Đời sống xã hội

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

Lê Kim 04/03/2024 - 17:00

Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.

Đưa thổ cẩm từ buôn làng ra thế giới

Phan Văn Quyền, người sáng lập dự án Ethnicity Vietnam cho biết: trong một lần làm thiện nguyện ở miền núi, anh nhận ra những món quà đem đến chỉ có thể giúp bà con sống trong vài ngày ngắn ngủi nên cần phải làm điều gì đó mang lại lợi ích lâu dài hơn. Thế là Ethnicity ra đời, với mục đích đưa nét đẹp văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hoa văn dệt thổ cẩm đến gần hơn với mọi người thông qua hình thức số hóa.

398-202403041108551.png
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

“Điều đặc biệt nhất của dự án là tạo ra thư viện số thổ cẩm, với phương pháp mỹ thuật hóa chúng bằng ứng dụng Adobe Illustrator từ hình ảnh chụp thực tế của những tấm thổ cẩm, giữ lại nguyên vẹn kiểu dáng, nét dệt và màu sắc của các hoa văn truyền thống rồi được lưu trữ và công khai miễn phí cho cộng đồng sử dụng”, anh chia sẻ. Ngoài ra, dự án còn lập thêm 3 thư viện khác là: thư viện hoa văn phát triển, thư viện hoa văn ứng dụng và thư viện minh họa. Với 4 thư viện hiện có, Ethnicity góp phần để các hoa văn dân tộc có thể tiếp cận đời sống đương đại dễ dàng hơn, bằng nhiều hình thức khác nhau và có thể truy xuất được nguồn gốc, ý nghĩa hoa văn của từng dân tộc.

Phương Quyên, thành viên của dự án cho biết: Những tiện ích này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cộng đồng thiết kế - sáng tạo ứng dụng hoa văn dân tộc vào các sản phẩm đương đại, ví dụ: Các hoa văn thổ cẩm được thiết kế cách điệu, bắt kịp xu hướng từ những hoa văn gốc lên những bộ trang phục của Hoa hậu H’Hen Niê, hay những bộ trang phục thổ cẩm cách tân trong các MV ca nhạc của nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh… Điều này tạo ra hiệu ứng quảng bá lớn đối với thổ cẩm, đem văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đến gần hơn với cuộc sống đương đại. “Ngay bản thân tên gọi của dự án “Ethnicity” gồm “Ethnic” là dân tộc và “city” là thành thị đã thể hiện toàn bộ mong muốn là mang những nét đẹp văn hóa dân tộc, đặc biệt là hoa văn thổ cẩm đến gần hơn với thành thị và giới trẻ”, Phương Quyên nhấn mạnh.

Đặc biệt chuỗi chương trình “Chuyện người muôn năm cũ” được thể hiện qua những thước phim ngắn không chỉ nói về nghề dệt mà còn thể hiện vẻ đẹp của người làm nghề qua công việc, giúp lưu trữ những hình ảnh tư liệu phục vụ cho công việc nghiên cứu văn hóa. Bên cạnh đó, thông qua nhiều chương trình trao đổi, huấn luyện, Ethnicity Vietnam cũng chú trọng việc phát triển thanh niên đồng bào các dân tộc thiểu số, trang bị cho họ các công cụ cần thiết, để tiếp nối việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống. Với những điều đã làm được, đầu tháng 12 vừa qua, Ethnicity đã trở thành một trong những đại diện nhận giải thưởng Human Act Prize- Hành động vì cộng đồng năm 2023.

Không chỉ phát triển dự án trong nước, với mong muốn mang thổ cẩm ra thế giới, từ năm 2018, Ethnicity được chọn là 1 trong 10 Dự án trong khối ASEAN trực tiếp trình bày với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ethnicity cũng được Quỹ ASEAN đề cử trở thành thành viên của Social Innovation Warehouse. Dự án cũng đã vinh dự được giới thiệu với thế giới qua Diễn đàn Thanh niên quốc tế UNESCO tại Trung Quốc năm 2019 và các phiên họp của Ủy ban Di sản thế giới lần thứ 43 ở Baku, Azerbaijan. Dự án chính thức có mặt trên trang Website của Social Innovation Warehouse - kho lưu trữ và quảng bá trực tuyến các dự án xã hội tiềm năng của các nhà lãnh đạo trẻ được liên kết với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc...

Hơn cả đam mê

Ethnicity Vietnam gồm những thành viên trẻ đến từ các ngành nghề thuộc lĩnh vực truyền thông và thiết kế sáng tạo. Mỗi người có một công việc, cuộc sống riêng, nhưng chung niềm đam mê với văn hóa dân tộc và hào hứng với sứ mệnh mà Ethnicity đang lựa chọn. Nguyễn Linh, thành viên của nhóm cho hay, quá trình nghiên cứu về văn hóa không hề dễ dàng, có rất ít tư liệu ghi chép về hoa văn thổ cẩm. Do đó, nhóm phải thực hiện nhiều chuyến đi thực tế đến những nơi còn lưu giữ nghề dệt truyền thống, để tìm hiểu về ý nghĩa và câu chuyện đằng sau các hoa văn. Sự khác biệt về ngôn ngữ với người dân bản địa là một khó khăn trong hành trình. Dự án phi lợi nhuận, công việc vất vả, lại không có thu nhập, nhưng các thành viên vẫn nhiệt huyết đồng hành cùng nhau.

398-202403041108552.png
Những hoa văn thổ cẩm được “dệt” và bảo tồn bằng công nghệ số

Là thành viên phụ trách công việc số hóa hoa văn, Đức Tài chia sẻ: “Việc vẽ lại các hoa văn trên thổ cẩm thành ô vuông pixel tưởng đơn giản nhưng lại siêu khó. Vì vải thổ cẩm được dệt bằng tay thường có kích thước không đồng đều, vị trí xộc xệch nên nếu vẽ giống y chang thì tác phẩm số hóa trông rất rối mắt, khó sử dụng. Do đó, mình và các bạn trong nhóm đã phải nghiên cứu, thử nhiều phiên bản để xác định kích thước, đường nét tiêu chuẩn sao cho sản phẩm trở nên đồng bộ nhưng không làm mất đi vẻ đẹp vốn có của họa tiết”.

“Nếu không phải là người làm thiết kế thì bạn sẽ rất dễ chán khi nhìn sản phẩm dạng ô vuông pixel, vì không thể hiểu được ý nghĩa cũng như cảm nhận nét đẹp của hoa văn. Hiểu được tâm lí đó, tụi mình đã biến kho tài nguyên đó thành những bức tranh minh họa, tái hiện nét sinh hoạt trong đời sống hằng ngày của người dân tộc. Bên cạnh đó, nhóm còn ra mắt thêm phiên bản biến tấu họa tiết gốc theo xu hướng hiện đại để bạn có thể dùng trang trí ốp lưng điện thoại, bìa sổ tay…”, Minh Đăng, thành viên phụ trách vẽ minh họa của nhóm cho biết thêm.

Sau 5 năm, đội ngũ của Ethnicity đã ghi lại 504 hoạ tiết của các đồng bào trên cả nước. Mục tiêu hiện tại của nhóm là thực hiện được bộ hoa văn của 53 dân tộc trên 63 tỉnh thành của Việt Nam và xây dựng chuỗi phim câu chuyện về giá trị của những tấm thổ cẩm truyền thống, những tâm tư tình cảm của những người dệt yêu nghề, yêu văn hóa địa phương trong đời sống hiện nay.

Lê Kim