Bước tiến giảm nghèo ở Vị Xuyên
Là một trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) quan trọng với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hỗ trợ hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững. Huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đã chủ động, quyết liệt, linh hoạt trong triển khai các dự án giảm nghèo với nhiều kết quả ấn tượng.
Năm 2023, gia đình anh Lù Seo Sính, thôn Ngọc Hà, xã Ngọc Linh là hộ nghèo, được hỗ trợ 15 triệu đồng từ dự án đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo bền vững theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Anh Sính đầu tư mua trâu sinh sản, được tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, chống rét cho trâu.
Nhờ chăm chỉ, chịu khó chăm sóc, sau một năm, trâu nhà anh Sính đã sinh sản thêm được một nghé con. Anh Sính chia sẻ: “Gia đình tôi là hộ nghèo, thiếu đất sản xuất, thiếu lao động, được hỗ trợ mua trâu từ chương trình giảm nghèo của Nhà nước, tôi rất mừng. Đến nay trâu đã sinh thêm được một con nghé, tôi sẽ cố gắng chăm sóc tốt để vươn lên thoát nghèo theo đúng cam kết khi tham gia thực hiện chương trình”. Cùng với gia đình anh Sính, thôn Ngọc Hà có 7 hộ nghèo và cận nghèo tham gia thực hiện dự án chăn nuôi trâu sinh sản với tổng số tiền 100 triệu đồng; hiện đã có 3 trâu sinh nghé con và 2 hộ nghèo vươn lên cận nghèo.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2022 - 2023, huyện Vị Xuyên được giao tổng nguồn vốn sự nghiệp trên 17 tỷ đồng; đã giải ngân đạt 85,4%. Huyện tập trung phân bổ kinh phí, chỉ đạo các phòng chuyên môn thẩm định, triển khai 46 dự án phát triển sản xuất cộng đồng; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở; chú trọng tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện chương trình cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Các dự án giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ như Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng; đã triển khai thực hiện 29 dự án với 407 hộ tham gia gồm: 12 dự án nuôi trâu, bò sinh sản và thương phẩm; 8 dự án nuôi lợn đen thương phẩm; 5 dự án nuôi lợn nái sinh sản; 3 dự án nuôi dê thương phẩm; 1 dự án phát triển giống gà H’mông.
Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng nguồn vốn trên 3,8 tỷ đồng; thực hiện 17 dự án với 186 hộ tham gia, giải ngân đạt 86,3%. Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững đã tổ chức đào tạo nghề được 59 lớp/1.888 học viên, có khoảng 80% học viên sau đào tạo được giải quyết việc làm; huyện đã tổ chức 149 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 14.200 lao động, tạo việc làm cho 3.700 lao động; tích cực thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đẩy mạnh truyền thông và giảm nghèo về thông tin, giúp người dân nâng cao hiểu biết, ý thức vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân, công tác giảm nghèo của huyện có bước tiến nổi bật. Năm 2023, toàn huyện đã giảm được 6,43% hộ nghèo (1.703 hộ) và giảm 4,14% hộ cận nghèo (1.609 hộ) so với năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 22,12% và hộ cận nghèo còn 12,23%. Trưởng phòng LĐ,TB&XH Vị Xuyên, Nguyễn Ngọc Bài chia sẻ: “Năm 2024, huyện đặt mục tiêu giảm 4,2% hộ nghèo, tương đương với 1.115 hộ, tạo việc làm mới cho 3.550 lao động. Để hoàn thành mục tiêu, huyện tập trung các giải pháp trọng tâm như huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo về sinh kế, việc làm, học nghề, nhà ở, y tế, tiếp cận thông tin, đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo trong kế hoạch thoát nghèo năm 2024 được hỗ trợ trực tiếp từ các chương trình, dự án. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức để hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo; nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả”.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giảm nghèo, tuy nhiên trong hành trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thành công lớn nhất của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang chính là nâng cao nhận thức và khơi dậy khát vọng vươn lên thoát nghèo cho các hộ nghèo. Để các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của nhà nước thực sự là chiếc “cần câu” giúp công tác giảm nghèo thực sự hiệu quả, bền vững.