Thầm lặng những "cánh tay nối dài" của chính quyền cơ sở
Những người có uy tín ở cơ sở tỉnh Quảng Nam đang từng ngày thầm lặng đóng góp công sức trong việc tập hợp khối đoàn kết toàn dân, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp xây dựng quê hương.
Thầm lặng cống hiến
Ai gặp gỡ cô giáo về hưu Cao Thị Liễu (thôn Đức Phú, xã Tam Sơn, Núi Thành) cũng đều thu hút bởi sự điềm đạm, chân tình trong từng câu chuyện.
Tổ đoàn kết số 8 thôn Đức Phú nằm khuất giữa thung lũng, bốn bề là rừng núi, bao đời nay, mảnh đất này chưa chịu chia tay nghèo khó. “Chừng mười mấy năm trước muốn vào đây chỉ có cách lội bộ men theo đường bờ ruộng. Vậy nên chẳng ai dư hơi đoái hoài đến việc đóng góp công sức vào chuyện chung. Ai ai cũng mải lo mưu sinh” - bà Liễu mở đầu câu chuyện.
Thách thức đặt ra trong thời điểm đó với chính quyền địa phương là tìm cho được người có “tiếng nói” để vực lên phong trào và trách nhiệm của người dân tổ 8 trong việc đồng hành với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Và bà Cao Thị Liễu được chọn bởi hội đủ các điều kiện: một giáo viên mẫu mực, một Đảng viên gương mẫu và là một người vợ, người mẹ đảm đang.
"Không chỉ các khoản thu theo quy định, các khoản đóng góp tự nguyện, ủng hộ các hoạt động, chương trình của địa phương khi tôi phổ biến thì chừng 10 ngày sau bà con nộp đủ. Chúng tôi đã xây dựng nên một tổ đoàn kết sống có trách nhiệm trong việc xây dựng quê hương".
Bà Cao Thị Liễu - Tổ đoàn kết số 8, thôn Đức Phú, xã Tam Sơn, huyện Núi Thành
“Tôi không nề hà gì và nhận nhiệm vụ ngay. Rồi làm việc ở cơ sở mới thấy có những chuyện tưởng là nhỏ nhưng lại không đơn giản” - bà Cao Thị Liễu bảo.
Trở ngại đầu tiên bà Liễu gặp phải là chuyện tổ chức họp hành để phổ biến chủ trương, chính sách về người dân. Đường sá khó khăn, nhà này cách nhà kia khá xa nên chuyện tập hợp mọi người để họp hành là không thể. Vậy nên bà Cao Thị Liễu lặn lội đến từng nhà phổ biến nội dung cần triển khai cho từng hộ. Hoặc linh hoạt nhóm họp ở nhiều địa điểm khác nhau để có nhiều người dân trong tổ có thể tham dự.
“Ban ngày mọi người đi làm hết nên chỉ có thể họp vào ban đêm nhưng ban đêm thì đường sá lầy lội, toàn phải men theo bờ ruộng mà đi nên ai cũng ngại khó. Thật sự hồi đó vất vả lắm, triển khai một nội dung gì từ xã, huyện đến nhân dân là cả một quá trình” - bà Liễu trần tình.
Và phần vì cuộc sống lúc bấy giờ còn cơ cực, đôn đáo lo miếng cơm hằng ngày nên người dân còn e dè với các khoản đóng góp, ủng hộ. Đó là bài toán khó mà Ban nhân dân thôn Đức Phúc phải tìm lời giải.
Thế là người tổ trưởng tổ đoàn kết như bà Liễu phải dành hết thời gian cho chuyện vận động, làm sao để người dân không đứng ngoài cuộc. Ròng rã nhiều năm, người ta thấy người phụ nữ mảnh khảnh ấy luôn kẹp bên người cuốn sổ ghi chép, thường xuyên lui tới 80 ngôi nhà trong hàng chục xóm nhỏ để tuyên truyền, giải thích chú trương chính sách, vận động từng khoản đóng góp cho phong trào ở cơ sở.
