Nghề khảm trai làng Chuôn Ngọ: Ngàn năm lưu giữ nét tinh hoa
Những nghệ nhân làng tranh khảm trai Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) luôn luôn đổi mới sáng tạo ra những mẫu tranh phong cảnh tinh xảo, kỹ thuật hơn theo ý tưởng của khách hàng… Sự thay đổi này đã giúp làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ mặc dù trải qua ngàn năm tuổi với những giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn luôn có vị thế ở trong và ngoài nước.
Tinh hoa chạm khảm lịch sử lâu đời
Làng Ngọ xưa là Phường Ngọ, một làng nghề khảm trai truyền thống lâu đời. Theo truyền thuyết và thần phả đình làng Chuôn Ngọ thì nghề khảm trai có ở Chuyên Mỹ từ rất sớm, khoảng thế kỷ XI - XIII.
Nghề khảm trai là một nghề cần nhiều công sức, lắm công phu. Để có được một sản phẩm khảm trai tinh xảo, sống động, người nghệ nhân phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau: từ vẽ mẫu, cắt theo họa tiết mẫu, dán miếng cắt đó vào gỗ và đục theo các họa tiết, đến dán miếng trai, dùng đá mài mài phẳng và dùng dao bằng thép tách tỉa ra các họa tiết nhỏ, dùng giấy ráp đánh cho nổi họa tiết lên. Cuối cùng toàn bộ sản phẩm sẽ được đánh vécni cho bóng lên để các họa tiết nổi lên sống động như một bức tranh.
Nét nổi bật của sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ là những mảnh trai không vỡ, luôn phẳng, đục gắn xuống gỗ rất khít. Việc lựa chọn vỏ trai, vỏ ốc, hay vỏ hến cho phù hợp với sản phẩm sắp làm ra cũng là một khâu rất quan trọng. Vỏ trai có nhiều loại: trai cánh mảnh nhỏ, sẫm màu; trai thịt trắng, vỏ mình dầy; trai Nông Cống (Thanh Hóa) có nhiều vân. Ốc biển phải là ốc xà cừ, có nhiều ở vùng biển Quy Nhơn, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết… Ngoài ra, còn có một thứ vỏ trai đặc biệt gọi là Cửu Khổng (vì có 9 lỗ vỏ ở phía mép vỏ), có vân màu sắc phong phú hơn mầu cầu vồng. Muốn làm hàng mặt nổi như: núi non, cánh phượng, cánh công, phải tìm bằng được Cửu Khổng (Các Bào ngư này được khai thác ở một số đảo miền Bắc nước ta).
Làng khảm trai Chuôn Ngọ, thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.Trước đây, người nghệ nhân Chuôn Ngọ thường khảm tranh theo các tích truyện Tam Quốc và các truyện cổ khác như: "Tam cố Thảo Lư", "Văn chương cầu hiền", hay theo mẫu ước lệ như: mai, thông, cúc, trúc, chim hoa, "tứ dân" cảnh - 4 người dân thời cổ. Ngày nay, đề tài khảm tranh đa dạng, phong phú hơn rất nhiều như các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước: Chùa Một Cột, Hạ Long, Huế, Sài Gòn.
Nhiều người tin rằng Chuôn Ngọ là "đất tổ nghề" nên được ban cho những nét đặc sắc bí truyền khó lý giải trong mỗi tác phẩm. Đã có nhiều nghệ nhân từ nơi khác đến làng học nghề, tuy nhiên qua đánh giá của khách hàng, trình độ của họ không cao như những "thợ làng".
Mỗi sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ thường trải qua sáu công đoạn cơ bản gồm: Vẽ mẫu; cưa vỏ trai, ốc theo bản vẽ; đục gỗ; gắn mảnh trai vào gỗ; mài khảm, tỉa đường nét; dùng bột đen làm rõ các chi tiết của bức tranh.
Một trong những công đoạn được đánh giá khó nhất là “cẩn xà cừ” - đòi hỏi thao tác liên hoàn ở trình độ cao: Nghệ nhân sẽ dựa theo nét vẽ để đục gỗ và gắn nguyên liệu họa tiết, sau đó tỉa gọn, đánh bóng (mài khảm) rồi tô lại nét. Ngoài ra, để các mảnh trai trên bức tranh gỗ được đặt phẳng, người thợ phải mài thủ công vỏ trai rồi ngâm rượu, hơ lửa để chẻ róc, để cưa, đục thì các mảnh trai mới không bị vỡ.
