Điểm tựa pháp lý cho người dân tộc thiểu số và yếu thế
Nhằm giúp người dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhất là đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số và những người yếu thế… Những năm qua, công tác Trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được tích cực triển khai, góp phần tạo sự bình đẳng, công bằng xã hội.
Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới ở phía Tây Bắc, có địa bàn rộng, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về các vấn đề pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế nên hoạt động TGPL đóng vai trò rất quan trọng.
Nhằm giúp người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, những năm qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Sơn La đã tích cực triển khai nhiều hoạt động TGPL miễn phí cho người dân, tham gia giải quyết nhiều vụ việc một cách khách quan, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Giúp mọi người dân bảo vệ quyền bình đẳng trước pháp luật, không những vậy còn giúp họ nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật.
Ông Đặng Văn Quảng, Phó giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh Sơn La cho biết: Những năm qua, nhằm giúp người dân tiếp cận pháp lý và bình đẳng trước pháp luật, Trung tâm TGPL tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh các hoạt động TGPL cho những đối tượng được trợ giúp, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế trong xã hội…
Cùng với đó, Trung tâm cũng tham gia tố tụng, bào chữa rất nhiều vụ việc nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng, giúp cho việc giải quyết các vụ án được công khai, minh bạch, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.
Mỗi năm Trung tâm tiếp nhận và thực hiện hàng trăm vụ việc, số vụ việc tăng dần qua các năm, năm sau tăng hơn năm trước, trong đó đa số là các vụ việc liên quan đến hoạt động tố tụng, nhiều đối tượng thuộc diện là người yếu thế và người dân tộc thiểu số.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận các với hoạt động TGPL và giảm thời gian và chi phí đi lại. Thời gian qua, hoạt động tuyên truyền pháp luật về TGPL đã được triển khai rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Sơn La. Các cơ quan, đơn vị đã phối hợp tổ chức nhiều buổi tuyên truyền TGPL lưu động tại các địa phương, nhất là tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới đặc biệt khó khăn.
Theo ông Quảng chia sẻ: Người được TGPL trong các vụ án hầu hết đều là người nghèo, người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách… cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ hiểu biết pháp luật rất hạn chế, nhiều trường hợp không biết chữ và không thông thạo tiếng phổ thông.
“Để người dân được tiếp cận TGPL kịp thời, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Trung tâm TGPL còn thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân tại trụ sở cơ quan, duy trì đường dây nóng về TGPL, công bố số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo cho người dân dễ dàng tiếp cận, liên hệ khi có nhu cầu”, ông Quảng chia sẻ.
Quá trình thực hiện TGPL không chỉ giúp người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, mà còn giúp họ hiểu nhiều hơn các vấn đề liên quan đến pháp luật, cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Qua đó, người dân có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ pháp lý miễn phí, đây là hoạt động thể hiện giá trị đạo đức và tính nhân văn cao cả trong việc bảo vệ quyền lợi của mỗi công dân, tạo sự bình đẳng, công bằng xã hội.
Có thể nói, hoạt động TGPL có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực, là điểm tựa vững chắc về pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân mỗi khi gặp vướng mắc về pháp ý. Giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.