Phát triển trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Quảng Nam đang hội tụ đầy đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp dược liệu của miền Trung, trong đó, sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực.
Ngành công nghiệp tỷ đô
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có một định hướng quan trọng, đó là hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu. Theo đó, Quảng Nam phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng, với sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực, để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tự nhiên.
Ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sâm Sâm Group, một trong những doanh nghiệp đầu tư trồng, chế biến các sản phẩm sâm Ngọc Linh khẳng định, đây là định hướng có ý nghĩa quan trọng, mở ra tương lai cho ngành dược liệu của Quảng Nam.
Dãy Trường Sơn đoạn đi qua tỉnh Quảng Nam có rất nhiều dược liệu quý sinh trưởng, đặc biệt là sâm Ngọc Linh - loại sâm đã được khẳng định là tốt nhất thế giới. Xuất phát từ “cây thuốc giấu” của đồng bào Xê Đăng, sâm Ngọc Linh đã trở thành bảo vật quốc gia,
có giá trị rất cao trên thị trường. Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình Phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó Quảng Nam là một trong những địa phương có thế mạnh.
“Phát triển công nghiệp dược liệu với sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực, điều này hoàn toàn có cơ sở để trở thành hiện thực tại Quảng Nam. Với tiềm năng và giá trị hiện nay, đây sẽ là ngành công nghiệp tỷ đô”, ông Lực nhận định.
Tuy nhiên, theo vị doanh nhân này, để phát triển trên quy mô công nghiệp, cần phải đáp ứng nhiều yếu tố. Đầu tiên, phải đảm bảo được nguồn giống, sản lượng vùng trồng, sản xuất được những sản phẩm phục vụ toàn dân, tiếp đến là có được nguồn vốn để đầu tư.
Hiện nay, sản lượng sâm Ngọc Linh trên toàn tỉnh Quảng Nam chưa nhiều để phát triển trên quy mô công nghiệp, đặt ra yêu cầu phải tăng sản lượng và mở rộng quy mô vùng trồng.
Một nội dung quan trọng khác, là phải chế xuất được những sản phẩm tốt từ sâm, thông dụng và có mức giá hợp lý để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân. Sâm Ngọc Linh có giá trị lớn, không phải ai cũng đủ tiền để sử dụng. “Đã là sản phẩm quốc gia thì phải được phục vụ cho toàn thể người dân Việt Nam. Nhằm đạt được mục đích thiết thực này, chúng ta cần cập nhật vào các chương trình bảo hiểm y tế các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm để người dân được dùng”, ông Lực nhấn mạnh.
Cùng với đó, cần phải có cơ chế vốn đặc thù đối với ngành dược liệu, bởi hiện nay, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Một doanh nghiệp có vườn sâm Ngọc Linh giá trị hàng trăm tỷ đồng, nhưng không thể thế chấp để vay vốn từ các ngân hàng.
“Để hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, đòi hỏi phải phát triển xuyên suốt từ lúc trồng cho đến lúc tiêu thụ. Vì vậy, cần có những cơ chế đặc thù về vốn, vùng trồng và cơ chế quảng bá, hỗ trợ để khuyến khích, thu hút nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn tham gia”, ông Lực kiến nghị.
Khẳng định, phát triển công nghiệp dược liệu sẽ mang lại nhiều giá trị lớn, doanh nhân Nguyễn Đức Lực cho hay, hiện Sâm Sâm Group đã tiếp cận được 2 vùng trồng dược liệu, diện tích 300 ha tại vùng núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My) và 200 ha tại huyện Nam Giang. Để khai thác dược liệu dưới tán rừng, doanh nghiệp phải trồng rừng gỗ lớn. Điều này sẽ mang đến nhiều lợi ích cho phát triển bền vững, đảm bảo đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân, mở rộng vùng dược liệu, mang lại giá trị kinh tế.
Tăng tốc
Trong công văn gửi Bộ Y tế về việc thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực, tỉnh Quảng Nam khẳng định, địa phương đang hội tụ đầy đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp dược liệu của miền Trung, kết nối với 2 trung tâm công nghiệp dược liệu miền Bắc và miền Nam để tạo ra thế kiềng 3 chân trong việc phát triển công nghiệp dược của cả nước.
Quảng Nam có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông - lâm nghiệp - dược liệu. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là hơn 1 triệu ha, trong đó có hơn 729 ha đất lâm nghiệp. Đặc biệt, Quảng Nam có nhiều loài cây thuốc phong phú về chủng loại, trữ lượng tương đối ổn định, phân bố tập trung ở các huyện miền núi.
Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu, trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc, trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Mới đây, Quảng Nam còn phát hiện thêm 4 loài cây thuốc chưa có tên trong danh mục cây thuốc Việt Nam…
Về sâm Ngọc Linh, diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển trên địa bàn tỉnh được xác định khoảng 15.567 ha. Bên cạnh đó, tỉnh đang nghiên cứu, di thực trồng sâm Ngọc Linh ra những vùng khác…
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu, Đề án Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, hết sức cần thiết và cấp bách để thực hiện chủ trương đúng đắn của Trung ương và địa phương, nhằm thúc đẩy phát triển các loài cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa, việc xây dựng Đề án còn có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở các huyện miền núi, nhất là 6 huyện miền núi cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Việc hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực cũng sẽ tạo cán cân về đầu tư, phát triển trong lĩnh vực công nghiệp dược, dược liệu sau khi Chính phủ đã có chủ trương phê duyệt 2 trung tâm dược liệu ở phía Bắc và phía Nam. Khi Đề án Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực được phê duyệt, tỉnh Quảng Nam sẽ có điều kiện ưu tiên nguồn lực đủ mạnh, tập trung đầu tư phát triển tiềm năng vùng nguyên liệu, thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tâm điểm của cả nước, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Để phát triển công nghiệp dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng, ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh, phải triển khai nhanh, bởi nếu chậm thì sẽ mãi đi sau các nước khác.
“Đầu tiên, chúng ta phải tuyên truyền cây sâm Việt Nam là một loại rất quý. Thứ hai, cần phải có nguồn lực cụ thể từ Trung ương, địa phương và xã hội để đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh thành sản phẩm quốc gia. Thứ ba, từ các nguồn lực, chúng ta cần phải nghiên cứu khoa học, di thực, làm ra nhiều sản phẩm, đồng thời quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước. Phải tạo cơ chế, khơi thông nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển. Đặc biệt, cần phải có hành lang pháp lý để hỗ trợ việc phát triển và phải có kế hoạch rõ ràng để thực hiện”, ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.
Cùng với sự đồng hành của doanh nghiệp, Quảng Nam đang tăng tốc để tham gia cuộc đua ngành công nghiệp dược liệu thế giới.
Để phát triển công nghiệp dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng, phải triển khai nhanh, bởi nếu chậm thì sẽ mãi đi sau các nước khác.
- Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam