Lan tỏa yêu thương
Với tấm lòng nhân ái, nhiều chị em phụ nữ đã âm thầm làm nhiều việc tốt, thắp lên ngọn lửa yêu thương trong cộng đồng.
Nuôi heo đất giúp người nghèo
Chúng tôi theo chân cán bộ Hội LHPN xã đến nhà chị Phạm Thị Thủy (55 tuổi), ở thôn Long Vĩnh, xã Bình Long (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đúng lúc vợ chồng chị đang làm bún tươi để kịp mang ra chợ bán. Chị Thủy được nhiều người biết đến bởi là chủ lò sản xuất bún tươi truyền thống đã gần 30 năm, đặc biệt người phụ nữ này có tấm lòng nhân ái, hay giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó.
Lò bún của chị Thủy không lớn, chủ yếu “lấy công làm lời” nên kinh tế không phải giàu có, thế nhưng vì tình thương dành cho người nghèo, mỗi ngày chị tiết kiệm một ít để làm việc thiện. “Tôi sinh ra trong gia đình đông anh em. Ba mất năm tôi lên 6 tuổi, cuộc sống gia đình rất vất vả, túng thiếu. Tôi phải ra đời sớm để mưu sinh, lo toan cuộc sống, nên nguyện trong lòng khi nào bớt khổ, ổn định hơn chút sẽ san sẻ với những người khó hơn mình”, chị Thủy bộc bạch. Với suy nghĩ đó nên khi các con đã trưởng thành, chị Thủy dành nhiều thời gian cho công tác xã hội và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2017, chị Thủy được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Long Vĩnh, và cũng từ đó chị nuôi "heo đất" tại nhà để có tiền giúp đỡ người nghèo. Mỗi năm, chị tiết kiệm từ 6 - 7 triệu đồng để hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương và giúp đỡ người già neo đơn. Thường xuyên được chị Thủy thăm nom, giúp đỡ lúc khó khăn, cụ bà Nguyễn Thị Hà (80 tuổi), ở thôn Long Vĩnh cảm kích khi nhắc đến chị Thủy. “Chẳng phải người thân ruột thịt mà cháu Thủy thương tôi lắm. Khi tôi ốm đau, hay lễ, Tết, Thủy đều đến thăm, biếu ít tiền để tôi mua sữa, mua thuốc. Tính tình thì dễ thương, gần gũi, cứ thấy ai khó khăn là giúp đỡ”, bà Hà xúc động nói.
Năm 2022, chị Thủy còn khởi xướng, triển khai “Nồi cháo yêu thương” để phục vụ bữa sáng dinh dưỡng cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Những nồi cháo đầu tiên, chị Thủy tự bỏ tiền, công sức để nấu và mang cháo phát tại nhà cho các cụ già, người khuyết tật ở thôn. Sau đó, nhiều người dân ở địa phương cùng góp tiền, góp gạo để nấu cháo. Nhờ thế, từ nấu một nồi cháo mỗi tháng, sau vài tháng triển khai, “Nồi cháo yêu thương” của chị Thủy đã tăng lên 4 nồi/tháng. Mỗi nồi cháo cung cấp hơn 150 suất ăn sáng. Dù có nhiều người ủng hộ, góp sức nhưng mỗi tháng chị Thủy vẫn góp thêm 1 triệu đồng để duy trì nồi cháo.
Khi biết đến hoàn cảnh khó khăn của cháu Lê Minh Hoài Nam, ở thôn Long Hội, xã Bình Long, là học sinh lớp 10, mồ côi cha, chị Thủy đã không ngần ngại trở thành “Mẹ đỡ đầu” của Nam. Ngoài sự quan tâm, động viên về mặt tinh thần, từ tháng 11/2023 đến nay, chị Thủy hỗ trợ cho Nam 300 nghìn đồng/tháng. Chị Thủy chia sẻ: Tôi sẽ cố gắng làm việc, tiết kiệm hơn chút nữa để giúp cháu Nam được nhiều hơn. Mong ước của tôi là đỡ đầu thêm nhiều cháu mồ côi, nghèo khó vì tôi cũng từng có hoàn cảnh giống như thế! Lúc khó khăn, chơi vơi, có người nắm tay, cho mình một điểm tựa thì cuộc đời sẽ bớt chông gai, gập ghềnh hơn.
Không nghèo tình thương
Đều đặn mỗi ngày, chị Phạm Thị Ly (50 tuổi), ở thôn An Đạo, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) bắt đầu ngày làm việc từ tờ mờ sáng để thu hoạch rau mang ra chợ bán. Chồng chị Ly làm thợ hồ, còn chị thì trồng các loại rau xanh bán ở chợ Châu Sa. Chị Ly chẳng giàu có về tiền bạc, nhưng giàu tình thương. Lau những giọt mồ hôi vừa đi làm ngoài đồng về, chị Ly kể, nhiều người bảo tôi gàn dở, làm lụng vất vả lại không để tiền tiêu xài, hưởng thụ mà cứ tiết kiệm để đi giúp người khác. Toàn lo việc bao đồng. Thế nhưng ít ai biết được rằng, cách đây gần 20 năm trước, gia đình tôi từng nghèo khó, túng thiếu đến không có gạo ăn. Ngày mới lấy chồng, tôi vào TP.Hồ Chí Minh để buôn gánh bán bưng, còn chồng tôi thì làm rẫy ở Tây Nguyên, con cái gửi cho ông bà ở quê. Tôi nhớ như in, năm 2008, gia đình khó khăn quá, gạo không có ăn, tôi đi mua thiếu. May sao có chị Liên, chị đồng ý cho tôi nợ, cứ bảo khi nào có thì trả. Ân tình đó tôi không bao giờ quên được và nhớ mãi lúc mình đói khổ, một nắm gạo cũng thật đáng quý.
Từng chạy ăn từng bữa nên đến khi cuộc sống dần ổn định hơn, chị Ly nghĩ ngay đến việc làm từ thiện giúp đời. “Năm 2018, vợ chồng tôi xây được ngôi nhà khang trang hơn và đó cũng là dấu mốc tôi bắt đầu san sẻ, giúp những người khó khăn. Tôi học cách tiết kiệm, mỗi ngày tiền lãi đi chợ, tôi sẽ trích ra một ít để dành. Nhờ thế, mỗi năm cũng tiết kiệm gần chục triệu đồng để trao quà cho người nghèo”, chị Ly cho biết.
Chị Ly thường xuyên mua gạo, thức ăn hỗ trợ người già có hoàn cảnh neo đơn tại địa phương. Nhiều năm qua, cụ bà Nguyễn Thị Thức, ở thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long luôn nhận sự hỗ trợ gạo của chị Ly. Vài tháng, chị Ly lại mang đến nhà bà Thức 30 - 40kg gạo và ít thịt, cá để cải thiện bữa ăn. "Chị em tôi không chồng, không con, sống rất hiu quạnh. Nhờ cô Ly thường xuyên đến thăm, giúp đỡ nên cuộc sống vơi bớt khó khăn, được an ủi phần nào", bà Thức xúc động nói.
Chị Ly bảo rằng, giúp đỡ người khác chính là mang đến niềm vui, sự an yên cho mình. Tôi tiêu xài, mua sắm cho bản thân thì thấy tiếc, nhưng cứ giúp đỡ được người yếu thế, khó khăn thì bao nhiêu cũng chẳng thấy đủ. Tôi từng nghèo khó, cũng may nhờ tình thương, sự giúp đỡ của chị Liên bán gạo mà tôi mới vượt qua được lúc gian khó, thế nên tôi cũng mong giúp đỡ được nhiều người. Hãy cứ cho đi, rồi sự tốt đẹp, tử tế sẽ được nối tiếp và còn mãi trong cuộc đời này.
Dù bận rộn mưu sinh, chăm lo cho gia đình, song chị Ly là hội viên năng nổ của Hội LHPN xã. Chị luôn cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia các hoạt động, phong trào phụ nữ ở địa phương. Chủ tịch Hội LHPN xã Tịnh Long Đỗ Thị Dung cho biết: Chị Ly là tấm gương phụ nữ tiêu biểu, điển hình ở địa phương về sự cần cù trong lao động, xây dựng gia đình hạnh phúc và nghĩa cử sống tốt đẹp, nhân ái. Chị thường xuyên góp sức, góp tiền để nấu “Nồi cháo yêu thương” và hỗ trợ trao nhiều suất quà cho phụ nữ, trẻ em nghèo ở địa phương.