Đặc sản tung lò mò của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm ở An Giang
Đồng bào dân tộc thiểu số Chăm ở An Giang theo đạo Hồi, không ăn thịt heo, nên chế biến ra món tung lò mò, còn gọi là lạp xưởng bò để sử dụng phổ biến trong bữa ăn. Sự độc đáo và vị thơm ngon riêng biệt đã đưa món ăn này vượt khỏi giới hạn văn hóa cộng đồng, trở thành đặc sản được nhiều thực khách ưa chuộng.
Một bữa cơm hội tụ “tinh hoa đặc sản” đồng bào dân tộc thiểu số Chăm đãi khách sẽ không thể thiếu món tung lò mò, đặt cạnh là cà ri, cơm cà púa… Nếu may mắn, phải đúng ngay những dịp lễ mới được ăn cùng lúc các món ngon này hoặc đặt hàng theo tour du lịch trải nghiệm ở làng Chăm.
Riêng món tung lò mò, muốn thưởng thức lúc nào cũng có. “Tung” nghĩa là ruột, “lò mò” là thịt dồn vào trong ruột, chế biến từ thịt bò tươi, chọn ngon nhất là phần thịt đùi, bắp, nạc đã lóc sạch gân. Nguyên liệu sau đó được xay hạt lựu, ướp gia vị theo tỷ lệ phù hợp và cũng là bí quyết riêng của từng người làm. Trong đó, tiêu, hoa hồi, lá cà ri sẽ giúp khử mùi, tạo hương thơm khác biệt của món ăn.
Hỗn hợp thịt mỡ sau khi dồn vào ruột bò, cột thành khúc sẽ được rửa dưới vòi nước ấm để loại bỏ hết phần mỡ thừa bám lớp ngoài rồi đem phơi. So với cách làm thủ công trước đây, ngày nay quy trình sản xuất tung lò mò đã có máy móc hỗ trợ, nhanh chóng và tiện lợi hơn.
Sau khi phơi vừa ráo, tung lò mò lập tức đem cấp đông để giữ độ tươi nguyên.
Tung lò mò nếu có điều kiện thì thưởng thức nướng trên lửa hồng sẽ thơm ngon hơn hẳn. Nếu không, có thể chiên bằng nước hoặc dầu. Vị ngọt mặn, thơm béo của thịt bò, cay nồng của tiêu và các gia vị đặc trưng khi ăn với cơm, bánh mì, kẹp rau sống… đều cho thực khách cảm nhận được đủ dư vị lạ miệng.
Ở làng Chăm xã Châu Phong (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang), sản phẩm tung lò mò gắn liền với thương hiệu Anas của gia đình ông Hứa Hoàng Vũ. Cơ sở của ông đưa sản phẩm độc đáo của đồng bào tiêu thụ rộng khắp, kể cả nước ngoài và đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Được sự đón nhận và đánh giá cao của khách hàng, cơ sở vẫn chú trọng tiêu thụ trong nước nhiều hơn. Hiện nay, xưởng sản xuất còn gắn kết với các hộ trong làng Chăm tổ chức chuỗi hoạt động trải nghiệm du lịch để quảng bá, thu hút du khách tìm hiểu nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm Islam tại An Giang.