“Kỷ niệm lớn nhất là chuyện một chủ hộ bảo họ lớn tuổi rồi nên Nhà nước phải “lo” cho họ chứ việc gì phải đóng góp. Dù bị đuổi khéo nhiều lần nhưng tôi kiên trì giải thích và thật mừng vì sau đó hộ gia đình này rất gương mẫu, chủ động mang tiền tự nguyện đến nộp” - bà Liễu kể lại chuyện cũ.
Hành trình bền bỉ trong việc làm cầu nối giữa chính quyền và nhân dân của bà Liễu kéo dài đằng đẵng mấy năm trời. Và “quả ngọt” đã thu về khi giờ đây, Tổ đoàn kết số 8 thôn Đức Phú trở thành lá cờ đầu trong phong trào xây dựng quê hương, hoàn thành nghĩa vụ đóng góp của công dân với đất nước.
Người chuyên lo chuyện thiên hạ
Năm 2021, bà Nguyễn Thị Hùng (xã Tam Thái, huyện Phú Ninh) trở thành người cán bộ hội đắc lực của Hội Phụ nữ xã Tam Thái trong cương vị là chi hội trưởng. Đó là một hành trình “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” không ngừng nghỉ.
Thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại địa phương, người chi hội trưởng này luôn tìm đủ mọi cách giúp thôn xóm. Những “bữa cơm 0 đồng”, những hôm trực chốt, hỗ trợ cho các gia đình mắc bệnh COVID-19… tại thôn Khánh Thịnh diễn ra xuyên suốt nhờ sự xốc vác của người phụ nữ này.
Bà Nguyễn Thị Hùng còn là người tiên phong, tích cực vận động các hội viên phụ nữ thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “phụ nữ với công tác đền ơn, đáp nghĩa”, “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường”…
Đồng thời bà cũng tham gia thực hiện hiệu quả các cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp, đường thông thoáng”, chương trình “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…
“Tôi làm nghề buôn bán nên đặt chân về nhà cũng mong được nghỉ ngơi. Nhưng nếu ai cũng an phận thủ thường, làm người phụ nữ của riêng chồng con thì lấy ai tạo dựng phong trào, xây dựng quê hương. Nên thôi mình góp phần “vác tù và hàng tổng” để lôi cuốn chị em vào những phần việc phù hợp với sức vóc phụ nữ”
Bà Nguyễn Thị Hùng - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Khánh Thịnh.
Bà Hùng tâm niệm, để làm tốt công tác xã hội, huy động được người dân tất yếu phải có tiếng nói trong dân. Cuối tháng 6/2023, tuyến giao thông nội đồng dài 380m, rộng 5 mét mà bà con tổ đoàn kết số 8 (thôn Khánh Thịnh) ước mơ đã hoàn thành. Trong đó, gia đình bà Nguyễn Thị Hùng tiên phong hiến hơn 600m2 đất mở đầu cho phong trào tự nguyện hiến đất, giúp con đường triển khai đúng tiến độ.
Đồng thời, bà cùng các chị em tạo nên tuyến đường hoa đẹp đẽ với nhiều loài hoa khoe sắc quanh năm, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương. Bà Hùng cũng đảm trách việc xây dựng mô hình tạo quỹ tiết kiệm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn bằng việc thu gom phế liệu.
“Chúng tôi xây nên căn nhà chứa rác thải phế liệu có thể tái chế. Tại đây, các chị em thường xuyên thu gom về theo định kỳ. Đồng thời, tuyên truyền mọi người cùng ủng hộ, vừa bảo vệ môi trường vừa có quỹ để giúp đỡ các trường hợp khó khăn - bà Hùng nói.
Bóng cả giữa đại ngàn
“Bố” và “má”, là cái tên gần gũi, thân thuộc mà người vùng cao vẫn quen gọi già làng, người có uy tín. Bằng tâm huyết một đời, họ kề cận con cháu, truyền trao những tri thức, vốn sống và văn hóa truyền thống, để vùng cao từng ngày đổi khác.
