tiền cho con gái riêng đang sống tại Bắc Ninh và không quan tâm đến gia đình, nên Bùi Thị Hoa (36 tuổi, ngụ xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) nhờ một người quen mua lá ngón. Khi nhờ, Hoa có nói dối là để trị ngứa đầu, nhưng thực ra là cô chuẩn bị để hạ độc chồng.
Đến khi nghe anh Hòa nói sẽ tiếp tục gửi tiền về cho con gái riêng, Hoa nổi nóng và nung nấu ý định thực hiện màn đầu độc. Nghĩ là làm, sáng hôm sau, Hoa đi mua thịt heo xay về nhà, rồi cho khoảng 10 lá ngón băm nhỏ trộn chung với thịt heo và nhét vào 4 trái khổ qua đem chưng cách thủy cho chín.
Khoảng 17 giờ cùng ngày, khi anh Hòa đi làm rẫy về, Hoa dọn cơm và chén khổ qua có nhồi thịt và lá ngón bên trong cho chồng ăn. Sau khi ăn được khoảng 10 phút, anh Hòa chóng mặt và kêu vợ chở đi bác sỹ khám, nhưng nạn nhân đã không thể qua khỏi.
Sau khi sát hại chồng, được cơ quan công an mời làm việc, Hoa vẫn không thừa nhận hành vi phạm tội của mình mà đưa thi thể Hòa đi hỏa táng rồi đem về tỉnh Phú Thọ an táng. Phải đến 5 ngày sau, Hoa mới đến công an tỉnh Phú Thọ tự thú và khai nhận hành vi phạm tội.
Khi TAND tỉnh Bình Phước đưa Bùi Thị Hoa ra xét xử, Hoa đã khai rằng do nghi ngờ anh Hòa hết yêu thương mình, lại nghe nhiều người, nhất là mấy bà “đồng cô đồng cậu” nói thêm vào, nên cô mới đinh ninh tin là chồng đã thay lòng đổi dạ. Và thế rồi bi kịch xảy ra. Sau khi xem xét, HĐXX đã tuyên phạt Bùi Thị Hoa 14 năm tù, đồng thời buộc Hoa phải bồi thường cho gia đình bị hại 346 triệu đồng.
Hủ tục, trong đó có sự mê tín dị đoan khi bị đẩy đến mức mù quáng bao giờ cũng để lại những hậu quả đau lòng. Nhiều nơi do chính quyền và lực lượng chức năng làm tốt công tác phòng ngừa đã ngăn chặn được các vụ án nghiêm trọng, nhưng thực tế, vẫn đang tồn tại không ít hệ luỵ từ những hủ tục này.
Trát phân bò vào mặt chị
Ở một số bản làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu, trình độ hiểu biết pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Chính vì thế, trong mấy năm gần đây, chính quyền và các cơ quan ban ngành của tỉnh đã và đang cố gắng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để góp phần xóa đi những phong tục, tập quán, những suy nghĩ mê muội, tăm tối đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Thế nhưng, đôi khi người ta vẫn phải chứng kiến những vụ án đáng tiếc xảy ra, bắt nguồn từ sự mê muội của đồng bào.
Mới đây, TAND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã đưa ra xét xử một vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại hết sức hy hữu do bị... nhét phân bò vào miệng. Nguyên đơn trong vụ án này là chị Sùng Thị M, ở xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Bị đơn là anh Giàng A P, người cùng xã.
Tại đơn khởi kiện, chị M trình bày: Một lần K (em gái chồng chị M) đến nhà cha mẹ chồng của M chơi. Khi chuẩn bị ra về, bỗng dưng K kêu bị mất một ít tiền Trung Quốc, quy ra tiền Việt Nam khoảng 1,5 triệu đồng, nhưng không rõ mất từ khi nào.
Mọi người hỏi thăm, K nói chỉ biết khi lấy ví ở trong túi ra đếm thì thấy mất tiền. Mà túi của K lại để trong phòng của vợ chồng anh Giàng A P (em trai chồng chị M). Chị M nói không biết ai lấy nhưng lúc đó chỉ có mình vợ anh P ở trong phòng. Từ đó, vợ chồng anh P và gia đình nhà chồng chị M cho rằng, chị M đã vu oan cho vợ anh P có tính trộm cắp. Từ đó mọi người trong bản mới phao lên rằng vợ anh P là người tắt mắt, hay “cầm nhầm” đồ của người khác.
Vì ấm ức, anh P đến nhà lôi chị M ra đánh tát, rồi kéo ra ngoài đường lấy phân bò nhét vào miệng và bôi lên mặt chị M. Sự việc đã được UBND xã Hoang Thèn hòa giải nhưng anh P không thực hiện nghĩa vụ theo kết quả hòa giải ở xã. Lý do được anh P đưa ra là bởi vì M đã vu oan, làm cho cả hai vợ chồng anh đều bị mất danh dự với mọi người trong bản, tiếng xấu khắp nơi. Hai vợ chồng đi đến đâu cũng bị chỉ trỏ, bị kỳ thị nên cảm thấy bị xúc phạm nên mới làm như vậy.
Sau đó, chị M gửi đơn khởi kiện yêu cầu anh P bồi thường 5 triệu đồng. Trong đó, tiền viện phí, chăm sóc do sức khỏe bị xâm phạm gần 2 triệu đồng, tiền bồi thường do danh dự, nhân phẩm bị xâm hại là hơn 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, từ lúc TAND huyện Phong Thổ thụ lý đến khi xét xử, dù đã tống đạt các giấy tờ hợp lệ nhưng anh P không giao nộp bản sao các giấy tờ tùy thân, không viết bản tự khai, không ký biên bản lấy lời khai, không có mặt tại phiên tòa. Thế nên HĐXX đã căn cứ vào nội dung làm việc trước đó của anh P tại xã Hoang Thèn. Trong tất cả các biên bản đó, anh P đều thừa nhận mọi việc mình đã làm. Cùng với lời khai của nguyên đơn, người làm chứng và các chứng cứ khác, Tòa đã tuyên buộc anh P phải bồi thường cho chị Mỷ 5 triệu đồng...
Tuy rằng, mấy năm gần đây, các cơ quan chức năng trên cả nước đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao trình độ hiểu biết, ý thức pháp luật của người dân. Nhưng đâu đó trong các bản làng xa xôi, thảng hoặc vẫn xảy ra những vụ án đau lòng mà nạn nhân thường là những người dân cả đời sống trên lưng núi.