Qua đèo Mã Phục nhớ chuyện người anh hùng bảo vệ chốn biên thùy
Đèo Mã Phục với 7 vòng dốc quanh co, uốn lượn, len lỏi theo vách núi cheo leo giữa một vùng non nước hữu tình được kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm, cùng với những thung lũng ruộm vàng khi mùa lúa chín đã góp phần tô điểm tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt tác. Nơi đây vẫn còn lưu giữ những địa danh gắn liền với huyền tích về người anh hùng Khau Sầm Đại Vương - Nùng Trí Cao, người đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc trong vùng chống giặc Tống, bảo vệ bình yên một dải biên thùy phía Bắc Tổ quốc.
Lần đầu tiên du ngoạn tới vùng đất Cao Bằng - nơi địa đầu Tổ quốc, tôi đã được sự hướng dẫn nhiệt tình của các đồng nghiệp khi tìm về các địa danh lịch sử nơi đây. Dọc cuộc hành trình, khi qua đèo Mã Phục, tôi thật sự bị hút hồn bởi cảnh sắc kỳ bí của núi rừng nơi biên ải. Đèo Mã Phục thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, nằm giữa ranh giới hai huyện Hòa An và Trà Lĩnh. Đèo cách thành phố Cao Bằng chừng 22 km và có đỉnh cao tới 620 m. Để lên tới đỉnh đèo phải vượt qua 7 vòng dốc quanh co, uốn lượn, len lõi theo vách núi cheo leo giữa một vùng non nước hữu tình được kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm; cùng với những thung lũng ruộm vàng khi vào mùa lúa chín đã góp phần tô điểm tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt tác. Đèo Mã Phục thực sự gây ấn tượng với du khách không những bởi vẻ đẹp tự nhiên mà còn hấp dẫn bởi những địa danh mang huyền tích gắn với lịch sử giữ nước của người dân chốn biên cương từ ngàn năm trước. Đó là anh hùng Nùng Trí Cao, người con của dân tộc Nùng.
Là một dũng tướng thông minh, tài giỏi, ông đã lãnh đạo Nhân dân đánh đuổi quân Tống xâm lược, trả lại bình yên cho cõi biên thùy phía Bắc của Tổ quốc. Tương truyền, lúc sinh thời, có lần thủ lĩnh Nùng Trí Cao đi tuần tra trên đèo khi đến giữa thung lũng thì bắt gặp các tiên nữ đang vui chơi vẫy gọi từ phía xa xa mời vào nghỉ ngơi; nhưng chàng vẫn quyết không dừng lại mà gióng ngựa đi tiếp. Khi đến nơi dốc cao dựng đứng thì ngựa của Nùng Trí Cao mệt đến kiệt sức đã dừng lại và ngã khụy xuống. Từ đó, địa điểm nơi con ngựa của tráng sĩ khụy chân quỳ xuống gọi là “Mã Phục”. Thung lũng nơi các nàng tiên vẫy gọi chào đón chàng được đặt tên là “Lũng Riệc” (từ “riệc” tiếng Tày có nghĩa là vẫy gọi).
Nùng Trí Cao là một nhân vật có thật trong lịch sử, ông là một dũng tướng, người anh hùng chống giặc Tống xâm lược bảo vệ biên cương phía Bắc dưới thời vua Lý Thái Tông. Trước đây (trong các đền thờ ông), các vương triều phong kiến Việt Nam đã từng sắc phong cho ông là: “Khau Sầm Đại Vương” và “Kỳ Sầm biên tái bảo quốc an dân quốc thần” có nghĩa là vị quốc thần có công bảo vệ an dân vùng biên viễn được thờ ở đền Kỳ Sầm. Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư và các bút tích ghi chép ở những nơi thờ tự cho biết Nùng Trí Cao là con của Nùng Tồn Phúc, thủ lĩnh châu Thảng Do vùng sơn cước phía Bắc nước Đại Việt. Mẹ ông là bà A Nùng, một phụ nữ không những đảm đang, tháo vát, rất giỏi buôn bán mà còn giúp con trai trong việc cung cấp lương thảo, tập hợp binh mã, xây dựng lực lượng quân đội sau này. Xuất thân trong một gia đình gia thế, có truyền thống võ nghệ cao cường, ngay từ thuở thiếu thời, Nùng Trí Cao đã là một cậu bé khỏe mạnh, thông minh tuấn tú lại sớm được giáo dục, rèn luyện nên rất giỏi chữ nghĩa và võ nghệ.
