Độc đáo lễ hội Phá Bàu của người Khmer tại Bình Phước
Lễ hội Phá Bàu của người Khmer tại Bình Phước diễn ra sôi động, thu hút hàng trăm người dân đến tham gia theo dõi, cổ vũ.
Ngày 17.3, tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước diễn ra lễ hội Dua Tpeng (lễ hội Phá Bàu). Đồng chí Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đại diện lãnh đạo huyện Lộc Ninh cùng đông đảo bà con dân tộc Khmer ở xã Lộc Khánh và các xã lân cận đã về dự.
Lễ hội Phá Bàu của người Khmer xã Lộc Khánh, (Lộc Ninh) là lễ hội truyền thống lâu đời. Đây là một loại hình văn hóa dân gian tổng hợp, chứa đựng nhiều giá trị độc đáo, có nội dung phong phú, đa dạng của người Khmer ở xã Lộc Khánh nói riêng, tỉnh Bình Phước nói chung.
Lễ hội Phá Bàu phản ánh tập quán sinh hoạt trong đời sống của cư dân nông nghiệp canh tác lúa nước và canh tác nương rẫy. Thông qua lễ hội này, người Khmer Lộc Khánh muốn gửi nguyện cầu xin thần linh cho bà con được bình an, khỏe mạnh, cầu xin cho mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở.
Đáng chú ý, năm 2019, lễ hội Phá Bàu đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL) công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngay sau khi hội đồng già làng thực hiện nghi lễ cúng thần linh cầu mong sự bình an, khỏe mạnh, mùa màng bội thu, người dân cùng xuống bàu bắt cá với các vật dụng như nơm, gùi, đồ xúc cá, giỏ đựng...
Theo quan niệm của người Khmer ở xã Lộc Khánh, khi tham gia lễ hội Phá Bàu, ai bắt được con cá to trước thì được xem là có phúc, họ sẽ dâng cho già làng để thể hiện sự tôn kính và cảm ơn công lao những người cao tuổi. Những con cá, con tép bắt được dùng chế biến các món ăn truyền thống để cùng nhau ăn và giao lưu, hát múa.
Với sự tham gia của hàng trăm người dân trực tiếp tham gia bắt cá dưới bàu cũng như cổ vũ trên bờ, lễ hội Phá Bàu đã thực mang lại không khí vừa sôi động, hào hứng và đoàn kết của bà con dân tộc Khmer ở Bình Phước.