Tìm lại dấu xưa: Bên tháp Khánh Vân
Tôi gọi điện hỏi một đồng nghiệp trên 40 tuổi, sinh ra và lớn lên ở xã Tịnh Thọ (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) rằng có biết núi Tháp ở Khánh Vân không. Bạn ấy cười vang: "Em quê ở đây nhưng chưa nghe tên núi Tháp bao giờ".
Lại hỏi có biết Thành Bàu không? Câu trả lời cũng tương tự. Thế đấy, thời gian như trời chiều, cứ ngả dần vào đêm, nhốt hết những ký ức vào bóng tối.
Núi Tháp
Những ai đi tàu hỏa từ hướng ga Quảng Ngãi ra phía bắc, sắp đến ga Đại Lộc, nhìn về hướng đông sẽ thấy 4 ngọn núi đứng tách biệt nằm dọc theo đường tàu, trải dài chừng 3 - 4 cây số. Ngọn trong cùng gọi là núi Tròn vì nó có hình tròn như chiếc nón úp lên giữa cánh đồng. Ngọn ngoài cùng được gọi là núi Tháp vì trên đỉnh núi này từng có một ngọn tháp của người Chăm. Cũng là cách gọi theo thói quen của người trong vùng, còn các nhà khảo cổ học gọi ngọn tháp trên núi ấy là tháp Khánh Vân vì nằm trong địa phận của thôn Khánh Vân (xã Tịnh Thọ, Sơn Tịnh). Vì sao người Chăm chọn ngọn ngoài cùng trong dãy núi này để xây tháp là một câu chuyện khác, chỉ biết rằng đây là ngôi tháp khá quy mô, và gắn với một địa danh không nhiều người biết: Thành Bàu.
Theo thống kê của ngành văn hóa, tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 10 tháp Chăm nhưng tất cả đều đã thành phế tích. Tháp mới nhất vừa được phát hiện nằm trên núi Bút (thuộc phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi) nhưng cũng chỉ còn là một đống gạch vụn. Riêng tháp Khánh Vân thì đế tháp còn khá nguyên vẹn. Cách đây khoảng 20 năm, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật tháp này.
Những thông số kỹ thuật từ đế tháp cũng như một số hiện vật trong tháp giúp xác định tháp được xây vào khoảng thế kỷ 11 và sụp đổ vào khoảng thế kỷ 14. Đế tháp cao 2 m, dài mỗi cạnh 10 m, trong đó có một góc tháp hình chữ L dài mỗi cạnh 3 m, 4 trụ đế trang trí đẹp, khắc hình lá đề, trên trụ có khắc tượng tu sĩ hình cánh sen, các góc cắt theo hình răng cưa rất tinh xảo. Tháp cao khoảng 18 - 22 m, gần bằng tháp Mỹ Sơn A1 - một kiệt tác của người Chăm về họa tiết và kiến trúc. Khi khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện trong tháp còn một bệ thờ bằng đá dài 1,4 m, rộng 42 cm, cao 34 cm, với nhiều hình ảnh được chạm khắc khá nguyên vẹn.
TS khảo cổ học Lê Đình Phụng, người chủ trì cuộc khai quật, cho rằng những hiện vật thu được từ tháp Khánh Vân đã khẳng định thêm về "phong cách nghệ thuật Chánh Lộ" mà nhà khảo cổ học người Pháp Parmentier đề cập vào đầu thế kỷ 20 khi ông khai quật hàng loạt phế tích tháp cổ Chămpa trên đất Quảng Ngãi, trong đó có tháp Chánh Lộ nằm trong khuôn viên của Bệnh viện Sản nhi Quảng Ngãi ngày nay. "Phong cách nghệ thuật Chánh Lộ" là cầu nối giữa "phong cách nghệ thuật Mỹ Sơn" và "phong cách nghệ thuật tháp Mẫm" - một trong những tháp cổ ở Bình Định. Đây là giai đoạn rực rỡ về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của người Chăm trước khi họ tiến hành xây dựng hàng loạt những tháp khác theo một phong cách nghệ thuật mới, hiện vẫn còn trên đất Bình Định.
Có một chi tiết thú vị khi khai quật đế tháp Khánh Vân, đó là một mảnh gốm sứ Chu Đậu mà theo TS Lê Đình Phụng thì có thể đó là chiếc chén ăn cơm của một người lính Đại Việt bị vỡ khi anh ta cùng đồng đội tiếp quản ngọn tháp này và ăn một bữa cơm dã chiến tại chỗ.
Thành Bàu
Dựa vào đặc điểm của nó mà người dân trong vùng đặt tên. Thành Bàu nằm phía trên đường tàu, cách ga Đại Lộc chừng 1 km về phía nam. Tuy ở xã Tịnh Thọ nhưng vùng Thành Bàu này lại là công điền của dân Tịnh Hà (tức Hà Nhai - Bàu Ấu xứ). Vùng này có một bàu nước, rộng chừng vài hecta, 4 bên có thành bằng đất. Thực ra nó như một cái ao nhưng diện tích rộng hơn.
Khi tiến hành khai quật đế tháp Khánh Vân, TS Lê Đình Phụng có tiếp cận với địa danh Thành Bàu. Theo TS Phụng, dù mang tên "thành" nhưng đây không phải là nơi đồn trú của quân đội, vì địa thế vùng này không liên quan gì đến phòng thủ hoặc tấn công khi có chính biến. Nhiều người phỏng đoán rất có khả năng, người Chăm đã lấy đất sét vùng này làm gạch xây tháp, nhân thể, họ hình thành luôn đầm nước để tích nước cho mùa khô hạn. Tịnh Thọ là vùng đất cát nhưng Thành Bàu lại là vùng chứa toàn đất cao lanh nên nước tích vào đây sẽ ít bị thất thoát vào mùa khô hạn.
Sau nhiều thế kỷ phơi mình trong mưa nắng, thời gian đã kịp xóa đi tất cả dấu vết của một thời. Thành Bàu bây giờ chỉ còn trong ký ức của lớp người già. Bốn bên thành từng là rừng sim luôn hấp dẫn lũ trẻ chăn trâu vào mỗi ngày hè giờ thành những rừng keo xanh tốt. Còn bàu thì nay gần như thành bình địa vì nước Thạch Nham đã vươn về vùng cát ấy ngót 30 năm rồi nên việc tích nước không còn cần thiết nữa.
Thành Bàu và núi Tháp, những chỉ dấu văn hóa từng rực rỡ một thời của người Chăm giờ chỉ còn là tiếng vọng của quá khứ. Nơi ấy cũng đã từng cất giấu tuổi thơ tôi cùng đám bạn mục đồng. Mỗi khi có dịp đi tàu ngang qua vùng đất ấy, lòng tôi như rộn lên những âm thanh trong trẻo của quá khứ vọng về.