Xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ và trẻ em miền núi
Để dần xóa bỏ những tập tục lạc hậu, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ, trẻ em ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tích cực triển khai Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (gọi tắt là Dự án 8).
Thay đổi nhận thức, chuyển biến hành động
Hiện nay nhiều phụ nữ và trẻ em gái DTTS đang gặp phải những khó khăn trong cuộc sống cũng như khẳng định vị thế, phát triển bản thân; gặp trở ngại khi thụ hưởng, thực hiện những quyền lợi hợp pháp, chính đáng bởi nhiều quan niệm lạc hậu, hủ tục ràng buộc.
Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, các tập tục trong việc cưới, việc tang còn kéo dài gây lãng phí, tốn kém; những thói quen trong sinh hoạt ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của người dân vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước.
Tại tỉnh Bắc Giang, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã quan tâm triển khai thực hiện các chính sách phát triển KT-XH ở miền núi, thúc đẩy giảm nghèo; cuộc sống của người dân miền núi, vùng đồng bào DTTS đã có nhiều đổi thay theo hướng tốt hơn. Tuy nhiên, tại nhiều địa bàn vẫn tồn tại những tập tục lạc hậu, định kiến, khuôn mẫu về giới. Định kiến giới và khuôn mẫu giới cản trở sự phát triển của cả nam và nữ, là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới bất bình đẳng giới.
Một bộ phận người DTTS vẫn có tư tưởng trọng nam khinh nữ; cho rằng phụ nữ không cần học nhiều, không nên tham gia công tác xã hội. Điều này đã tác động tiêu cực tới sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em các DTTS cũng như quá trình phát triển KT-XH lâu dài ở miền núi, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu chung của địa phương và quốc gia.
Tại huyện Lục Ngạn còn có hủ tục khi người chồng qua đời, nếu vợ tái hôn với người khác thì phải ra khỏi nhà. Quan niệm của một bộ phận đồng bào nơi đây cho rằng, nếu không rời đi, người đó sẽ mang xui rủi, vận hạn đến cho gia đình chồng cũ.
Từng có trường hợp một phụ nữ ở xã Biển Động bị gia đình nhà chồng đuổi khỏi ngôi nhà do chính tay hai vợ chồng gây dựng do tái hôn với người khác sau khi chồng trước mất. Vụ việc nghiêm trọng đến mức lực lượng công an phải vào cuộc giải quyết, trả lại quyền lợi cho chị và các con.
Bà Lý Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lục Ngạn cho biết: Để ngăn ngừa vụ việc tương tự, Hội LHPN huyện phối hợp với chính quyền các xã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, hội viên.
Trong đó, Hội LHPN các cấp chú trọng tập huấn, phổ biến kiến thức về bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực trong người dân vùng sâu, vùng xa, nhất là đồng bào DTTS. Biện pháp truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật giúp người dân nhận thức được quyền và lợi ích chính đáng, từ đó biết cách tự bảo vệ hoặc yêu cầu, kiến nghị các cơ quan chức năng can thiệp, từng bước xóa bỏ những tập tục lạc hậu, bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em.
Nhằm giúp phụ nữ vươn lên trong cuộc sống, năm 2023, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các đơn vị, cơ sở sản xuất tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 5,5 nghìn phụ nữ, trong đó có 4,9 nghìn chị được giới thiệu việc làm, có thu nhập ổn định. Thông qua các hình thức giúp đỡ phụ nữ phát triển kinh tế, các cấp hội đã hỗ trợ vay vốn, phương tiện sinh kế cho hàng nghìn trường hợp với tổng số tiền gần 19 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cấp hội rà soát, đăng ký tổ chức các hoạt động giúp đỡ gần 2,2 nghìn hộ thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Đối với hội viên DTTS, các cấp hội đã hỗ trợ hơn 200 triệu đồng xây dựng 4 nhà “Mái ấm tình thương” và 2,4 tỷ đồng giúp 50 hội viên phụ nữ DTTS khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp.
Giảm nghèo, tin cậy, an toàn
Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là dự án thành phần nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Giai đoạn 1 (từ năm 2021- 2025) tập trung vào các hoạt động về truyền thông cộng đồng và thành lập, vận hành các mô hình cốt lõi của dự án.
