Khăn thổ cẩm - nét đẹp truyền thống của người dân miền núi
Thổ cẩm là một trong những nét đẹp văn hoá của đồng bào dân tộc miền núi, phản ánh sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, là sản phẩm nghệ thuật khơi dậy niềm tự hào bản sắc văn hoá dân tộc. Những sản phẩm thổ cẩm gắn liền với đời sống của đồng báo các dân tộc vùng cao trở thành hàng hoá, là sản phẩm du lịch ... trong đó có khăn thổ cẩm.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, nghề dệt thổ cẩm đóng vai trò quan trọng trong đời sống, kinh tế, văn hoá, các sản phẩm thổ cẩm truyền thống vẫn tiếp tục được sử dụng trong đời sống hằng ngày, trong các nghi lễ quan trọng như ngày Tết, lễ đầy tháng, cưới hỏi, ma chay,… của cộng đồng các dân tộc miền núi và đặc biệt ngày nay đã trở thành sản phẩm hàng hóa, sản phẩm du lịch địa phương.
Với chiếc khăn thổ cẩm được dùng giữ ấm, che chắn nắng mưa mỗi khi lên nương cho chị em phụ nữ. Ngày nay, khăn thổ cẩm trở thành xu hướng thời trang nổi bật được hội chị em lựa chọn làm đẹp. Ưu điểm của những chiếc khăn có họa tiết thổ cẩm là nét năng động và khỏe khoắn. Bên cạnh đó, với sự kết hợp đa dạng nhiều màu sắc sặc sỡ, độ tươi sáng mang đến sự trẻ trung cho phái đẹp.
Mỗi chiếc khăn choàng thổ cẩm là một tác phẩm nghệ thuật, được tạo ra qua quá trình thể hiện tỉ mỉ và công phu, mang nhiều tâm huyết của người làm. Bằng đôi bàn tay khéo léo của những người dân bản địa, với phương pháp thủ công truyền thống những chiếc khăn thổ cẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con miền núi.
Các sản phẩm thổ cẩm đa phần được dệt từ sợi cây lanh, gai hoặc bông. Từ khâu đầu tiên đến khi ra thành phẩm, tất cả đều từ hai bàn tay của những người thợ lành nghề tạo ra. Những chiếc khăn mang đậm đà bản sắc dân tộc, trở thành nét văn hoá đặc sắc trong đời sống. Nhìn sơ qua, tưởng chừng các hoạ tiết như được thêu lên, thực ra là được sáng tạo ngay trong quá trình dệt vải.
Chị Lê Thị Tuyết, tiểu thương bán đồ phụ kiện tại chợ Xanh (Thành phố) chia sẻ: Cửa hàng tôi chuyên cung cấp các loại khăn thổ cẩm với đa dạng màu sắc khác nhau. Đa số là khách hàng mua về sử dụng làm khăn choàng, quà lưu niệm, phụ kiện biểu diễn,… Đặc biệt, cứ đến mùa du lịch, mặt hàng khăn thổ cẩm được bán chạy nhất vì du khách bị thu hút bởi nét độc đáo và vẻ đẹp tự nhiên của nó.
Có một điểm mà những chiếc khăn choàng thổ cẩm hoàn toàn khác biệt hơn hẳn các loại khăn choàng khác trên thị trường, màu sắc được nhuộm hoàn toàn bằng các loại thực vật tự nhiên, không qua hóa chất, đảm bảo tính an toàn. Khăn thổ cẩm không mềm như những loại khăn khác, nhưng vẫn được yêu thích nhờ sự lành tính và thân thiện với làn da. Đối với những người con Cao Bằng, dệt thổ cẩm không chỉ là một ngành nghề, đây còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc.
Tùy theo đặc điểm truyền thống của từng vùng miền, từng dân tộc mà mỗi chiếc khăn mang trên mình một loại họa tiết khác nhau. Thông thường, những cảnh vật tự nhiên như đồi núi, chim chóc, cho đến đời sống con người… được đưa vào trong từng sản phẩm như một cách để truyền bá văn hóa vùng cao đến với du khách trong và ngoài nước.
Một chiếc khăn thổ cẩm có giá từ 50 - 150 nghìn đồng/chiếc. Những chiếc khăn không cầu kỳ về họa tiết nhưng được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày, người lớn tuổi có thể thắt khăn với áo dài tạo cho bộ áo dài thêm duyên dáng, còn những người trẻ dùng khăn để đi du lịch, phối hợp làm phụ kiện, trang phục biểu diễn… Khi sử dụng, không nên giặt khăn bằng máy giặt mà nên giặt bằng tay, phơi nơi thoáng mát không phơi dưới ánh mặt trời quá nhiều để tránh phai màu sắc của khăn.
Chị Nguyễn Thanh Thuý, du khách đến từ Phú Thọ chia sẻ: Đối với tôi khăn thổ cẩm là một phụ kiện không thể thiếu mỗi khi đi du lịch tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Những chiếc khăn đa màu sắc cùng họa tiết bắt mắt thường được kết hợp với những bộ áo dài hoặc làm khăn choàng trong thời tiết se se lạnh tạo sự trẻ trung, năng động.
Ngoài vẻ đẹp đơn giản của mỗi chiếc khăn, khăn thổ cẩm được nhiều người biết đến nhờ quy trình dệt vải đầy sự tỉ mỉ, phản ánh nét đẹp trong lao động của cộng đồng các dân tộc miền núi, là một món quà kỷ niệm khi có dịp ghé thăm miền non nước Cao Bằng.