Phát triển du lịch nông thôn (DLNT) trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là 1 trong 6 chương trình chuyên đề quan trọng trong xây dựng NTM ở Quảng Bình hiện nay. Chủ trương này đã trở thành “đòn bẩy” cho việc phát triển DLNT, góp phần đưa phong trào xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Kỳ vọng du lịch góp phần thay đổi diện mạo nông thôn
Xuân Trạch (Bố Trạch) là xã miền núi thuộc vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng, có kinh tế thuần nông, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân là điều mà Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn trăn trở. Từ lợi thế có địa hình cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, xác định ưu tiên phát triển du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ xã ban hành Chương trình hành động số 07-KH/ĐU, ngày 8/11/2021 về phát triển lâm nghiệp gắn với du lịch sinh thái trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn xã Xuân Trạch.
Ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch (Bố Trạch) cho biết: Những năm qua, trên địa bàn xã đã kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch. Việc hình thành các điểm DLNT, cơ sở lưu trú cộng đồng trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như công cuộc xây dựng NTM của địa phương.
Còn rất nhiều việc cần làm để phát triển DLNT tương xứng với tiềm năng, như: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM; đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm, điểm DLNT, sản phẩm DLNT gắn với xây dựng NTM; phát triển nguồn nhân lực DLNT có chất lượng; truyền thông, quảng bá, xúc tiến DLNT, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển DLNT,… Ngành sẽ phối hợp với các sở, ngành đơn vị tập trung triển khai Kế hoạch số 667/KH-UBND, ngày 13/4/2023 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình phát triển DLNT trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn 2024-2025, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Ngọc Quý khẳng định.
Ở Xuân Trạch có dự án khu du lịch Lèn Chùa Ecostay đang tiếp tục nâng cấp, đầu tư và đề nghị công nhận sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng nông thôn. Tại đây, lượng du khách đến trải nghiệm bình quân từ 1.000-1.500 lượt/ngày; ngày lễ, Tết có từ 3.500-5.000 lượt; tạo việc làm cho từ 15-25 lao động, với mức thu nhập bình quân 5-15 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, dự án khu du lịch Blue Diamond Camp được xây dựng theo mô hình du lịch xanh, bền vững để phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 (net zero), là điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo thu hút được sự quan tâm lớn của khách du lịch.
“Phát triển DLNT, người dân có được nguồn thu trực tiếp từ các dịch vụ cung cấp cho khách du lịch và những nguồn thu này đôi khi lớn hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Tiếp đến là những lợi ích từ việc phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, còn những lợi ích thiết thực khác như tạo công ăn việc làm, giao lưu văn hóa và đặc biệt là ý thức xã hội về bảo tồn văn hóa được nâng cao. Chúng tôi hy vọng, du lịch sẽ là “đòn bẩy” để phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn”, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch nói.
Song để biến chương trình hành động thành hiện thực là điều không dễ dàng, đối với một xã còn nhiều khó khăn, điểm xuất phát du lịch còn thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật nói chung còn thiếu và yếu.
“Các dự án phát triển du lịch đang đếm trên đầu ngón tay, điều đó đòi hỏi Xuân Trạch cần nghiên cứu giải pháp cụ thể nhằm thu hút đầu tư. Hiện nay, số lượng các dự án đầu tư ở xã chưa nhiều, DLNT là một mô hình mới, các chủ thể vận hành mô hình chưa được tập huấn, đào tạo bài bản; các dịch vụ phát triển kèm theo chưa đồng nhất, đội ngũ nhân viên chưa được đồng bộ. Hiện địa phương cũng chưa có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, DLNT”, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch Cao Thế Vĩnh cho biết thêm.
Không riêng Xuân Trạch mà đây là khó khăn chung của nhiều địa phương nông thôn khác. Thực tế, DLNT, du lịch cộng đồng trước đây đã hình thành và phát triển tại một số địa phương trong tỉnh nhưng cơ bản mới ở dạng tự phát.
“Đòn bẩy” cho phát triển DLNT
Ngày 2/8/2022, tại Quyết định số 922/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển DLNT trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 667/KH-UBND, ngày 13/4/2023 thực hiện Chương trình phát triển DLNT trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Đây được xem là định hướng để thúc đẩy phát triển DLNT của tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Thực hiện chương trình, sở đã phối hợp các sở, ngành, chính quyền địa phương nghiên cứu, xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển DLNT (bao gồm du lịch cộng đồng) gắn với xây dựng NTM tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh; xác định việc phát triển DLNT là một nội dung quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch trong thực hiện các nội dung của ngành Du lịch tại Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo thông tin từ Sở Du lịch, giai đoạn 2021-2023, sở đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung đầu tư hình thành các làng văn hóa du lịch, làng DLNT và bước đầu hình thành 3 mô hình điểm là Làng Văn hóa Du lịch Cảnh Dương, Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm và Làng Du lịch thích ứng thời tiết Tân Hóa. Một số dự án đầu tư phát triển các điểm DLNT, cơ sở lưu trú cộng đồng đã đưa vào khai thác thu hút khách du lịch, góp phần đa dạng dịch vụ, tạo việc làm, sinh kế cho người dân khu vực nông thôn. Làng Du lịch Tân Hóa đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công nhận là Làng Du lịch tốt nhất tại kỳ bầu chọn năm 2023.
Tỉnh đã quan tâm, ưu tiên bố trí các nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho sự phát triển của khu vực nông thôn, trong đó bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển Ngân sách Trung ương 2021-2025 cho các chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với tổng kinh phí 11,5 tỷ đồng cho phát triển du lịch sinh thái gắn liền với nâng cao vai trò cộng đồng ở vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, phát triển mô hình làng văn hóa du lịch và phát triển mô hình du lịch thích ứng thời tiết, hình thành làng DLNT.
Cảnh Dương (Quảng Trạch) và Mai Thủy (Lệ Thủy) là 2 trong số những địa phương được đầu tư trong đợt này. Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương chia sẻ: Việc được đầu tư hoàn thiện hạ tầng như hệ thống chiếu sáng, đường giao thông và phục hồi, vẽ mới tranh bích họa,… rất có ý nghĩa đối với địa phương ở thời điểm này, khi mà xã đang mong muốn phát triển hơn nữa du lịch trên địa bàn nhưng nguồn lực khó khăn. Hy vọng, với tiềm năng sẵn có, cùng với sự đầu tư, Cảnh Dương tiếp tục là địa chỉ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
“Được đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, phát triển mô hình làng văn hóa du lịch sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương và góp phần giúp xã hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao, đưa phong trào xây dựng NTM đi vào chiều sâu. Đặc biệt, khi Mai Thủy trở thành một điểm tham quan du lịch, sẽ “kích thích” lòng tự hào của người dân, họ sẽ có ý thức tích cực hơn trong việc làm đẹp hình ảnh quê hương mình”, ông Phan Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Mai Thủy (Lệ Thủy) cho hay.