Văn hóa

Rộn ràng Ngày hội hoa sơn tra trên rẻo cao Ngọc Chiến

Quốc Định 10/03/2024 - 10:11

Ngày 9/3, tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã diễn Ngày hội hoa sơn tra Mường La năm 2024 trong không khí rộn ràng, vui tươi. Đây là thời điểm cây sơn tra bên những triền đồi, ngọn núi hay nương đồi, góc vườn… bắt bung nở rực rỡ, mang một sắc trắng tinh khôi quyến rũ, thời điểm lý tưởng để du khách đến thăm quan, trải nghiệm.

10-3-1-hoa-son-tra.png
Hoa Sơn tra nở trắng muốt bên sườn đồi, ngọn núi.

Ngay từ sớm, trên các ngả đường vào xã Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) từng đoàn người tấp nập, di chuyển vào nơi diễn ra ngày hội. Hình ảnh những chàng trai, cô gái Thái, Mông… với trang phục đặc trưng riêng có, hòa quyện tạo nên sắc màu rực rỡ. Những bước dân thoăn thoắt xen lẫn tiếng cười, tiếng nói xóa tan bầu không khí yên tĩnh nơi miền sơn cước.

10-3-2-hoa-son-tra.png
Đông đảo du khách và người dân đến thăm quan, trải nghiệm tại Ngày hội hoa sơn tra.

Sau đêm khai mạc diễn ra ngày 9/3, du khách được hòa vào không gian văn hóa độc đáo các dân tộc Thái, Mông… chiêm ngưỡng những điệu nhảy, điệu múa cùng những bài khèn Mông âm điệu một thời vang vọng núi rừngTây Bắc, nay cất lên trong Ngày hội hoa sơn tra, tô thêm nét văn hóa độc đáo của người nông dân gắn với cây sơn tra, tạo nên sự náo nhiệt của Ngày hội, làm xao xuyến níu lòng du khách.

10-3-3-hoa-son-tra.png
Hoa Sơn tra là loài hoa thể hiện sự dung dị, mộc mạc, biểu tượng cho sức sống bền bỉ, kiên cường của đồng bào dân tộc Mông. Mùa hoa sơn tra thường bắt đầu từ giữa tháng 2 và kéo dài đến đầu tháng 4 dương lịch, thời điểm hoa sơn tra bung nở đẹp nhất là tháng 3.
10-3-4-hoa-son-tra.png
Những tiết mục văn nghệ tại biểu diễn tại Ngày hội hoa sơn tra.
10-3-5-hoa-son-tra.png
Đặc biệt, trong ngày khai mạc Ngày hội còn diễn ra Lễ công bố Chứng nhận bảo hộ độc quyền ngày hội và Chứng nhận rừng hoa sơn tra lớn nhất cả nước. Tiếp đó là trải nghiệm các hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian.
10-3-6-hoa-son-tra.png
Cùng với đó là các hoạt động như trưng bày, giới thiệu gian hàng sản phẩm nông nghiệp, văn hóa, sản phẩm OCOP; thi ẩm thực cộng đồng; trưng bày ảnh đẹp văn hóa, du lịch vùng Tây Bắc, trình diễn bay dù lượn... cùng nhiều hoạt động trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, tại bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, góp phần quảng bá hình ảnh cây sơn tra đến các vùng miền.
10-3-7-hoa-son-tra.png
Các cô gái dân tộc Mông rủ nhau lên rừng sơn tra chụp ảnh lưu lại những khoảnh khắc đẹp mùa hoa sơn tra nở.
10-3-8-hoa-son-tra.png
Người dân xem tranh vẽ về bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến.
10-3-9-hoa-son-tra.png
Cuộc thi giã bánh giầy tại bản Nậm Nghẹp.
10-3-10-hoa-son-tra.png
Nằm ở độ cao trung bình 2.200m so với mực nước biển, cách trung tâm xã Ngọc Chiến hơn 10km, Nậm Nghẹp - được ví là Thiên đường hoa Sơn tra của Ngọc Chiến. Tại đây, có hơn 1.600 ha cây sơn tra; trong đó, khoảng 800 ha là cây cổ thụ với tuổi đời từ 300 - 500 năm.
10-3-11-hoa-son-tra.png
Ngày hội, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trong khu vực, tôn vinh nét đẹp của cảnh sắc hoa sơn tra bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến gắn với nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
10-3-12-hoa-son-tra.png
Trao bằng công nhận “Xã có rừng hoa sơn tra lớn nhất Việt Nam” cho lãnh đạo xã Ngọc Chiến.
10-3-13-hoa-son-tra.png
Ngày hội hoa sơn tra cũng nhằm quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc Mông bản Nậm Nghẹp, vẻ đẹp Ngọc Chiến đến với du khách trong và ngoài nước. Từ đó, thu hút du khách đến trải nghiệm, thưởng thức, tìm cơ hội đầu tư, giao lưu, hợp tác phát triển và hội nhập.
10-3-14-hoa-son-tra.png
Ông Phùng Mạnh Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết: Ngày hội năm nay sẽ tạo cơ hội và điều kiện tốt nhất giúp kết nối mọi người, kết nối cộng đồng, kết nối các công ty, du khách cùng trải nghiệm và tìm kiếm cơ hội đầu tư khai thác các tài nguyên du lịch của huyện Mường La. Cùng với đó, góp phần quảng bá, gìn giữ những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc vùng cao đến với người dân cả nước và quốc tế.
10-3-15-hoa-son-tra.png
Ngày hội hoa sơn tra còn là dịp để bà con các dân tộc đến gặp gỡ, giao lưu, đoàn kết, gắn bó với nhau. Không khí sôi động không chỉ cuốn hút bước chân du khách gần xa, mà còn thu hút đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn về tham dự.

Quốc Định