Kinh tế

Phát triển du lịch vùng cao mang lại lợi ích kép

HỮU PHÚC 10/03/2024 - 08:19

Hai huyện vùng cao A Lưới và Nam Đông (Thừa Thiên Huế) có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đa dạng về văn hóa là tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Việc đưa ra các chiến lược thúc đẩy du lịch nơi đây vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Phát triển du lịch tạo ra nhiều giá trị

Có mặt ở các phiên chợ vùng cao tại A Lưới gần đây, chúng tôi thấy sự xuất hiện nhiều hơn của khách du lịch. Họ đến chợ phiên không chỉ mua sắm các sản vật vùng cao mà còn hòa mình vào các trải nghiệm văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Anh Cao Thiên Dũng, một du khách từ Phú Yên chia sẻ: “Mỗi trải nghiệm ở A Lưới đều mang lại nhiều thú vị trong hành trình đến Huế. Mảnh đất, con người, văn hóa nơi đây có những nét đặc trưng riêng và tạo ra những sắc màu mới trong trải nghiệm du lịch”.

phat-trien.jpg
Các hoạt động văn hóa ở vùng cao là điểm hấp dẫn du khách.

Những năm gần đây, việc khai thác các giá trị di sản văn hóa vùng dân tộc thiểu số để phục vụ du lịch đang được chính quyền và bà con hai huyện vùng cao đưa vào các tour tuyến, như một cách giới thiệu đến du khách những giá trị văn hóa đặc trưng. Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới chia sẻ, bức tranh du lịch vùng cao A Lưới đang ngày càng sáng hơn. Hiện, toàn huyện có 5 làng du lịch cộng đồng đang hoạt động. Trong đó du lịch cộng đồng A Nôr, A Roàng là điểm du lịch vệ tinh kết nối các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Các cơ sở vật chất phục vụ du lịch, dịch vụ được đầu tư nâng cấp, toàn huyện có 29 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú, các cơ sở cơ bản hoàn thiện các thủ tục pháp lý, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu khách du lịch.

Nhờ triển khai tập huấn cho hàng trăm học viên về nghiệp vụ thuyết minh, ẩm thực, quản lý, điều hành khách, một số lớp về xây dựng du lịch xanh nên người dân dần chuyên nghiệp hóa hơn trong cách làm du lịch. Cũng từ đó, lượng khách đến tham quan tăng nhanh, từ năm 2021 đến gần cuối năm 2023 đạt gần 130.000 lượt, doanh thu khoảng 16,8 tỷ đồng/năm.

Tại huyện Nam Đông, việc vận dụng điều kiện tự nhiên và giá trị văn hóa vào làm du lịch đã tạo sức hút cho khách thập phương tìm đến nơi đây. Lượng khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm các loại hình dịch vụ du lịch tại huyện Nam Đông trung bình đạt 15.000 lượt khách/năm, trong đó khách lưu trú hơn 5.000 lượt, bình quân doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng/năm.

Theo lãnh đạo hai địa phương, phát triển du lịch đã tạo ra nhiều giá trị, không chỉ quảng bá cho mảnh đất, con người địa phương mà đáng chú ý là tạo sinh kế và cải thiện đời sống cho người dân, giúp họ thoát nghèo. Đồng thời, từ các mô hình làm du lịch hiệu quả đã góp phần gìn giữ nét đẹp bản sắc văn hóa, dân tộc của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Thừa Thiên Huế.

Anh Viên Đăng Phú, quản lý homestay Hương Danh (xã A Roàng, huyện A Lưới) chia sẻ: “Từ bản sắc quê hương, mình làm mô hình du lịch văn hóa, di sản gắn liền với cộng đồng người Tà Ôi, cụ thể là lưu trú, trải nghiệm, ẩm thực… Lượng khách đến trải nghiệm tùy mùa, nhưng mỗi năm cũng đón trên 1.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Không chỉ tạo ra nguồn thu nhập khá cho gia đình mà bà con cũng có công ăn việc làm, thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Điểm hay là từ công việc này, mình được chung tay cùng người dân địa phương gìn giữ được văn hóa, bản sắc quê hương”.

Tạo dấu ấn trong sản phẩm du lịch

Theo nhiều chuyên gia du lịch, hai huyện vùng cao Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế trong việc phát triển du lịch. Trong khi ở một số huyện, thị trong tỉnh khách đến trải nghiệm rồi rời về trong ngày, thì A Lưới, Nam Đông có khả năng giữ chân du khách lưu trú và chi tiêu cho hoạt động du lịch.

Anh Nguyễn Hải Bình, du khách đến từ Khánh Hòa chia sẻ: “Đã rời thành phố, đặt chân đến vùng cao của Huế thì không ngại ở lại trải nghiệm, ở lại vài ngày. Nhưng làm sao để cuốn hút và giữ chân được khách lâu dài thì đó là vấn đề của những người làm du lịch. Mình thấy, đời sống sinh hoạt của người dân, nghề truyền thống, lễ hội và cả ẩm thực vùng cao đều gắn liền với những câu chuyện. Khách có thể bị cuốn vào những câu chuyện đó với một hành trình mà những người du lịch khéo léo sắp xếp”.

Chia sẻ của anh Bình cũng là mong muốn của nhiều du khách mà chúng tôi có dịp trò chuyện, và gợi mở thêm nhiều vấn đề cho chính quyền và người dân vùng cao trong cách làm du lịch. Tài nguyên, yếu tố đặc trưng mang lại sự khác biệt đã có thì quan trọng là làm sao để tạo được dấu ấn sâu sắc trong sản phẩm du lịch để hút khách đến và giữ chân khách ở lại trải nghiệm.

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho rằng, hai huyện vùng cao A Lưới, Nam Đông có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, đặc biệt là dựa vào những nét đặc sắc văn hóa của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngành du lịch và địa phương cũng đang có nhiều giải pháp để đa dạng hơn các sản phẩm du lịch và chuyên nghiệp hơn trong cách làm du lịch để hấp dẫn du khách.

Hiện nay, các địa phương đang sưu tầm, phục dựng nhiều hoạt động trong đời sống văn hóa, lễ hội, sinh hoạt của các đồng bào dân tộc thiểu số, mang lại nét đặc sắc trong cách làm du lịch. Vấn đề là cách khai thác làm sao để biến những tài nguyên ấy thành tour du lịch, sản phẩm du lịch thì rất cần sự hợp lực từ các cơ quan quản lý, địa phương và đặc biệt là ý tưởng từ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nên khai thác sâu những yếu tố tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch gắn với những câu chuyện thú vị và hấp dẫn để khách khám phá.

HỮU PHÚC