Pháp luật

Thông tin quy hoạch đất: Đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận cách nào?

Thanh Thúy 16/03/2024 - 11:54

Để việc tiếp cận thông tin đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số được thuận tiện, hiệu quả, cần tăng cường biên dịch các bản tin về đất đai sang nhiều ngôn ngữ.

Đó là ý kiến đề xuất của TS. Bế Trung Anh, Ủy viên Thường trực Hội đồng dân tộc của Quốc hội nhằm hướng đến việc tiếp cận thông tin tốt hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Tọa đàm “Rà soát việc công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2023” diễn ra sáng ngày 12/3.

Ông Bế Trung Anh đưa ra nhận xét sau khi nghe ThS. Lại Thị Lan Vy, Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ, chia sẻ về kết quả nghiên cứu “Đánh giá vòng 3 việc công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2023” tại tọa đàm. Theo kết quả nghiên cứu, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố và các huyện đã đăng tải công khai bảng giá đất trên môi trường điện tử.

Cụ thể, tính đến ngày 6/10/2023, 73% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã đăng tải công khai bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 trên cổng thông tin điện tử của địa phương, tăng 8,1% so với kết quả rà soát năm 2022 và tăng 31,1% so với kết quả rà soát năm 2021. Về việc công khai thông tin quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, tính đến hết ngày 6/10/2023, trong tổng số 705 UBND cấp huyện trên toàn quốc, 65,4% đã công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, tăng 16,5% so với năm 2022.

dsc0958020240313142406.jpg
TS. Bế Trung Anh (ngồi giữa) thẳng thắn chỉ ra những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận thông tin về luật đất đai. Ảnh: BTC

Đây là những con số thú vị, cho thấy sự tiến bộ trong việc công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Dù việc tìm hiểu, khả năng nhận biết thông tin rất quan trọng nhưng nghiên cứu cũng cần giải thích lý do tại sao mới chỉ có 65,4% trong tổng số 705 UBND cấp huyện trên toàn quốc đã công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030…”, TS. Bế Trung Anh nói và cho rằng nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng với cả cơ quan luật pháp và chính quyền địa phương khi thực thi nhiệm vụ.

Đề cập đến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, TS Bế Trung Anh mong muốn dự thảo được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số (biên dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau), để đồng bào dân tộc thiểu số có thể dễ dàng tiếp cận thông tin. Theo ông Anh, việc làm này là cần thiết bởi một số đồng bào thiểu số không có chữ viết nhưng có tiếng nói, chưa hiểu tiếng Kinh và với công nghệ hiện đại ngày nay, điều này không hề khó. Không chỉ dịch ngôn ngữ các văn bản Luật Đất đai sang tiếng đồng bào, hơn thế, ông mong muốn áp dụng với nhiều nội dung tuyên truyền chính sách của Đảng và nhà nước.

Chúng ta có đề cập việc tiếp cận thông tin của dân tộc thiểu số nhưng quan trọng chúng ta thực thi có rốt ráo, chặt chẽ, cụ thể hơn không”, TS Bế Trung Anh nói và bày tỏ mong muốn có những hướng dẫn cụ thể hơn.

Tại tọa đàm, TS Bế Trung Anh cũng chỉ ra nhiều vấn đề tại Luật Đất đai sửa đổi đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Anh, Luật Đất đai không phải chuyện lớn, chuyện lớn nhất là việc cung cấp đất ở và đất sản xuất cho đồng bào như thế nào. Có hẳn một điều điều khoản về quỹ đất nhưng đi khảo sát tại các tỉnh, địa phương thì bảo không có quỹ đất. Ngay sau đó, Ban soạn thảo đưa thêm vào luật điều 179 để thông tin tường minh và tháo bỏ vướng mắc.

Bên cạnh đó là những định nghĩa, khái niệm còn chưa đúng thực chất. Ông Trung Anh lấy ví dụ, đất tín ngưỡng là đất đền thờ am miếu… nhưng với người đồng bào dân tộc thiểu số tiền ăn không đủ thì làm sao có tiền thờ những việc đó. Đất tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số phải là rừng, suối, kênh.

Một vấn đề khác là đất chỉ nhằm vào giao đất cho đồng bào ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, trong khi đó đối tượng nghèo nằm ở vùng nông thôn mới thì không rõ có được hưởng quyền lợi như trên không. Vì vậy cần phải điều chỉnh luật sao cho không chồng chéo, mâu thuẫn, để đồng bộ.

