Đời sống xã hội

Cao Bằng ưu tiên đầu tư cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Nguyễn Liên - Quang Huy 08/03/2024 - 06:59

Tỉnh Cao Bằng quan tâm triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ kinh tế - xã hội, không chỉ mang lại những đổi thay rõ rệt, nâng cao mức sống của người dân mà còn tạo sức bật, động lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Quan tâm đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Những năm qua, với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi bền vững, tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo đà cho kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh vươn lên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

anh1.png
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Toàn tỉnh Cao Bằng có 1.462 thôn, bản của 161 xã thuộc 10 huyện, thành phố thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình), với 10 dự án, 13 tiểu dự án, 15 nội dung, trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho các xã, thôn thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu. Một trong những huyện có nhiều đồng bào DTTS, sống tại các xã đặc biệt khó khăn là huyện Bảo Lạc, Nguyên Bình.

Huyện Bảo Lạc là huyện vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn, hơn 94% dân số là đồng bào DTTS (gồm 6 dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô). Năm 2022, huyện còn 53,46% hộ nghèo và cận nghèo (đều là người DTTS).

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện được giao tổng số vốn hơn 671,2 tỷ đồng thực hiện Chương trình để đầu tư xây dựng công trình hạ tầng cơ sở, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp…

Năm 2022, huyện Bảo Lạc đã đầu tư trên 4 tỷ đồng hỗ trợ vật nuôi, xây dựng chuồng trại cho các hộ DTTS khó khăn đặc thù; hỗ trợ 529 triệu đồng mua 174 téc nước cho các hộ khó khăn về nước sinh hoạt tại các xã Khánh Xuân, Xuân Trường, Sơn Lập…

Cùng với đó, đầu tư nguồn lực gần 600 tỷ đồng nâng cấp, xây mới hệ thống giao thông nông thôn trục xã, liên xã, liên xóm, đường nội đồng, nội vùng sản xuất giúp hệ thống hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hệ thống đường nông thôn ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển sản xuất. Xây dựng mới, sửa chữa nhà văn hóa xóm... Đến nay, kết cấu hạ tầng giao thông của huyện từng bước đầu tư hoàn thiện đồng bộ (100% xã có đường ô tô đến trung tâm).

Bên cạnh đó, ngành y tế, chăm sóc sức khỏe được chú trọng: xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các trạm y tế xã trên 2,2 tỷ đồng.

Cho đến nay, cuộc sống của đồng bào DTTS nơi đây đã có sự thay đổi rõ rệt, chất lượng cuộc sống từng bước được nâng cao, nhân dân tích cực tham gia các phong trào do các cấp phát động, chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

Năm 2023, huyện Bảo Lạc được giao kế hoạch vốn thuộc Chương trình là 83.075,620 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6/2023, huyện đã giải ngân đạt 42.277,289 tỷ đồng (đạt 50,89% ngân sách giao).

Tại huyện Nguyên Bình, nơi có hơn 90% dân số là đồng bào DTTS (gồm dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao... Trong đó, dân tộc Dao chiếm 56,15%). Năm 2022, huyện còn 4.707 hộ nghèo (chiếm 51,16%); 1.553 hộ cận nghèo (chiếm 16,88%).

Năm 2022, huyện Nguyên Bình được giao vốn trên 82,620 tỷ đồng. Trong đó vốn sự nghiệp 30,730 tỷ đồng; vốn đầu tư 51,890 tỷ đồng (thực hiện 76 dự án, công trình hạ tầng cơ sở).

Năm 2023, huyện được giao vốn đầu tư 83,274 tỷ đồng và chú trọng thực hiện các giải pháp hỗ trợ đồng bào DTTS (nhất là các địa bàn đặc biệt khó khăn).

Từ nguồn vốn được giao, huyện đầu tư hạ tầng cơ sở vùng đồng bào DTTS, nước sinh hoạt phân tán, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào, phục vụ sản xuất, mở rộng sinh kế, hỗ trợ chuyển đổi nghề, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường bán trú, chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương (nhất là đồng bào DTTS).

Các chính sách bảo trợ xã hội, y tế được quan tâm thực hiện đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng và chính sách theo quy định của Nhà nước (có 41.833 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp).

Thực hiện hỗ trợ xóa nhà dột nát 824 hộ (xây mới nhà ở 567 hộ và sửa chữa nhà ở 257 hộ). Tổng kinh phí hỗ trợ được phân bổ 28,898 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 25,440 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 3,458 tỷ đồng), huyện giải ngân đạt 28,824 tỷ đồng (đạt 99,74%)...

Giải pháp đột phá thúc đấy sự phát triển toàn diện tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn

Để phát huy được thế mạnh của địa phương và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với xây dựng phương án vay vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất, chăn nuôi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững; phát triển cây đặc sản của địa phương, cây có giá trị kinh tế cao.

Tại các vùng đồng bào DTTS đã hình thành nhiều mô hình sản xuất tập trung và đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng cây dược liệu, phát triển cây trúc sào tại 2 huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc. Cây trúc sào, cây dược liệu (đa dạng về chủng loại như: sâm, tam thất, hà thủ ô, quế, ba kích, sâm đỏ, dứa dại, sa nhân, thảo quả...) được xác định là một trong những cây có giá trị kinh tế cao để tập trung đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa. Thu nhập từ cây trúc sào, cây dược liệu giúp nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, tạo việc làm ổn định cho một số lao động nông thôn trên địa bàn.

anh-2.png
Giữ gìn, khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, các huyện còn tập trung nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm, thực hiện tư vấn, học nghề, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ, chăm sóc cây trồng, thực hiện các cam kết tiêu thụ sản phẩm; nâng cao đời sống người dân, từng bước giảm nghèo; xây dựng mô hình bảo tồn, tạo điều kiện để địa phương mở lớp dạy nghề, khơi dậy ý thức giữ gìn, khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống (dệt, thêu trang phục thổ cẩm, in hoa bằng sáp ong...) gắn liền với đời sống, bản sắc văn hóa dân tộc của một số DTTS có nguy cơ mai một, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số...

Tỉnh Cao Bằng đề ra kế hoạch vốn thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021-2025 là gần 7.500 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện được trên 820 tỷ đồng. Dự kiến nguồn lực và khả năng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình năm 2023 là hơn 1.500 tỷ đồng. Giai đoạn 2023-2025, tỉnh tiếp tục dành 23,648 tỷ đồng bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn và giai đoạn 2026-2030 là 50,72 tỷ đồng.

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một giải pháp đột phá, có tính lịch sử, nhằm đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Chương trình đã đem lại những thay đổi tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS, góp phần giảm dần khoảng cách phát triển giữa các dân tộc trong tỉnh; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo khí thế phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đây cũng là động lực để thời gian tới, tỉnh Cao Bằng tiếp tục có nhiều giải pháp quan tâm, chăm lo cho người dân.

Nguyễn Liên - Quang Huy