Kinh tế

Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái rừng

Linh Nguyễn 06/03/2024 - 09:24

Rừng không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế lâm nghiệp, mà còn sở hữu tiềm năng rất lớn để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các dịch vụ khác..

Phát huy tiềm năng

Việt Nam có nguồn tài nguyên rừng, đất rừng khá lớn, đa dạng và phong phú, phân bố rộng khắp gần như ở tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Việc phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái rừng sẽ tạo nguồn thu nhập và giải quyết việc làm cho nhân dân, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào vùng miền núi.

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguồn thu của 4 loại dịch vụ trong các hệ sinh thái rừng (gồm: dịch vụ cung cấp gỗ và lâm sản, ngoài gỗ; dịch vụ môi trường rừng; dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon; dịch vụ du lịch sinh thái) mang lại giá trị khoảng 40.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, dịch vụ du lịch rừng đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.

tr16-lead.jpg
Du lịch sinh thái rừng thu hút nhiều lứa tuổi. Ảnh: Nature expedition

Tại Vườn quốc gia Pù Mát, có nhiều điểm du lịch cộng đồng đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động, với mức thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, tại Vườn quốc gia Cúc Phương, chỉ tính riêng cộng đồng dân tộc Mường sống ở vùng đệm đã có 100 - 200 người tham gia làm du lịch với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Còn tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, lực lượng lao động thường xuyên tham gia hoạt động du lịch là hơn 400 người, mức thu nhập 12 - 15 triệu đồng/người/tháng.

Từ năm 2016 trở lại đây, du lịch cộng đồng dựa vào rừng phát triển khá mạnh. Riêng năm 2022, có 3,1 triệu lượt khách tham gia.

Với sự đa dạng về hệ động, thực vật, Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) rất chú trọng phát triển du lịch sinh thái, nhất là loại hình du lịch gắn với công tác cứu hộ, bảo tồn động, thực vật hoang dã.

Tháng 9/2023, tại lễ trao giải của World Travel Awards lần thứ 30 tại TP.HCM, Vườn quốc gia Cúc Phương đã được vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á, lần thứ 5 liên tiếp giữ vững danh hiệu cao quý này.

Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết: “Trên cơ sở tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên, Vườn quốc gia Cúc Phương đã tổ chức được hệ sinh thái du lịch với nhiều chương trình và sản phẩm có trách nhiệm với môi trường, như hành trình hồi sinh, tour ‘Về nhà’ dành để chăm sóc, cứu hộ các loài động vật hoang dã; trại hè ‘Lớn lên cùng đại ngàn’ để giáo dục, nâng cao ý thức và tình yêu thiên nhiên tới các thế hệ học sinh, sinh viên...”

Tại Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), hiện đã có nhiều điểm tổ chức du lịch sinh thái dựa vào rừng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Những năm gần đây, huyện Con Cuông - một trong ba huyện có Vườn quốc gia Pù Mát nằm trên địa bàn - đang trở thành điểm đến của khách du lịch cả nước.

Bên cạnh Pù Mát, Cúc Phương và Phong Nha - Kẻ Bàng, nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên khác như U Minh Thượng, Ba Vì, Bạch Mã, Cát Tiên, Cát Bà, Hoàng Liên, Tam Đảo, Bà Nà - Núi Chúa… và hơn 60 khu bảo tồn thiên nhiên trên cả nước cũng đang tích cực đẩy mạnh du lịch sinh thái gắn với rừng.

Tuy nhiên, du lịch sinh thái rừng ở Việt Nam hiện mới ở giai đoạn khởi đầu, chưa thể hiện sự chuyên nghiệp cả về tổ chức quản lý và khai thác sử dụng tài nguyên phục vụ mục đích du lịch. Công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản và quy hoạch phát triển du lịch sinh thái gắn với rừng còn hạn chế.

Thời gian qua, các địa phương cùng nhiều doanh nghiệp lữ hành đã có những chương trình, tour du lịch mang “màu sắc” của du lịch sinh thái, nhưng quy mô và hình thức còn mờ nhạt, sản phẩm và đối tượng thị trường còn chưa rõ, nên việc thu hút khách còn hạn chế.

Nâng cao ý thức bảo vệ rừng

Những năm trước, do ý thức còn hạn chế, đời sống khó khăn, vẫn có những người dân vào rừng khai thác lâm sản, săn bắn, đặt bẫy, hái lượm trái phép. Nhưng kể từ năm 2018 trở lại đây, nhờ du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, ý thức của người dân được nâng cao, nên tình trạng vi phạm rừng không còn xảy ra.

Vườn quốc gia Pù Mát hiện được coi là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển, ghi nhận gần 2.700 loài thực vật, 132 loài thú, 341 loài chim, 86 loài lưỡng cư và bò sát, trong đó có nhiều loài thuộc danh mục đỏ của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại Vườn quốc gia Cúc Phương, có tới hơn 2.230 loài thực vật, 669 loài động vật, trong đó có 73 loài trong danh mục IUCN và Sách đỏ Việt Nam. Ông Đỗ Văn Lập, Phó giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương cho hay, đơn vị đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động, tour du lịch gắn với cứu hộ, bảo tồn động, thực vật hoang dã, quý hiếm.

Hiện nay, Vườn quốc gia Cúc Phương đã xây dựng mô hình 3D có sự tham gia của cộng đồng. Sản phẩm này để giới thiệu cho du khách, học sinh, sinh viên, cộng đồng trên địa bàn biết về các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học của Vườn quốc gia, qua đó nâng cao nhận thức và kêu gọi mọi người cùng nhau gìn giữ, bảo vệ tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường.

Là người đồng hành cùng các bạn học sinh trong những chuyến đi trải nghiệm tại các vườn quốc gia trên Việt Nam, anh Trần Anh Tuấn, Nhà sáng lập Nature Expedition chia sẻ, nhờ áp dụng nhiều loại hình du lịch trải nghiệm cho các bạn học sinh, nên Cúc Phương luôn là điểm đến lý tưởng của loại hình du lịch sinh thái mang tính trải nghiệm.

“Sau mỗi chuyến đi, các bạn học sinh sẽ có khả năng tự lập, tự tin khi đến với những khu rừng, có kỹ năng làm việc nhóm và đặc biệt là có tinh thần trách nhiệm, thái độ, hành vi đúng đắn với động vật hoang dã, thiên nhiên, môi trường, giữa con người với con người”, anh Tuấn nói.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần có chính sách, chiến lược và cách tiếp cận phù hợp hơn để thúc đẩy việc đa dạng hóa các hình thức cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái rừng. Đơn giản như việc thông qua học sinh trong các nhà trường để chuyển tải thông điệp “không ăn, không săn bắt, không sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã có nguồn gốc trực tiếp từ tự nhiên”… Cùng với đó, đa dạng phúc lợi rừng cho cuộc sống con người, giáo dục cho mọi người thêm hiểu biết, trân trọng hơn về rừng, từ đó tạo nên hành động, nghĩa cử chung tay bảo vệ rừng nói riêng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam nói chung.

Linh Nguyễn