Đời sống xã hội

Nơi lưu giữ bản sắc văn hóa cộng đồng người Việt

BaoThaiNguyen 18/03/2024 - 09:47

Là một trong những bảo tàng Quốc gia, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam được khởi công xây dựng ngày 19/12/1960, khánh thành và đưa vào hoạt động cuối năm 1962, với tên gọi ban đầu là Bảo tàng Việt Bắc. Đến năm 1990 thì đổi tên như hiện nay.

398-202403180820051.jpg
Du khách tham quan Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: TL

Bảo tàng nằm giữa trung tâm TP. Thái Nguyên, từ lâu đã trở thành niềm tự hào của kiến trúc Việt Nam thời hiện đại, được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về kiến trúc nghệ thuật năm 1996.

Bảo tàng có diện tích gần 40.000 m2, với hai khu vực trưng bày trong nhà và ngoài trời, tái hiện chân thực nhiều nét văn hóa đặc sắc, đa dạng của các dân tộc Việt Nam; được ví như bức tranh thu nhỏ về lịch sử, văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam anh em.

Hệ thống trưng bày bên trong nhà của Bảo tàng là nơi lưu giữ gần 50.000 đơn vị tài liệu, hiện vật gốc quý hiếm về văn hóa và bản sắc của 54 dân tộc gắn với cảnh quan môi sinh từng vùng cư trú. Có 5 phòng trưng bày gồm: Các tộc người nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, văn hóa các tộc người thuộc 3 nhóm ngôn ngữ H'mông - Dao, văn hóa 21 tộc người nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer và văn hóa các tộc người nhóm ngôn ngữ Nam Đảo.

Mỗi phòng trưng bày với hệ thống tài liệu và hiện vật phong phú, đa đạng, tái hiện một cách chân thực cảnh quan cư trú, nét văn hóa và đời sống của các dân tộc Việt Nam với những hình ảnh gần gũi trong sinh hoạt, lao động sản xuất, lễ hội…

Điểm nhấn đặc biệt của Bảo tàng là hệ thống trưng bày ngoài trời với không gian 6 vùng văn hóa gồm: Vùng núi cao phía Bắc, vùng Thung lũng, vùng Trung du - Bắc Bộ, vùng miền Trung - Ven biển, vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, vùng Đồng bằng Nam Bộ. Mỗi khu trưng bày vùng văn hóa có nhiều hiện vật cùng không gian tổ chức lễ hội, cấu trúc cảnh quan… được phục dựng nguyên gốc.

Tại đây thường diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, nghệ thuật có quy mô lớn của tỉnh cũng như cả nước. Hằng năm thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, các nhà nghiên cứu lịch sử đến tìm hiểu.

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên được ví như “mái nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về văn hóa của các dân tộc Việt Nam, qua đó khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc; góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ hôm nay.

BaoThaiNguyen