Bàn luận về vấn đề tiếp cận thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số, ông Trương Quốc Cần, Viện trưởng, Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) cũng đánh giá cao nghiên cứu nêu ra trong tọa đàm, giúp việc quản trị đất đai thêm minh bạch.

Đồng thời, cá nhân ông cũng chỉ ra vướng mắc, khó khăn khi tiếp cận thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số. Chẳng hạn, thông tin tìm đất sổ đỏ (đất trồng lúa, đất làm nhà), giấy chứng nhận sử dụng đất thì tìm ở đâu? Việc tiếp cận của đồng bào khó khăn, hỏi ai, hỏi ở đâu, ai là người chỉ dẫn... Không những vậy, có trường hợp người dân bị môi giới dẫn dụ, dự án này dự án kia có quy hoạch, ông bà bán đất đi… Vì thiếu thông tin, hiểu biết nên bà con tin, thực hiện và bị lôi kéo vào giao dịch không công bằng.

Qua đó, ông Cần hy vọng đại diện cho cơ quan soạn thảo mạnh dạn đề xuất trong các hướng dẫn, văn bản thông tin chi tiết, cụ thể hơn về đất đai (muốn tìm thông tin về sổ đỏ, kiện tụng thì hỏi ai…). Đồng thời cụ thể hóa thông tin trong văn bản quy phạm pháp luật để giám sát việc thực thi của các cơ quan và giúp người dân tìm được những thông tin cần thiết, hữu ích.

Để thúc đẩy việc công khai thông tin đất đai của các cơ quan nhà nước, nhóm nghiên cứu tiếp tục khuyến nghị các cơ quan nhà nước ở cấp tỉnh và cấp huyện cần triển khai thực hiện đầy đủ việc công khai thông tin đất đai trên môi trường trực tuyến bên cạnh việc cung cấp thông tin trực tiếp tại cơ quan.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Lê Đặng Trung, Giám đốc điều hành, Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) bày tỏ: “Việc công khai thông tin đất đai được cải thiện qua ba vòng đánh giá cho thấy sự tăng cường trong trách nhiệm giải trình với người dân của chính quyền địa phương. Chúng tôi mong rằng Chính phủ sẽ sớm bổ sung thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân vào bộ thủ tục hành chính hiện hành của tất cả các ngành và lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đất đai và có văn bản hướng dẫn cụ thể để cải thiện hơn nữa việc công khai thông tin”.

Theo dữ liệu từ nghiên cứu, có 18 tỉnh, thành phố gồm Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Dương, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Hải Phòng đã công khai bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 trong suốt ba vòng đánh giá. Đồng thời, UBND các tỉnh và thành phố này cũng đã xây dựng chuyên mục thông tin đất đai riêng giúp cho việc tìm kiếm thông tin nhanh chóng và thuận lợi.

Bình Thuận là tỉnh có 100% các huyện công khai cả quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023 trên cổng thông tin điện tử. Các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Nam và Kon Tum có 100% huyện công khai quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 trên môi trường mạng. Tương tự, các tỉnh Đồng Tháp, Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Phước, Ninh Thuận và Phú Yên có 100% huyện đã công khai kế hoạch sử dụng đất năm 2023.

Về việc công khai bảng giá đất cấp tỉnh, tính đến ngày 6/10/2023, 73% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã đăng tải công khai bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 trên cổng thông tin điện tử của địa phương, tăng 8,1% so với kết quả rà soát năm 2022 và tăng 31,1% so với kết quả rà soát năm 2021.

Về việc công khai thông tin quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, tính đến hết ngày 6/10/2023, trong tổng số 705 UBND cấp huyện trên toàn quốc, 65,4% đã công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, tăng 16,5% so với năm 2022. Về tính đầy đủ, trong số các UBND cấp huyện đã công khai thông tin, 54,2% đã đăng tải đầy đủ 3 văn bản bao gồm quyết định phê duyệt, báo cáo thuyết minh tổng hợp và bản đồ quy hoạch sử dụng đất.

Về việc công khai kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, tính đến ngày 6/10/2023, trong số 705 UBND cấp huyện có 65,2% đã thực hiện công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023 trên cổng thông tin điện tử của mình, tăng 17,3% so với năm 2021 và tăng 10% so với năm 2022. Trong số này chỉ có 22,8% ban hành kế hoạch sử dụng đất đúng thời hạn và chỉ có 7% đăng tải thông tin đúng thời hạn.

Thanh Thúy