Một lần ngược núi mới đây, khi tôi ngỏ ý tìm người am hiểu về cây sâm Ngọc Linh, một người bạn công tác tại UBND xã Trà Linh, Nam Trà My tự hào giới thiệu tôi gặp “bố” Dũng - tức già làng Nguyễn Văn Dũng (nóc Kon Bin, thôn 2, xã Trà Linh). Vị già làng này không chỉ có kinh nghiệm trồng sâm lâu năm, mà còn được cộng đồng cử làm người đại diện thực hiện nghi thức cúng thần sâm mỗi năm.
Với uy tín và kinh nghiệm của mình, già không ngần ngại truyền kinh nghiệm trồng sâm cho con cháu trong nóc để cùng phát triển kinh tế. Những vườn sâm cứ thế được nhân rộng dưới những cánh rừng Ngọc Linh. Nhiều hộ nhờ đó thoát lên, vươn lên làm giàu.
Gần đây, nạn sâm giả, sâm kém chất lượng tràn lan trên thị trường, trở thành mối nguy ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh của vùng núi Nam Trà My. Nắm bắt thông tin này, trong các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, già Dũng cùng ban nhân dân thôn hướng dẫn người dân cách phân biệt sâm thật - giả qua các đặc điểm nhận dạng.
Đồng thời nhắc nhở bà con không nên nghe lời dụ dỗ, chạy theo lợi nhuận để mua các giống sâm rẻ, kém chất lượng về trồng. Nhờ đó, bà con trong làng ý thức rất cao trong việc gìn giữ giống sâm gốc.
Còn trong ánh mắt của những phụ nữ Xê Đăng và Ca Dong ở Nam Trà My, luôn sáng lên một niềm tự hào khi ai đó nhắc đến “má” Trần Thị Kim Hoa (thôn 3, xã Trà Cang). Chị Hồ Thị Teng - Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Mai nói, nhờ má Hoa, mà nghề dệt thổ cẩm ở địa phương được bảo tồn và duy trì.
Theo chị Teng, khi đời sống phát triển thì nghề truyền thống này có nguy cơ mai một. Năm 2018, một lớp dạy dệt thổ cẩm do Hội LHPN huyện tổ chức và má Hoa đứng lớp giảng dạy. Chị Teng là một trong số những học trò của má vẫn đang theo miệt mài rèn dũa tay nghề và truyền thụ lại cho nhiều phụ nữ địa phương.
60 tuổi đời, 40 năm miệt mài truyền nghề. Niềm hạnh phúc của bà Trần Thị Kim Hoa là những bộ trang phục truyền thống màu sắc đặc trưng luôn có trong những ngày hội vùng cao Nam Trà My. Bà Hoa nói, sắc màu thổ cẩm là văn hóa, là kết tinh của quá trình tỉ mẫn, chịu khó, khéo léo. Đức tính người phụ nữ vùng cao cũng hiện diện rõ qua từng màu sắc, đường nét.
Dù sức khỏe giảm sút nhưng tình yêu với văn hóa truyền thống trong bà vẫn không mỏi. Không một lễ hội truyền thống nào ở huyện vùng cao này, đôi chân bà không đặt đến. Với vai trò là giám khảo cho các cuộc thi văn hóa truyền thống của xã Trà Cang, bà luôn nhắc nhở, hướng dẫn, chỉ ra những ưu - nhược của từng phần trình diễn, từng tấm thổ cẩm, để các thôn tiếp thu, chỉnh sửa và phát huy tốt hơn.
Lúc này, trên non cao, má Hoa vẫn thầm lặng bước trên hành trình gieo tình yêu với văn hóa trong lớp trẻ. Những buổi hướng dẫn dệt thổ cẩm, truyền dạy điệu hát ting ting của người Xê Đăng vẫn đều đặn diễn ra… Với má, còn sức là còn cống hiến.
Lặng lẽ, tâm huyết và hết lòng cống hiến công sức vì việc chung, những người như bà Liễu, bà Hùng, ông Dũng, bà Hoa… trong câu chuyện trên là những “cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở, là tấm gương vì cộng đồng đáng trân trọng. Mùa xuân này, cầu chúc họ an vui, mạnh khỏe và mãi nhiệt tâm với công việc ý nghĩa mà họ đã âm thầm cống hiến vì sự tiến bộ, tươi đẹp của quê hương.