Ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nòi giống, phát triển trí tuệ, chất lượng dân số. Chính vì vậy, nhiều địa phương đã đặc biệt quan tâm, ưu tiên nguồn lực, triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc, qua đó cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Triển khai hiệu quả nhiều mô hình
Nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Cao Bằng đã và đang đề ra nhiều giải pháp, bao gồm cả việc nhân rộng các mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cụ thể, năm 2023, tỉnh Cao Bằng duy trì 7 mô hình và xây dựng mới 4 mô hình tại các huyện, xã có nhiều nguy cơ xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhờ đó, số cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết giảm mạnh.
Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Cao Bằng có 666 cặp tảo hôn (giảm 731 cặp so với giai đoạn 2015 - 2020); 310 cặp tảo hôn một người, 356 cặp tảo hôn cả hai người; 56 trẻ em tảo hôn, chủ yếu là dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Nùng; 6 cặp hôn nhân cận huyết thống (giảm 20 cặp so với giai đoạn 2015 - 2020).
Là huyện vùng cao, biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng, Hà Quảng có tỷ lệ hộ nghèo còn khá lớn; trình độ nhận thức, dân trí và hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế; nhiều tập quán lạc hậu còn tồn tại trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Từ năm 2015 - 2023, địa bàn huyện có 353 cặp tảo hôn, trong đó, 154 cặp dân tộc Mông, 90 cặp dân tộc Dao… Toàn huyện có 13 cặp hôn nhân cận huyết thống.
Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Hà Quảng Nông Văn Nhất, huyện đã triển khai hai mô hình điểm thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025 tại xã Thanh Long (Bình Lãng cũ) và xã Nội Thôn. Từ kết quả của những mô hình này, huyện tổ chức tập huấn cho cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, các xã, thị trấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông vận động, chuyển đổi hành vi…
Với 32 dân tộc, chiếm 23,71% dân số toàn tỉnh, trong đó hộ nghèo DTTS chiếm tỷ lệ 17,73%, hộ cận nghèo DTTS chiếm tỷ lệ 10% so với số hộ DTTS; tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng được 48 mô hình Câu lạc bộ Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Trong đó, Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) xây dựng 3 mô hình; Ban Dân tộc xây dựng 8 mô hình: 4 mô hình tại các xã (Phước Chính, Phước Đại, huyện Bác Ái và xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc) và 4 mô hình trường học tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh…; huyện Ninh Phước duy trì 22 câu lạc bộ tại 22 thôn - khu phố/7 xã và 1 thị trấn, nhất là thôn Tà Dương - xã Phước Thái (làm điểm); huyện Bác Ái xây dựng 12 mô hình; huyện Ninh Sơn xây dựng 1 mô hình tại Trường PTDT Bán trú THCS Phan Đình Phùng, xã Ma Nới; huyện Thuận Bắc xây dựng 2 mô hình.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành và các thành viên Ban chỉ đạo, tỷ lệ tảo hôn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Tỷ lệ tảo hôn trong vùng DTTS hàng năm giảm và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, giảm bình quân 1,35%/năm (mục tiêu giảm bình quân 1%/năm); chưa phát hiện trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
Tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm
Song song với việc triển khai những mô hình điểm, nhiều địa phương đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình, bảo đảm có trọng tâm, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào. Đơn cử như tỉnh Sơn La đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục giới tính cho học sinh bậc THCS và THPT, giúp các em nhận thức được những tác hại của việc mất cân bằng giới tính, tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Cụ thể, tại Trường THCS Mường É, huyện Thuận Châu đã tổ chức hoạt động ngoại khóa tuyên truyền về "Luật Hôn nhân và gia đình, những hệ lụy của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống" cho học sinh DTTS đang học tập tại trường. Các nội dung chính của hội thi là tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình; những vấn đề liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bằng hình thức sân khấu hóa. Từ đó, nhằm vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân còn tồn tại ở một số DTTS.
Còn tại tỉnh Hòa Bình, qua 3 năm (2021 - 2023) triển khai thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi" theo Quyết định số 498/QĐ-TTg, Ban Dân tộc và UBND các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của đơn vị và địa phương.
Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đã thực hiện lắp đặt 11 Pa nô, tấm panô, áp phích tuyên truyền ngăn ngừa hành vi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 11 trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn các huyện; tổ chức biên soạn và cấp phát 3.290 cuốn tài liệu và 3.290 tờ rơi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho học sinh tại 11 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn các huyện.
UBND các huyện, thành phố tổ chức 23 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, sinh hoạt ngoại khóa tại các trường học; nâng cao nhận thức về tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống cho cán bộ xã, thôn bản, đại diện các tổ chức đoàn thể tại thôn bản, người có uy tín, người dân và học sinh với 2.116 lượt người tham gia; biên soạn và cấp phát 93 cuốn tài liệu, 628 tờ rơi, 15 pano, áp phích tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Luật Hôn nhân và Gia đình, những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Thông qua các hoạt động của Đề án, đội ngũ cán bộ xã, thôn bản, người có uy tín đã phát huy được vai trò, trách nhiệm tham gia công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân; các địa phương cũng thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân và ngăn chặn, xử lý kịp thời một số trường hợp có ý định tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn.