Đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng, bảo vệ rừng được hỗ trợ như thế nào?
Bạn đọc Trần Nam ở huyện Ba Vì, TP. Hà Nội hỏi: Tôi được biết, hiện nay Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền cho đồng bào dân tộc miền núi trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ và hỗ trợ gạo cho các hộ chăm sóc, bảo vệ rừng. Xin hỏi, cụ thể đối tượng và mức hỗ trợ của chính sách được quy định như thế nào?
Những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo vệ, phát triển rừng và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, bao gồm các dự án và tiểu dự án. Tiểu dự án 1 (Dự án 3) của Chương trình hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và tăng thu nhập cho người dân.
Tại Thông tư số 55/2023-TT/BTC của Bộ Tài chính về quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, quy định rõ mức chi cho Tiểu dự án 1 (Dự án 3) như sau:
Thứ nhất, hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được Nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế theo quy định hiện hành; diện tích rừng được UBND cấp xã trực tiếp quản lý.
Mức hỗ trợ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ ĐBDTTS giai đoạn 2015-2020. Cụ thể, mức hỗ trợ là 400.000 đồng/ha/năm.
Thứ hai, hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình và khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung. Mức hỗ trợ bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm; hỗ trợ trồng rừng bổ sung, mức hỗ trợ theo thiết kế - dự toán, tối đa không quá 1.600.000 đồng/ha/năm trong 03 năm đầu và 600.000 đồng/ha/năm cho 03 năm tiếp theo.
Mức hỗ trợ được quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP.
Thứ ba, hỗ trợ một lần cho chu kỳ đầu tiên để rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ đối với diện tích đất được quy hoạch phát triển rừng sản xuất đã giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình.
Mức hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP. Cụ thể, mức hỗ trợ từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng/ha để mua cây giống, phân bón và chi phí một phần phân công bằng tiền đối với trồng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ tùy theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng theo thiết kế - dự toán.
Thứ tư, hỗ trợ trồng rừng phòng hộ đối với diện tích đất được quy hoạch trồng rừng phòng hộ đã giao cho hộ gia đình theo quy định hiện hành. Hộ gia đình được hưởng lợi từ rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp và các quy định có liên quan.
Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, 30.000.000 đồng/ha.
Thứ năm, trợ cấp gạo cho hộ đồng bào nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung, trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ.
Trợ cấp 15 kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng 15 kg gạo/khẩu/tháng. Mức hỗ trợ được quy định tại Điều 7 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP.
Thứ sáu, kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng: 50.000 đồng/ha; kinh phí lập hồ sơ thiết kế, dự toán khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung: 900.000 đồng/ha, được bố trí trong tổng kinh phí khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung, cấp cho các đơn vị, địa phương thực hiện Tiểu dự án 1 (Dự án 3).
Việc hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung chỉ thực hiện một (01) lần trước khi tiến hành khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung.
Việc hỗ trợ kinh phí, gạo phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc rừng là một chính sách hợp lòng dân, thực sự đi sâu giải quyết lợi ích của nhân dân, đặc biệt là đồng bào nghèo người dân tộc thiểu số ở khu vực nông thôn miền núi, qua đó góp phần quan trọng trong bảo vệ và phát triển rừng, phù hợp với xu thế về chống biến đổi khí hậu thông qua giảm phát thải do suy thoái và mất rừng.