Từ nạn nhân của tục "bắt vợ", cô gái dân tộc Mông trở thành luật sư bảo vệ phụ nữ
"Cứu con, cứu con, bố ơi, con thật sự chưa muốn lấy chồng, do hôm qua họ cưỡng ép kéo con về thôi, con muốn về nhà, con muốn thi đại học". Đó là lời cầu cứu của Sùng Thị Sơ trong lần thứ ba em bị trai bản "bắt vợ".
Ba lần trốn thoát khỏi những cuộc "bắt vợ"
Sùng Thị Sơ, cô gái dân tộc Mông sinh năm 2002, quê huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Kể từ cấp 2 tới khi trở thành sinh viên năm nhất Trường Đại học Luật Hà Nội, Sơ lúc nào cũng sống trong thấp thỏm, bởi rất có thể đột nhiên em sẽ bị người lạ "bắt về làm vợ".
Sùng Thị Sơ chia sẻ, người Mông có tục "bắt vợ" hay "kéo vợ". Phong tục này là nghi lễ trước khi kết hôn của các cặp đôi yêu nhau. Khi mà ưng nhau rồi thì họ sẽ về với nhau. Nhưng có nhiều người đã lợi dụng phong tục này để “bắt” người nữ về làm vợ khi chưa có sự đồng ý.
Lần đầu tiên Sơ bị người lạ "bắt vợ" là năm lớp 8. Lần thứ 2 là năm em chuẩn bị vào lớp 10, cách đúng ngày nhập học 1 ngày thì em bị "kéo" đi "làm vợ". Nhưng trong cái rủi cũng có cái may, những lần đó Sơ đều trốn được.
Phải kể tới lần thứ 3 bị "bắt vợ", cũng là lần Sơ cảm thấy sợ hãi nhất. Năm 2020, chỉ còn cách ngày thi đại học có mấy tháng, cô gái người Mông sẽ được hoàn thành ước mơ vào giảng đường đại học. Nhưng chiều tối hôm đó, có hai người lạ mặt vào nhà rủ Sơ đi chơi. Thấy không có người ở nhà, hai người này đã bất ngờ bế cô đi, bị tịch thu điện thoại, mặc cho van xin, khóc lóc, vẫy vùng.
Ngay tối hôm đó, Sùng Thị Sơ bị nhốt, bị đánh đập vì ra sức phản kháng. Sơ biết rằng, dù khó khăn đến mấy cũng phải trốn, vì mình sẽ không thể nào bỏ học và ở với đối phương như vậy được.
"Cứu con, cứu con, bố ơi, con thật sự chưa muốn lấy chồng, do hôm qua họ cưỡng ép kéo con về thôi, con muốn về nhà, con muốn thi đại học, giờ con không biết phải làm gì nếu bố mẹ không giúp con." bố là người đầu tiên em gọi điện cầu cứu khi nắm được cơ hội trốn khỏi người đàn ông đã bắt mình.
Khi ấy, bố Sơ dặn chỉ cần có bản lĩnh trốn được về nhà trong hai ngày đầu tiên bố mẹ sẽ bảo vệ con. Bởi theo tập tục, bị kéo về làm vợ sẽ phải ở nhà trai 3 hôm. Sau đó mới qua nhà gái dạm ngõ, ăn hỏi. Nếu trong 3 ngày này không trốn về đồng nghĩa "gạo nấu thành cơm rồi".
"Sau khi nhận được sự ủng hộ từ bố mẹ thì bản thân em không do dự nữa, và em quyết định sẽ phải quay trở về bằng mọi giá nên đã cầu cứu người đi đường, sau đó đã có một chú giúp đỡ em" - Sơ kể lại.
Bị "kéo vợ" tới ba lần mà vẫn chưa chịu lấy chồng, Sơ bị dân làng dị nghị, thậm chí dè bỉu. Họ cho rằng cô là đứa con gái có vấn đề, sau này chẳng ai ngó ngàng tới. Thậm chí có người trong bản còn mắng bố mẹ cô để con gái học cao, không giúp đỡ được cho gia đình bởi học cao rồi cũng phải đi lấy chồng thôi.
"Dù bị "bắt vợ", bị dân bản dị nghị nhưng em luôn tin chắc rằng đây không phải là cuộc sống mình hằng mong ước. Em khao khát được đi học, đi tìm con chữ, tìm cách để phát triển chính mình, ít nhất là tự chủ cuộc đời của chính mình!" - Sùng Thị Sơ khẳng định.
Học Luật để bảo vệ mình và phụ nữ đồng cảnh ngộ
Mỗi lần thoát cảnh bị "bắt vợ" là một lần ý chí, sự kiên cường, lòng quyết tâm học tập của Sùng Thị Sơ được trui rèn.
Chỉ mấy sáng sau lần "bắt vợ" thứ 3, được bố mẹ khích lệ, các thầy cô động viên, hướng dẫn tận tình cùng với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, Sùng Thị Sơ đỗ ngành Luật của Trường Đại học Luật Hà Nội với số điểm 28.25 điểm khối C00.
Sùng Thị Sơ chia sẻ: "Từ nhỏ em đã chứng kiến quá nhiều gia đình không hạnh phúc. Bạn bè xung quanh đi lấy chồng rất sớm, dưới 16 tuổi và gần như đều sẽ bỏ chồng hoặc chồng bỏ. Cuộc sống đã nghèo còn đèo bòng 2, 3 con rất khổ cực, không chắc kiến thức về nuôi dạy con, rồi ảnh hưởng tâm sinh lý sau sinh, rồi áp lực tài chính.
Rất nhiều bạn nữ người dân tộc muốn tìm sự giúp đỡ nhưng họ không biết tìm ai, cũng không có ai để chia sẻ, thậm chí một số bạn còn không nói được tiếng phổ thông.
Vì vậy em khao khát trở thành một luật sư để có thể đem lại sự công bằng, văn minh hơn đến với bản làng của mình, giúp đỡ được những nạn nhân cùng cảnh ngộ để vượt qua mọi định kiến".
Theo Sơ, khi đi học, điều khó khăn nhất là vấn đề ngôn ngữ, học tiếng Việt từ căn bản nhất quả thật rất khó. Vấn đề kinh tế cũng là một thử thách với Sơ. Học phí, phí sinh hoạt tại Hà Nội là một khoản đau đầu.
Gia đình nghèo và đông anh em, nên giải pháp của Sơ là vừa học vừa làm, thậm chí có những thời điểm làm 4, 5 công việc để đủ chi trả chi phí của mình.
Khi đối mặt với nhiều khó khăn trong lúc học tập, Sơ vẫn luôn cố gắng vượt qua vì cô biết phía sau bố mẹ em luôn ủng hộ. Sơ cũng tự nhủ hãy luôn giữ tinh thần lạc quan và quyết tâm, tin tưởng rằng nếu mình cố gắng thì mình có thể tạo ra những thay đổi tích cực trong tương lai.
Học đại học Sơ gặp được nhiều người có chung định hướng và mong muốn cho tương lai mà ở đó trẻ em gái đều có thể tự tin thực hiện ước mơ, tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống. Ví dụ như các bạn trong Ban tham vấn thanh niên của Plan International, Sơ cảm thấy không đơn độc trên hành trình của mình và có thể học hỏi thêm nhiều từ chính các bạn đó.
Quá trình học tập và hoạt động xã hội của mình, Sùng Thị Sơ đã được nhận bằng khen của Ủy ban Dân Tộc tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm học 2019 - 2020.
Ngoài ra, cô gái dân tộc Mông còn đạt giải Nhất Cuộc thi viết về những trải nghiệm của người phụ nữ. Bên cạnh đó, Sùng Thị Sơ trở thành Trưởng Ban Nhân sự, Ban Tham vấn Thanh niên khóa 2 từ năm 2022 – mô hình được xây dựng và vận hành bởi Plan International Việt Nam; là 1 trong 2 Đại diện Việt Nam tại Hội thảo về phòng chống tảo hôn cấp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Nepal); 1 trong 15 thành viên Đông Nam Á của Quỹ Spark thuộc Quỹ Trẻ em Toàn cầu; Đại biểu các hội nghị như: Sáng kiến Thanh Niên Tiên Phong của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc, Bàn tròn Thanh Niên về phát triển số 16 của Liên Hợp Quốc.
Hiện tại, Sùng Thị Sơ cũng là là đại sứ truyền thông cho Thử thách “Tuổi trẻ Đáng giá” giúp nâng cao nhận thức cộng đồng đẩy lùi nạn tảo hôn/kết hôn sớm. Với câu chuyện của mình, Sơ đã lên tiếng để tiếp thêm động lực cho các em gái vùng sâu vùng xa: "Được đi học, được tôn trọng và tự do lựa chọn trong hôn nhân".
Cuối năm 2023 vừa qua, Sùng Thị Sơ đã bảo vệ thành công khoá luận tốt nghiệp tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Nhìn lại chặng đường đã đi, Sùng Thị Sơ cảm thấy bản thân may mắn và trưởng thành hơn rất nhiều.
Cô gái người Mông tin rằng, “giáo dục là chìa khóa” để mỗi chúng ta có thể tiếp cận với tri thức. Chỉ có giáo dục mới thay đổi được tư duy, những quan điểm của chúng ta xem nó còn phù hợp với thời thế không hay đã đến lúc thay đổi theo cách văn minh hơn. Và chỉ giáo dục mới giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thoát khỏi những tập tục lạc hậu.