Là một trong những nghệ nhân tâm huyết với gần 30 năm giữ lửa nghề truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Đình Hải được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân vào năm 2016; chứng nhận danh hiệu nghệ nhân Quốc gia vào năm 2017. Anh đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của nghề khảm truyền thống của làng Chuôn Ngọ.
Khảm truyền thần được đánh giá là kỹ thuật cao nhất trong nghề khảm, đòi hỏi người chế tác phải là một "thợ nghệ nhân" - bên cạnh kỹ thuật chạm khắc còn cần có những hiểu biết về nhân vật truyền thần, để biến những vật liệu vô tri thành một bức chân dung lột tả được phong cách, thần thái và chiều sâu suy nghĩ của nhân vật. Cũng bởi vậy mà số lượng "thợ nghệ nhân" tại làng Chuôn Ngọ hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Giữ nghề cội nguồn
So với giai đoạn "hưng thịnh" vào những năm 1990, thời điểm người người nhà nhà làng Chuôn Ngọ theo nghề khảm trai thì những năm trở lại đây, số hộ gia đình bỏ nghề ngày càng nhiều.
"Hiện nay, ước tính trong làng chỉ còn từ 3 đến 4 xưởng lớn; các hộ gia đình đơn lẻ theo nghề khảm chỉ còn vài chục nhà. Các cơ sở cũng sản xuất cầm chừng theo đơn đặt hàng của khách, không sản xuất bày bán đại trà như xưa. Nghề thủ công mỹ nghệ vốn 'kén khách', thu nhập lại thêm khó khăn sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khiến nhiều gia đình không trụ được với nghề truyền thống," nghệ nhân khảm trai Nguyễn Đình Hải tâm sự.
Đã có lúc, nghề khảm trai Chuôn Ngọ tưởng chừng như mai một bởi những thăng trầm của thời gian và biến cố của lịch sử, nhưng sức sống của một làng nghề truyền thống vẫn mãi bền vững với thời gian, để hôm nay người Hà Nội vẫn tự hào có một làng nghề tinh xảo, với những sản phẩm độc đáo mà hiếm nơi nào có được. Hơn 70% số hộ trong làng có lao động làm nghề khảm trai và tham gia các hoạt động dịch vụ cho sự phát triển nghề khảm. Sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ đã vượt khỏi ranh giới quốc gia, vươn tầm ra châu lục và thế giới, đến với các thị trường khó tính như: Anh, Hà Lan, Mỹ, Nhật...
Khảm truyền thần được đánh giá là kỹ thuật cao nhất trong nghề khảm, đòi hỏi người chế tác phải là một "thợ nghệ nhân" - bên cạnh kỹ thuật chạm khắc còn cần có những hiểu biết về nhân vật truyền thần, để biến những vật liệu vô tri thành một bức chân dung lột tả được phong cách, thần thái và chiều sâu suy nghĩ của nhân vật. Cũng bởi vậy mà số lượng "thợ nghệ nhân" tại làng Chuôn Ngọ hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Theo thời gian và xu thế hội nhập, những tác phẩm của làng Chuôn Ngọ dần thay đổi cả về đề tài cũng như mẫu mã trình bày. Những hoạ tiết chạm khảm giờ đây đã xuất hiện trên nhiều vật dụng thường ngày như hộp đựng trà, ống đũa, bát đĩa, tranh lưu niệm...
Để giữ nghề truyền thống của ông cha, những người nghệ nhân nơi đây không chỉ nỗ lực nâng cao tay nghề để cho ra đời những mẫu tranh tinh xảo, kỹ thuật hơn, mà còn không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo những đề tài mới để đáp ứng những nhu cầu theo xu hướng mới của khách hàng.
Trải qua bao thăng trầm như nhiều làng nghề truyền thống của dân tộc Việt Nam, những người thợ làng Chuôn Ngọ vẫn ngày đêm gìn giữ và phát huy tinh hoa của nghề truyền thống - bằng những đôi bàn tay chai sạn qua năm tháng, bằng tâm huyết và tình yêu nghề cháy bỏng, để lưu truyền những giá trị truyền thống gắn với lịch sử Thăng Long nghìn năm văn hiến mà thế hệ những nghệ nhân đời trước đã để lại.