Khi lớn lên, ông đã có tài thao lược hơn người nên được dân chúng trong vùng tin tưởng, nể phục. Tuy tuổi còn trẻ nhưng Nùng Trí Cao đã nhiều lần tổ chức lực lượng chống quân Tống bảo vệ biên cương phía Bắc của Đại Việt lúc bấy giờ. Ông còn hành quân sang cả đất Tống đánh thành Ung Châu, Quảng Châu phá nhà tù, phóng thích tù nhân, lấy kho lương của quân Tống chia cho dân nghèo. Vì thế, lực lượng và thanh thế của ông ngày càng mạnh. Năm 1041, ông được triều đình nhà Lý phong làm Châu mục Quảng Nguyên (Cao Bằng ngày nay); cai quản và bảo vệ sự bình yên cho dân chúng cả một vùng biên cương rộng lớn phía Bắc nước Đại Việt.
Năm 1043, vua Lý Thái Tông lại cho người trong triều mang sắc phong và đô ấn đến ban cho Nùng Trí Cao tước “Thái Bảo”, một trong 3 tước quan cao nhất của triều đình (thái sư, thái bảo, thái úy), lúc này ông mới 20 tuổi. Từ đây, ông đã thừa thế binh hùng tướng mạnh xưng vương, lập “Nam Thiên Quốc” tiếp tục bảo vệ vùng biên thùy phía Bắc. Ông mất năm 1053, khi mới 28 tuổi. Những thành tựu trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc cũng như khí phách anh hào, tinh thần chống ngoại xâm của ông đã được dân chúng ngưỡng mộ, tôn sùng và thần thánh hóa. Tất cả những điều đó đã in sâu vào tâm thức đồng bào dân tộc Nùng và mỗi người dân đất Việt. Vì vậy, ông còn được phong thánh gọi là: “Thánh ông Hoàng Bát Nùng”, một trong mười vị thánh chính trong tín ngưỡng thờ Tam - Tứ phủ của người Việt. Sau khi ông mất, vua Lý vô cùng thương tiếc đã ra chiếu sắc phong là “Khau Sầm Đại Vương” và cho lập đền thờ tại thôn Bản Ngần, xã Tự Lặc, châu Thạnh Lâm, nay là thôn Bản Ngần, xã Vinh Quang, thành phố Cao Bằng.
Đền Kỳ Sầm là một trong những ngôi đền được xây dựng, tôn tạo với quy mô lớn nhất ở tỉnh Cao Bằng. Đền đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1993. Hằng năm, cứ vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch, Nhân dân trong vùng và du khách thập phương lại nô nức về đây dâng hương và tham gia lễ hội. Lễ hội diễn ra trong hai ngày, được tổ chức rất long trọng thường bắt đầu từ tối ngày 9 đến hết ngày 10 tháng Giêng âm lịch, tham gia có chủ tế tế lễ đọc văn tế, cùng ban nhạc và dâng hương. Sau đó là các hoạt động vui chơi hội hè.
Lễ hội Đền Kỳ Sầm là một trong những lễ hội lớn thu hút đông đảo du khách thập phương tới chiêm bái, dâng hương cầu may mắn, bình an vào dịp đầu năm mới và tham gia các trò chơi dân gian như chơi cờ tướng, đi cà kheo, đánh đu, bịt mắt đập niêu,... thưởng thức không gian văn hóa truyền thống như hát then, đàn tính, ẩm thực, đặc sản của địa phương.