Nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm qua, chính quyền các cấp huyện Mai Châu, Hòa Bình đã cụ thể hóa nhiều chính sách; huy động, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực, nhất là các chương trình đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ
Huyện Mai Châu có 10 xã vùng III, 7 xóm ở các xã vùng II thuộc diện đặc biệt khó khăn với trên 88% dân số là đồng bào DTTS. Bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, huyện đã triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thông qua các chính sách hỗ trợ sản xuất, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đời sống của người dân vùng DTTS không ngừng được nâng lên, diện mạo nông thôn từng bước đổi thay.
Là hộ được thụ hưởng các chính sách ưu đãi đối với vùng đồng bào DTTS, năm 2019, gia đình anh Hà Văn Hòa (xóm Đậu, xã Tòng Đậu) được hỗ trợ 45 triệu đồng để xây dựng chuồng và mua 2 con bò sinh sản. “Trước đây, gia đình tôi cũng đã từng nuôi bò nhưng kinh tế khó khăn quá đành phải bán đi. Nay được Đảng, Nhà nước hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tôi sẽ cố gắng chăm sóc và tăng đàn để phát triển kinh tế”, anh Hòa phấn khởi cho biết.
Tương tự như anh Hòa, gia đình chị Đinh Thị Miên, (xóm Hịch 2, xã Mai Hịch) từng thuộc diện hộ nghèo của địa phương; nhờ được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, cùng vốn vay mượn thêm, chị đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn giống, mở rộng quy mô chuồng trại. Hiện, gia đình chị có mô hình kinh tế VAC ổn định, cho thu nhập mỗi năm 70 - 80 triệu đồng, cuộc sống dần vơi bớt khó khăn, có thêm điều kiện chăm lo việc học hành cho các con.
Cùng với hỗ trợ các chính sách phát triển sản xuất, huyện Mai Châu chú trọng triển khai các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; như tại xóm Xô (xã Nà Phòn), xóm Chiêng, Cải (xã Tân Thành), xóm Thung Mặn, Thung Ảng, Thung Mài (xã Hang Kia)... là những địa bàn khó khăn, cách xa trung tâm xã. Nhờ sự quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hoạt động sinh kế, mô hình phát triển sản xuất, diện mạo kinh tế - xã hội có nhiều đổi thay, đời sống người dân được cải thiện.
Đến nay, 100% xã trên địa bàn huyện có đường ô tô đến trung tâm; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99,8% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 98,8% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 90% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Có thể thấy, các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS đã và đang được huyện Mai Châu triển khai đa dạng, thiết thực, tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng, vươn lên thoát nghèo bền vững. Để đạt được những kết quả trên, thời gian qua, huyện đã triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách liên quan đến đồng bào DTTS.
Song song với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, huyện tập trung thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 51,3 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm từ 3 - 4%/năm.
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được quan tâm; huyện đã mở nhiều lớp đào tạo nghề hướng dẫn du lịch, thêu thổ cẩm truyền thống, trồng nấm, chăn nuôi, sửa chữa máy nông nghiệp... Qua các lớp đào tạo nghề trang bị kiến thức cần thiết để lao động nông thôn có thêm việc làm, tăng nguồn thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của huyện.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Hoàn, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hiệu quả thu được từ các chương trình, dự án hỗ trợ vùng đồng bào DTTS ở Mai Châu đã góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn miền núi. Từ đó, người dân tiếp cận với những tiến bộ, thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Đồng thời, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân, khuyến khích họ sản xuất theo hướng khai thác những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhiều hộ đã mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất và mang lại hiệu quả cao.
Với đặc thù là địa bàn vùng cao còn nhiều khó khăn, thời gian tới, huyện Mai Châu sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS; lồng ghép các chương trình hỗ trợ gắn với định hướng phát triển sản xuất cho đồng bào theo hướng hiệu quả, bền vững. Đồng thời, tăng cường quảng bá du lịch; thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, các dự án khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và bảo vệ môi trường.