Người giữ hồn chiêng cho buôn làng Đắk Phơi
Vừa qua, nghệ nhân Y Krai Cil ở buôn Jiê Yúk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk (Đắk Lắk) vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, bởi Y Krai Cil đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Đây thực sự là niềm vui chung của bà con M’nông ở buôn làng Jiê Yúk và cũng là niềm tự hào của bản thân nghệ nhân Y Krai Cil, người có nhiều công lao trong gìn giữ, phát huy văn hóa cồng chiêng cho Tây Nguyên.
Khi còn nhỏ, nghệ nhân Y Krai Cil đã đam mê tiếng chiêng, điệu múa, lời nói vần (hát kể sử thi) của đồng bào M’nông. Sau đó, ông theo cha, chú học hỏi kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, học những bài cúng thần linh. Đến khi trưởng thành, Y Krai Cil đã thuộc nhiều bài chiêng cổ, nhiều điệu múa, lời nói vần trong các nghi lễ của người M’nông gắn liền với nương rẫy, với vòng đời và mối quan hệ xã hội.
Trong đó có thể kể đến Lễ cúng bến nước, Lễ mừng lúa mới, Lễ mừng trưởng thành, Lễ cúng sức khỏe, Lễ kết nghĩa anh em... Cứ thế, bằng cách học hỏi từ những người già trong buôn làng, Y Krai Cil tích lũy cho mình vốn văn hóa truyền thống M’nông ngày một đồ sộ, ông không chỉ trở thành nghệ nhân tiêu biểu trong diễn tấu, truyền dạy diễn tấu cồng chiêng mà còn là già làng có uy tín ở huyện Lắk.
Mặc dù năm nay đã 77 tuổi nhưng hằng ngày, già làng Y Krai Cil vẫn lên rẫy cà phê tham gia lao động sản xuất. Trên lĩnh vực gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống, nhất là văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Y Krai Cil đã tích cực trong việc khôi phục đội chiêng nam và đội múa nữ của đồng bào M’nông. Đến nay, buôn Jiê Yúk có 1 đội chiêng nam và 1 đội múa nữ, nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào M’nông cũng được khôi phục. Buôn Jiê Yúk được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk trao tặng 1 bộ chiêng.
Bản thân gia đình nghệ nhân Y Krai Cil cũng gìn giữ 2 bộ chiêng quý, trong đó có 1 bộ chiêng cổ được truyền lại từ đời cha ông. Theo nhận định của nghệ nhân Y Krai Cil, khi ông và cháu nội Y Đhin Liêng mang chiêng ra cùng diễn tấu thì thấy âm của bộ chiêng cổ vẫn giữ độ chuẩn xác như những ngày đầu nghệ nhân được ông cha truyền lại.
Giờ đây, nghệ nhân Y Krai Cil vẫn thường đi đến các buôn làng ở huyện Lắk để truyền dạy diễn tấu cồng chiêng; đồng thời tham gia lễ cúng trong các lễ hội hoặc theo lời mời của bà con M’nông ở các buôn xa, làng gần truyền tải thông điệp, nguyện vọng tới thế giới thần linh. Với tâm nguyện không để văn hóa truyền thống Tây Nguyên bị mai một, nghệ nhân Y Krai Cil đã truyền dạy kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, về lời nói vần, những điệu múa cùng niềm đam mê, tinh thần nhiệt huyết với công tác bảo tồn văn hóa M’nông cho con trai Y Tang Liêng và cháu nội Y Đhin Liêng.
Trên bức tường ở gian giữa của ngôi nhà sàn, nghệ nhân Y Krai Cil treo kín những bằng công nhận danh hiệu nghệ nhân; bằng khen, giấy khen của các bộ, ngành, của tỉnh Đắk Lắk... tất cả đều ghi nhận những đóng góp của ông trong việc gìn giữ và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Nghệ nhân Y Krai Cil thực sự là cánh chim không mỏi của buôn làng Đắk Phơi.