Điệu xoang của người Ê Đê
Sơn Hòa và Sông Hinh là hai huyện miền núi của Phú Yên có người Ê Đê sinh sống lâu đời. Trong sinh hoạt văn hóa, múa xoang là một trong những điệu múa được họ lưu truyền qua nhiều thế hệ, thường biểu diễn trong các dịp lễ hội.
Mặc dù ngày nay có sự giao tiếp rộng rãi với nhiều vùng miền, ảnh hưởng các thể loại múa đương đại, nhưng đồng bào dân tộc Ê Đê ở huyện Sơn Hòa và Sông Hinh vẫn còn gìn giữ điệu xoang không bị pha tạp.
Nét đẹp văn hóa dân gian
Các già làng kể rằng: Từ thuở xa xưa, người Ê Đê cư trú rải rác theo từng nhóm, từng cụm ở những triền núi, lưng đồi và đôi bên dòng sông, con suối. Họ sống hòa mình cùng với thiên nhiên. Vào những ngày xuân, nhìn những đàn chim phí bay lượn giữa bầu trời xanh, xòe cánh lướt nhẹ trên thảo nguyên bao la, rồi sà xuống bãi cỏ tung tăng nhảy múa..., từ nguồn cảm hứng đó họ đã tạo ra điệu xoang. Những lúc nông nhàn, khi mùa xuân đến, nam nữ thanh niên tụ tập múa xoang, hát đối đáp để vui chơi. Sau đó, múa xoang được đưa vào các lễ hội, trở thành nét đẹp văn hóa dân gian của người Ê Đê.
Múa xoang biểu lộ sự hân hoan, mừng vui đón mùa xuân mới lúc lúa bắt đầu chín rộ. Trong lễ tạ ơn thần linh, múa xoang thể hiện tình cảm với gia đình, họ tộc, sự đoàn kết với mọi người trong làng buôn. Điệu xoang ngời lên tính nhân văn, niềm say mê, luôn là nguồn cổ vũ trong đời sống của họ. Con trai, con gái tay nối tay nhau, đôi chân trần dồn bước, uyển chuyển quanh ngọn lửa thiêng bừng sáng giữa buôn làng theo âm thanh của cồng chiêng, trống đôi, đàn t’rưng...
Chị Kpă H’Pin ở xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) chia sẻ: Khi cái lạnh mùa đông đã qua, tiết trời nắng ấm, rừng cây thay lá đâm chồi nảy lộc, tín hiệu mùa xuân mới đã về, bà con làng trên, buôn dưới rộn ràng tổ chức tấu cồng chiêng, nhịp trống đôi, vít cong cần uống rượu ché. Nam nữ thanh niên tựu tề dưới bóng cây kơ nia ở giữa buôn, cùng nắm tay nhau múa xoang vòng quanh bên ánh lửa bập bùng để đón rước những điều an lành về với dân cư trong những ngày đầu năm mới.
“Khi thu hoạch lúa xong, bà con tổ chức lễ tạ ơn đất trời, tế thần linh, họ dâng lễ vật gồm: rượu ché, thịt heo, thịt gà... và quây quanh đống lửa to giữa làng, tấu cồng chiêng, múa trống đôi và cùng nhau nối vòng xoang. Điệu xoang chính là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại gắn liền với sinh hoạt cộng đồng. Đây là nét đẹp văn hóa dân gian, mang tính đặc thù của người Ê Đê, thấm sâu vào máu thịt của họ”, ông Ma Thoan, nguyên Chủ tịch UBND xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) cho biết.
Gìn giữ bản sắc dân tộc
Theo ông Kpă Vương, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), trên địa bàn huyện Sơn Hòa có xã Krông Pa và Suối Trai chủ yếu là người Ê Đê sinh sống. Hiện nay, mỗi xã có 6 đội cồng chiêng và 6 đội múa xoang với 160 thành viên. Cứ mỗi độ xuân về là 2 địa phương này tổ chức lễ hội cồng chiêng và múa xoang. Khi tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên, bà con buôn làng không phân biệt tuổi tác, nam nữ, tất cả nắm tay nhau, chân dập dìu bước thăng hoa cùng điệu xoang trong lễ hội mùa xuân tưng bừng.
Còn già làng Ma H’Lin ở xã Suối Trai chia sẻ: “Các cháu biết múa xoang là nhờ các mí (mẹ) truyền lại. Họ xem đây là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Ê Đê khi mùa xuân đến và trong các lễ hội, là vốn quý của các bậc tiền nhân nên không để nó bị mai một”.
Tại huyện Sông Hinh, ông Nguyễn Như Đông, Trưởng phòng VH-TT địa phương này cho hay: Một số phong tục tốt đẹp, âm nhạc văn hóa dân gian của người Ê Đê trên địa bàn huyện được bảo tồn như: Lễ cúng bến nước, lễ cúng mừng tuổi trưởng thành cho con cháu, lễ cúng cầu mưa, hát khan, múa tùng khắc... Đặc biệt, điệu xoang luôn được đồng bào Ê Đê trân quý và gìn giữ như một báu vật. Họ luôn cố gắng bản tồn, phát huy giá trị điệu múa truyền thống này trong đời sống.
Còn theo nhà văn Y Điêng: “Múa xoang là một ngôn ngữ tiêu biểu cho cộng đồng, chan chứa tình yêu thiên nhiên, quê hương, thắm thiết tình yêu lứa đôi, hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ. Ngoài ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Ê Đê, tôi nghĩ, các ngành chức năng nên quan tâm hơn nữa nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa mà cha ông họ đã gìn giữ, lưu truyền từ bao đời nay”.