An Giang hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc
Đảng và Nhà nước quan tâm công tác dân tộc, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), mang lại hiệu quả rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình chính sách dân tộc còn dàn trải, rời rạc, thiếu tập trung nguồn lực, nên hiệu quả chưa cao.
Tăng hỗ trợ
Theo UBND tỉnh An Giang, nhiều hộ nghèo DTTS được thụ hưởng chính sách tập trung chăn nuôi, sản xuất tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS được giữ vững ổn định. Hiệu quả về phát triển KTXH góp phần củng cố, hoàn thiện hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao lòng tin của Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tỉnh có 16 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, với 7 xã và 34 ấp đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, An Giang có huyện Tri Tôn được công nhận là huyện nghèo, có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống.
Giai đoạn 2018 - 2020, Chương trình 135 được Trung ương hỗ trợ đầu tư phát triển KTXH ở các xã đặc biệt khó khăn, biên giới vùng đồng bào DTTS. Nhiều nội dung được thực hiện, như: Đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Được HĐND tỉnh An Giang ban hành Nghị quyết 15/2018/NQ-HĐND về mức chi hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo để áp dụng triển khai trên địa bàn. Qua đó, hỗ trợ phát triển sản xuất, thực hiện 268 lớp tập huấn cho 6.378 nông dân; xây dựng 275 mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất cho 2.612 hộ nghèo; hỗ trợ mua sắm thiết bị máy móc cho 851 hộ nghèo.
Thông qua việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chương trình 135 đã góp phần cải thiện cuộc sống của hộ đồng bào DTTS, vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm giảm từ 3 - 4%, đạt so kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, đối với vùng đồng bào DTTS chủ yếu tập trung sinh sống ở vùng sâu, vùng biên giới, địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ khá cáo so tỷ lệ chung cả tỉnh. Theo chuẩn nghèo đa chiều, đầu năm 2022 có 4.026 hộ, tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm tỷ lệ 14,85%/tổng số hộ DTTS. Bên cạnh đó, trình độ dân trí thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, khó cạnh tranh tiếp cận thị trường lao động, việc làm. Tập quán sản xuất còn mang tính truyền thống, chậm chuyển đổi. Trong khi ở địa bàn vùng dân tộc có điều kiện sinh kế, đẩy mạnh phát triển sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc. Chính sách hỗ trợ tạo sinh kế, việc làm cho hộ đồng bào DTTS góp phần giải quyết việc làm ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Tiếp tục xây dựng chính sách
Nhằm đảm bảo triển khai đầy đủ các nội dung hỗ trợ, UBND tỉnh đã ban hành quyết định kế hoạch thực hiện tổng thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Giai đoạn I, từ năm 2021 - 2025 với mục tiêu: Khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh và vùng đồng bào, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS so bình quân chung cả nước.
Đồng thời, giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH đồng bộ, liên vùng, kết nối các vùng phát triển. Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện đời sống Nhân dân. Nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
UBND tỉnh An Giang giao Ban Dân tộc chủ trì dự thảo báo cáo quy định về định mức, nội dung, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục, tiêu chí lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I. Trong đó, đảm bảo nguyên tắc: Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ áp dụng kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ, nâng cao năng lực sơ chế, chế biến và phát triển thị trường.
Với các địa phương đã bước đầu hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ để củng cố, mở rộng, nâng cấp liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm hiện có. Nhiều địa phương có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nguồn nguyên liệu, có điều kiện phát triển sản xuất hàng hóa thì hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị mới. Với các địa phương không có điều kiện, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm đặc sản, đặc hữu, có lợi thế so sánh, có giá trị kinh tế cao, có ý nghĩa quan trọng đối với giảm nghèo, phát triển bền vững... góp phần phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi.