Đời sống xã hội

Mong ngóng từ... Tắk Pỏ

THIỆN TÙNG 11/03/2024 - 08:38

Từ nhiều năm trước, danh xưng “thị tứ Tắk Pỏ” - vì yêu thích, hay lẫn mong muốn, đã được nhiều người hay dùng để nhắc về một đô thị ở huyện vùng tây của tỉnh Quảng Nam.

z5221222400062_1f5a900873c69ed5d32e89b8f8256b78.jpg
Tắk Pỏ - phố núi trong nhịp sống. Ảnh: T.T

Nam Trà My đang phấn đấu để đến năm 2025 có xã Trà Mai được công nhận là thị trấn, trong đó Tắk Pỏ là khu vực trung tâm...

Phố núi trong nhịp sống…

Ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói, kế hoạch của địa phương là xây dựng Trà Mai thành thị trấn. Nhiều năm nay, Trà Mai đang cố gắng để từng ngày hiện thực hóa giấc mơ phố thị.

Tôi lượn vài vòng xe quanh Tăk Pỏ - khu vực trung tâm xã Trà Mai, ngắm nhìn phố núi thân thương. Ký ức những ngày đầu rũ bụi phố để tìm theo tiếng gọi Ngọc Linh, cứ lũ lượt ùa về.

Tắk Pỏ - từ một ngôi làng bình lặng của người Ca Dong, suối thác biêng biếc, róc rách thâu đêm. Điểm đầu là chiếc cầu treo đi qua làng Tăk Nầm, chạy ngược lên đến cầu nhỏ qua Nước Là, đi Trà Don. Vậy mà sau hai mươi năm, Tăk Pỏ đã xô bồ, nhộn nhịp không kém người anh em Bắc Trà My cách mình gần 50 cây số.

Chạy xe một mạch từ ngã ba khu trung tâm triển lãm sâm Ngọc Linh, theo hướng ĐH10, giáp lại một vòng tròn sẽ gặp điểm xuất phát trên quốc lộ 40B.

Đâu đó chưa đầy 15 phút xe máy, có thể hình dung về hình hài Tăk Pỏ. Hình hài ấy được điểm tô bằng loạt căn nhà cấp 4, chen chúc nhau trên quỹ đất hạn hẹp. Những khu dân cư lúp xúp, san sát núi non.

Bình minh lên, Tăk Pỏ nhộn nhịp. Tiếng đài phát thanh văng vẳng từ 5 giờ sáng. Trên đường, huyên náo bởi hàng dài những người mê thể thao buổi sớm.

Đồng hồ điểm 7 giờ, cũng là lúc những chuyến xe khách đầu tiên vừa lăn bánh tới Tăk Pỏ, đưa người từ xuôi ngược núi mưu sinh. Còi xe, tiếng người rao bán hàng, làm sáng bừng lên một Tăk Pỏ hiện đại giữa núi.

Nhờ dịch vụ lưu trú phát triển, chất lượng nghỉ dưỡng được cải thiện. Mấy năm nay, ô tô, xe khách đi ngang, thường hay trú lại Tăk Pỏ.

Những thương hiệu “độc tôn” trong lĩnh vực khách sạn, siêu thị, cửa hàng gia dụng, điện tử, xe máy… cũng trở thành dĩ vãng, khi các cửa hàng khác cùng ngành, thi nhau mọc lên. Người dân Tăk Pỏ, đôi lúc cảm thấy choáng ngợp với những cuộc chạy đua ấy.

Đêm xuống, Tăk Pỏ càng trở lên lung linh. Tôi thích ngắm Tăk Pỏ về đêm qua những bức ảnh của Phan An, một người trẻ đam mê khám phá núi rừng Trà My. Trong tác phẩm của anh ấy, Tăk Pỏ có dáng vẻ hào nhoáng nhưng vẫn thơ mộng và bình yên kỳ lạ. Điện đường thắp sáng các triền đồi. Những màu xanh, đỏ của bảng hiệu điện tử, nhấp nháy trên những cây cầu nối phố với các xã vùng cao...

Chờ được công nhận

Với những người công tác ở Tăk Pỏ suốt hai mươi năm qua, tôi không dám tự ý nói về tình cảm của họ với nơi phố núi này. Nhưng họ đã chứng kiến sự đổi thay, đi lên của của một thị tứ từ đơn sơ, trở thành huyện lỵ của Nam Trà My.

Nhiều lớp người đi trước dù đã chuyển công tác về đồng bằng, nhưng có vẻ, họ vẫn còn nặng lòng với Tăk Pỏ. Mà cũng có khi sẽ là nỗi lòng của tôi ở tương lai?

Chẳng phải tự nhiên, tôi có một buổi chiều lượn lờ quanh Tăk Pỏ, để ngắm nhìn cảnh vật, con người nơi đây. Suốt chặng đường ấy, trong đầu tôi mải nhớ đến câu nói của ông Trần Văn Mẫn: “Sẽ không còn dùng danh xưng Tăk Pỏ nữa, mà là thị trấn Trà Mai, vì đó là quy định”.

Từ khi mảnh đất này được chọn làm trung tâm hành chính của huyện Nam Trà My, cái tên “thị tứ Tăk Pỏ” mới ra đời. Nhưng để được công nhận thị trấn, phải đảm bảo đủ các điều kiện về diện tích, dân cư, được công nhận đô thị loại V trở lên và các quy định khác về phát triển kinh tế - xã hội. Trà Mai cũng không ngoại lệ.

Từ vùng lõi Tăk Pỏ đến các thôn khác của xã còn cách trở núi non. Đời sống người dân cũng có sự chênh lệch, hạ tầng giao thông, viễn thông, sắp xếp dân cư còn chưa tương xứng. Nên phải đầu tư khá nhiều để cả Trà Mai chung một vận mệnh mang tên thị trấn.

Dù vậy, thành lập thị trấn Trà Mai là mục tiêu quan trọng và có ý nghĩa hết sức to lớn, không chỉ đối với người dân nơi này, mà với cả huyện Nam Trà My.

“Với điều kiện hết sức khó khăn, nhưng huyện đã dùng rất nhiều nguồn lực để đầu tư, xây dựng thị trấn của miền núi, đáp ứng được yêu cầu phát triển của huyện, kể cả quy hoạch chung của tỉnh.

Kết cấu hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật, viễn thông, bưu chính đã được hoàn thiện. Bên cạnh đó, đời sống người dân được nâng lên, đảm bảo tiêu chí thu nhập, hộ nghèo được thoát nghèo bền vững. Riêng giai đoạn 2024 - 2025, huyện sẽ hoàn thiện hồ sơ để đề nghị tỉnh công nhận thị trấn Trà Mai vào năm 2025” - ông Mẫn nói.

THIỆN TÙNG