Độc đáo ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc
Vĩnh Phúc có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Mỗi dân tộc lại có những món ăn truyền thống được chế biến theo cách thức khác nhau, mang hương vị đặc trưng riêng biệt. Nhiều món ăn vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay và có mặt trong mâm cơm hằng ngày của mỗi gia đình.
Người Cao Lan ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) có nhiều món ăn ngon độc đáo, được chế biến từ các sản vật nông, lâm nghiệp đặc trưng của địa phương. Có những ăn được chế biến cầu kỳ, song có những món được chế biến đơn giản, nhưng đều có 1 điểm chung là giữ được hương vị tươi ngon vốn có của thực phẩm.
Nhắc đến món ăn ngon độc đáo, lạ mắt của người Cao Lan phải kể đến các loại bánh chim, bánh chuột, bánh cóc. Đúng như tên gọi, những chiếc bánh này có hình thù giống con chim, con chuột, con cóc, được làm từ gạo nếp nương gói trong lá dứa rừng. Mặc dù có hình thù khác nhau, song kỳ thực, cách thức chế biến của các loại bánh này giống nhau, khác biệt duy nhất là ở cách gấp lá dứa để tạo khuôn cho bánh.
Bà Đào Thị Từng, thôn Đồng Dong, xã Quang Yên là một trong những người phụ nữ Cao Lan làm bánh giỏi nhất thôn. Bà Từng cho biết: "Món bánh chim của người Cao Lan bắt nguồn từ sự tích nàng Slau Slam thương cảm con chim gâu mẹ chết bên đường trong lúc đi kiếm thức ăn cho đàn chim con.
Nàng đã lấy thức ăn trong diều của chim mẹ mớm cho chim non, rồi dùng lá dứa rừng đan làm giỏ đưa chúng về nhà nuôi. Từ đó, nàng nghĩ ra cách làm loại bánh hình chim gâu từ lá dứa rừng để tưởng nhớ tình mẫu tử thiêng liêng. Loại bánh này được truyền lại cho người dân trong thôn.
Về sau, người Cao Lan sáng tạo ra cách đan lá dứa rừng theo hình thù khác nhau để làm bánh. Để làm được loại bánh này, người Cao Lan phải lên rừng tìm lá dứa, đem về rửa sạch, phơi khô, tước phần gai, chẻ phần thân cứng rồi đan thành hình những con vật nhỏ xinh, rỗng ruột.
Gạo nếp nương được vo sạch, ngâm nước, vớt ra để ráo rồi trộn thêm ít muối cho đậm đà, sau đó đem nhồi vào vỏ bánh. Bánh đã gói xong được đem đi luộc. Khi bánh chín có mùi thơm ngào ngạt của gạo nếp nương hòa quyện với mùi lá dứa rừng. Đây là món ăn dân dã, thường được bà con đem theo khi đi làm nương rẫy.
Ngày nay, người Cao Lan vẫn làm bánh chim, bánh chuột trong bữa ăn hằng ngày. Để tăng thêm hương vị cho món ăn, nhiều gia đình dùng đỗ xanh, thịt lợn làm nhân bánh. Trong các dịp lễ hội Xuống đồng, khánh thành khu thiết chế văn hóa - thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu Đồng Dong, các món bánh nhỏ xinh với hình thù ngộ nghĩnh, bắt mắt được trưng bày tại gian hàng ẩm thực đã thu hút thực khách đến tham quan, thưởng thức, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa, ẩm thực của đồng bào dân tộc Cao Lan.
Bò tái kiến đốt là món ăn độc, lạ của người dân tộc Sán Dìu ở Tam Đảo. Để chế biến món ăn này, người ta cắt miếng thịt bò còn nóng hổi vừa mới mổ, đem treo lên cây trong rừng để kiến bâu quanh miếng thịt. Nhiều người kỳ công mang miếng thịt bò treo vào những tổ kiến khác nhau để miếng thịt có nhiều hương vị khác nhau.
Sau đó, thịt được đem về, dội qua nước muối loãng cho sạch bụi bẩn, để ráo nước rồi đem nướng trên bếp lửa than hồng cho chín tái. Miếng thịt chín săn lại ở bên ngoài song hồng ở bên trong. Khi ăn, miếng thịt được thái mỏng, bày lên đĩa, chấm kèm với nước tương gừng, khế chua, rau thơm. Món ăn thơm ngon, độc đáo này đã lọt top 100 món ăn đặc sản Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận năm 2022.
So với nhiều dân tộc thiểu số khác, các món ăn của đồng bào dân tộc Dao ở xã Lãng Công, huyện Sông Lô được chế biến đơn giản hơn. Vào các dịp lễ lớn của người Dao như Lễ cấp sắc, Tết nhảy…, các gia đình người Dao thường mổ lợn, gà để thiết đãi dân làng. Thịt lợn, gà được chế biến thành các món luộc, xào, nướng… và bày trí, xếp theo hình vòng tròn trên chiếc mâm trải lá chuối.
Ở giữa mâm cỗ của người Dao bao giờ cũng có một bát chuối nộm để ăn kèm với thịt giúp tăng thêm hương vị của món ăn. Món chuối nộm được coi là “linh hồn” của mâm cỗ. Để làm món ăn này, người Dao lấy thân cây chuối non thái mỏng, rửa sạch, bóp với muối và một số loại gia vị, giúp chống ngấy hiệu quả.
Ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh rất phong phú và đa dạng. Nhiều món ăn nổi tiếng như xôi đen, bánh chưng gù (dân tộc Sán Dìu); món bún, cơm lam, rượu men lá (dân tộc Cao Lan); xôi ngũ sắc (dân tộc Dao)… được chế biến để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách. Ẩm thực truyền thống góp một phần quan trọng trong hành trình khám phá, trải nghiệm của du khách khi đến tham quan Vĩnh Phúc.
Thời gian qua, các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân giữ gìn ẩm thực truyền thống; tích cực quảng bá văn hóa ẩm thực dân tộc trong các lễ hội, sự kiện lớn của địa phương, của tỉnh; đưa các món ăn, thức uống của đồng bào dân tộc thiểu số vào các nhà hàng, quán ăn để phục vụ du khách… Qua đó, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị ẩm thực truyền thống của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.