Một trong những hoạt động nổi bật đó là việc thành lập, triển khai hoạt động mô hình tổ truyền thông cộng đồng. Tổ được thành lập nhằm giúp bà con DTTS, miền núi, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em có thể tiếp cận thông tin thuận lợi, trang bị kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, tiến tới giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Từ năm 2022 đến nay, hội LHPN các cấp trong tỉnh đã tổ chức 220 hội nghị truyền thông, tập huấn, hướng dẫn thực hiện các nội dung dự án cho 14,6 nghìn lượt người, góp phần nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị. Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã thành lập gần 300 tổ truyền thông cộng đồng tại 5 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang.
Từ các đơn vị làm điểm, để tiếp tục nhân rộng mô hình truyền thông cộng đồng, các cấp hội ở địa phương trong vùng dự án của tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền để cung cấp thông tin về nội dung, mục tiêu của dự án; lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống; chia sẻ kiến thức pháp luật về quyền và trách nhiệm của phụ nữ, trẻ em; kiến thức và kinh nghiệm làm ăn. Ngoài các buổi thảo luận nhóm, hội LHPN các cấp tổ chức giao lưu văn nghệ, lồng ghép với các hoạt động tư vấn về giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản, biện pháp xây dựng hạnh phúc gia đình.
Trong hai tháng qua, hội LHPN các cấp huyện Sơn Động đã tổ chức đợt cao điểm truyền thông về định kiến, khuôn mẫu giới và hội thi giữa các tổ, mô hình truyền thông cộng đồng. Qua đó phát huy kỹ năng, hiểu biết của đội ngũ tuyên truyền viên và nâng cao vai trò của các mô hình trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Ngoài đẩy mạnh công tác truyền thông, một trong những mô hình được hội LHPN các cấp tích cực triển khai là “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng. Nơi đây trở thành điểm tựa cho chị em phụ nữ bị bạo lực gia đình khi cần tư vấn, hỗ trợ pháp lý và can thiệp, tạm lánh lúc nguy cấp. Mô hình đã giúp hóa giải nhiều vụ mâu thuẫn gia đình, tư vấn, tiếp nhận, giúp đỡ hàng chục nạn nhân bị bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán trở về.
Điển hình như tại xã Quý Sơn (Lục Ngạn); khu 1 thị trấn An Châu (Sơn Động) và xã Danh Thắng (Hiệp Hòa), các địa chỉ đã tiếp nhận, giúp đỡ, bảo vệ nhiều trường hợp bị chồng bạo hành, gây thương tích có chỗ ở an toàn. Đồng thời tìm hiểu nguyên nhân, hòa giải, vận động người chồng ký cam kết không tái phạm hoặc đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết theo quy định pháp luật.
Triển khai Dự án 8 là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ, giải quyết một cách căn bản tình trạng bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở vùng DTTS và miền núi. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhằm xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao sức khỏe của phụ nữ, người dân, đặc biệt là phụ nữ vùng DTTS, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng. Đồng thời chỉ đạo hội ở mỗi xã, phường, thị trấn duy trì thường xuyên ít nhất một mô hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để khuyến khích phụ nữ tham gia, học hỏi nâng cao kiến thức, trau dồi phẩm chất tốt đẹp, rèn luyện sức khỏe.
Nội dung này được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVI, chương trình công tác trọng tâm nhiệm kỳ 2021 -2026 và cụ thể hóa bằng chỉ tiêu thi đua hàng năm. Hoạt động thể dục thể thao trong các cấp hội đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS như ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế.
Phong trào luyện tập thể dục thể thao, đặc biệt là dân vũ đã nối liền khoảng cách địa lý, tâm lý lứa tuổi, tạo niềm vui, khích lệ tinh thần hăng say luyện tập, giao lưu, rèn luyện sức khỏe của đông đảo cán bộ, hội viên.
Với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, chất lượng phong trào luyện tập thể dục thể thao từng bước nâng lên góp phần nâng cao sức khoẻ của phụ nữ và người dân, đặc biệt là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, xây dựng đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh. Đến nay, đã có 3,8 nghìn câu lạc bộ, mô hình thu hút hơn 69 nghìn hội viên, phụ nữ tham gia tập luyện thường xuyên.
Theo đồng chí Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, giai đoạn 1 Dự án tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động người dân nhằm thay đổi nếp nghĩ cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng và những hủ tục.
Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN các huyện đề xuất nội dung thực hiện Dự án 8 và phối hợp với phòng dân tộc tham mưu lồng ghép vào kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi hằng năm của từng địa phương.
Đồng thời, Hội LHPN tỉnh, các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn triển khai các mô hình, hoạt động thuộc dự án; xây dựng văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các mô hình điểm, rút kinh nghiệm để nhân rộng và tổ chức các cuộc đối thoại chính sách phù hợp tại các cấp.