Xôi Phú Thượng - Món ngon nay đã là di sản
Đầu năm nay, làng nghề xôi Phú Thượng (Q.Tây Hồ, Hà Nội) đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Món ăn quen của người Hà Nội và nhiều du khách chính thức thành di sản được giữ gìn.
Nằm ở phía tây Hà Nội, ven sông Hồng, làng Phú Gia (phương Phú Thượng, quận Tây Hồ) còn được gọi là làng nghề xôi Phú Thượng vì có hơn 600 hộ gia đình đang làm nghề nấu xôi. Cứ chiều chiều, khi các gia đình bật bếp nấu cơm thì làng xôi cũng đỏ lửa đồ xôi chuẩn bị bữa sáng cho người dân Hà Nội sớm hôm sau.
Anh Nguyễn Thành Nam (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), người có hơn 30 năm làm nghề cho biết: "Nấu xôi đòi hỏi sự tỉ mỉ trong chuẩn bị nguyên liệu, chỉn chu về cách nấu và chính xác về thời gian. Xôi làng chúng tôi quan trọng nhất là hạt gạo. Gạo nấu xôi là nếp cái hoa vàng, loại gạo có độ dẻo, quánh, hạt mẩy, tròn, để khi lên xôi đảm bảo căng, bóng, đạt chuẩn cả về hình thức lẫn mùi, vị".
Về cách nấu, theo anh Nam, xôi ngon phải qua 2 lửa và chăm chút cầu kỳ mới đạt được độ dền như ý. Lần 1 thổi chừng 30 phút rồi đổ ra rổ (lót khăn mỏng), lấy đũa đảo đều cho thoát hơi, 3 tiếng sau mang ra vẩy qua nước, bóp đều để canh 5 hôm sau (từ 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng) đồ lại lần nữa rồi mới chia xôi đi bán.
Từ hàng trăm năm nay, cứ sớm sớm, nhiều người Hà Nội đã quen với bữa sáng vỉa hè cùng gói xôi nóng hổi, thơm mùi lá gói của làng Phú Thượng. Mỗi ngày có hàng tấn xôi Phú Thượng được chuyển đi, rao bán đến từng ngõ ngách trong thành phố.
Xôi Phú Thượng không chỉ có xôi trắng từ gạo nếp đơn thuần mà còn được kết hợp với các nguyên liệu khác, tạo nên nhiều vị khác nhau, từ xôi gấc đỏ tươi, xôi lá dứa xanh thơm mát đến xôi xéo bùi ngậy quyến rũ… Trăm gói xôi mang đến trăm vị lạ lôi cuốn thực khách từ cả mùi hương lẫn độ đậm đà khiến cho ai đã ăn là khó có thể chối từ.
Màu xôi của Phú Thượng cũng là điểm mạnh chinh phục những thực khách khó tính. Bà Đinh Thị Đỏ (làng Phú Thượng) chia sẻ kinh nghiệm: "Để xôi được thơm, ngon, nguyên vị, đảm bảo sức khỏe thì các phụ gia đi kèm đều phải chiết từ cây cỏ, hoa lá tự nhiên. Xôi đỏ làm từ gấc, xôi tím làm lá cẩm, xôi xanh từ lá nếp, xôi xanh tím từ hoa đậu biếc… Mỗi màu xôi mỗi khác, vừa đẹp lại vừa có hương vị riêng nhờ các gia vị khác nhau như thế".
Để có một mẻ xôi ngon, chuẩn cả hình thức lẫn hương vị, lá gói xôi cũng rất quan trọng. Anh Nam cho hay, các nhà làm xôi làng Phú Thượng thường dùng các loại lá để gói bán cho khách, nhờ vậy món xôi sau khi ra lò đến phố luôn có độ mềm ẩm tối đa, dù khách ăn ngay sáng hay để tầm trưa thì độ dẻo của xôi vẫn được đảm bảo.
Một… "miếng ngon" rời bếp lên phố là sự tỉ mỉ, kỳ công của những người thợ, nghệ nhân từ khâu chọn gạo, nhuộm màu, đồ xôi đến chuẩn bị món ăn kèm, lá gói cho khách… Cứ mỗi sáng, từng mẻ xôi rời Phú Thượng tỏa đi khắp phố làm nên một thức quà sáng ngon miệng, đa vị, mang đậm hương sắc ẩm thực Hà Thành.