Đời sống

Hỗ trợ nâng cao vị thế cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số

Thanh Huyền 09/03/2024 - 07:23

Thực hiện Chương trình hợp tác giữa Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh với Tổ chức Plan International, từ tháng 9/2022, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam triển khai Chương trình “Bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ, trẻ em gái dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Trị” (gọi tắt là dự án GEM).

Chương trình được triển khai thực hiện trong 5 năm tại địa bàn 5 xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Hướng Hóa là: A Dơi, Xy, Thanh, Thuận và Húc, hướng tới mục tiêu nâng cao vị thế kinh tế và xã hội cho phụ nữ, trẻ em gái dân tộc thiểu số (DTTS) để được học tập, phát triển, không còn phải chịu bất kỳ hình thức bạo lực nào trong cuộc sống, trường học và tại cộng đồng.

Được học tập bình đẳng

Cùng với sự đồng hành của Tổ chức Plan International Quảng Trị, thời gian qua, nhiều mô hình, hoạt động đã được các cấp hội LHPN triển khai đem lại quyền lợi thiết thực, chuyển biến tích cực trong việc nâng cao quyền cho phụ nữ DTTS. Việc triển khai thực hiện dự án GEM là phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển của tỉnh và huyện Hướng Hóa trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo về thực hiện quyền bình đẳng giới (BĐG) của phụ nữ trong các lĩnh vực. Từ tháng 9/2022 đến nay, hội LHPN các cấp đã nỗ lực triển khai hàng loạt các hoạt động trên cơ sở bám sát 3 kết quả chính và nhóm đối tượng ưu tiên tại địa bàn các xã của dự án.

114d5063151t6022l10-anh-thanh-huyen.jpg
Nữ thanh niên hào hứng tham gia khóa đào tạo kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh gia súc, gia cầm tại xã Thuận -Ảnh: T.H

Thực tiễn cho thấy, trẻ em vùng DTTS còn gặp nhiều rào cản, khó khăn trên con đường đến trường, học chữ. Bên cạnh nghèo đói, trẻ em DTTS, đặc biệt là trẻ em gái phải đối mặt với những rào cản khác như: làm việc, nhận thức chưa đầy đủ của gia đình đối với lợi ích của giáo dục, bỏ học giữa chừng, nạn tảo hôn...

Vì vậy, để hỗ trợ, đồng hành với các trường tiểu học và THCS tại địa bàn 5 xã, dự án đã triển khai nhiều hoạt động với mục tiêu các em gái và em trai DTTS từ 11 - 18 tuổi được phát triển trong môi trường học tập thuận lợi và được tăng quyền để có khả năng đưa ra các lựa chọn tích cực trong môi trường học tập bình đẳng và an toàn, tạo tiền đề để các em có thể theo học đến hết bậc trung học và học cao lên, tháo gỡ rào cản lớn đối với việc nâng cao vị thế của các em trong hiện tại và tương lai.

Đến nay, dự án đã tổ chức 5 khóa tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên, dẫn trình viên; 20 lớp tập huấn kỹ năng sinh hoạt cho CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi (CoC); 2 sự kiện truyền thông cho trẻ em dẫn dắt; 2 đợt sáng kiến truyền thông; xây dựng 1 bộ tranh lật truyền thông...

Ngoài ra, còn hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 5 phòng tham vấn tâm lý, 10 CLB CoC tại 5 trường.

“Thông qua các hoạt động nhằm tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến chuẩn mực giới, tảo hôn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên DTTS trong môi trường học đường, Ban Giám hiệu nhà trường nhận thấy dự án có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của các trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Dơi Hồ Sỹ Chẩm chia sẻ.

Giúp thay đổi nếp nghĩ cho nữ thanh niên

Từ bao đời nay, ăn sâu vào nếp nghĩ của chính những thế hệ phụ nữ DTTS là tư tưởng cam chịu, lệ thuộc, không có ý chí độc lập, tự chủ vươn lên, quanh năm luôn làm lụng vất vả trên nương rẫy, lo nội trợ, chăm sóc gia đình. Nhưng ngày nay, đời sống xã hội đang dần thay đổi, suy nghĩ của chị em cũng dần chuyển hướng tích cực, chị em mạnh dạn, tự tin tham gia phát triển kinh tế.

Bám sát kế hoạch của dự án, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 5 khóa tập huấn kiến thức cơ bản về bạo lực trên cơ sở giới; 5 khóa kỹ năng sống về chăm sóc sức khỏe sinh sản; 5 khóa về phòng, chống bạo lực tình dục và tình dục an toàn...cho nữ thanh niên từ 18-24 tuổi. Bên cạnh đó, hội cũng nỗ lực triển khai có hiệu quả 5 nhóm sở thích nuôi dê sinh sản, 5 đợt hướng nghiệp tuyển sinh học nghề, 1 khóa đào tạo kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh gia súc, gia cầm từ chính nhu cầu của các nữ thanh niên.

Việc trao sinh kế, tạo cơ hội học nghề, tạo việc làm, khởi nghiệp vừa góp phần cải thiện vị thế cho phụ nữ, vừa giúp phụ nữ tự tin hơn để làm chủ được cuộc sống, làm chủ kinh tế gia đình. Từ những mô hình điển hình, cá nhân triển vọng, trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện để phát triển có hiệu quả, thành công, truyền cảm hứng tạo động lực cho các chị em học hỏi làm theo.

Xây dựng môi trường sống an toàn

Phát biểu tại buổi đối thoại liên thế hệ về các vấn đề của thanh thiếu niên tại xã, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Hồ Thị Tê chia sẻ: “Chị em chúng ta phải tự thay đổi, thay đổi từ nếp nghĩ đến cách làm, phải vượt qua chính mình, vượt qua định kiến, những quan niệm lạc hậu, tập tục cổ hủ để theo đuổi ước mơ, tạo dựng tương lai tươi sáng hơn cho bản thân”.

Đó cũng chính là kết quả mong đợi hướng tới trẻ em gái DTTS trong độ tuổi từ 11 - 18 được bảo vệ và phát triển trong môi trường bình đẳng và an toàn tại gia đình và cộng đồng.

Với các hoạt động của dự án đã triển khai trong thời gian qua như: 5 đợt truyền thông nâng cao nhận thức cho phụ huynh và học sinh về phòng ngừa tảo hôn, 5 sự kiện truyền thông xóa bỏ rào cản và định kiến giới, 5 đợt đối thoại liên thế hệ, 2 đợt hỗ trợ trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng 1 bộ tranh lật truyền thông... nhiều kiến thức đã được phổ biến tới chị em và các thành viên trong gia đình, từ đó giúp thay đổi tích cực về nhận thức, hành vi của người dân, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, không có bạo lực.

Năm 2024, dự án tiếp tục được triển khai và mở rộng địa bàn tại 4 xã của huyện Đakrông. Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh hiện được phân công chủ trì Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với những mục tiêu và hoạt động tương đồng với dự án GEM đang triển khai.

Tin tưởng rằng cùng với sự hỗ trợ của Tổ chức Plan, sự quyết tâm của cán bộ hội LHPN các cấp, sự quan tâm phối hợp của chính quyền địa phương, ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là nỗ lực tự tin vươn lên của phụ nữ, dự án GEM sẽ tiếp tục được triển khai có hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao vị thế cho phụ nữ vùng DTTS.

Thanh Huyền