Phòng chống tảo hôn để không còn... những tiếng ru buồn
Bỏ học, lấy chồng và nạn tảo hôn là tình trạng đã diễn ra nhiều năm nay ở các huyện miền núi cao tỉnh Nghệ An. Vấn đề này lại càng nan giải vào dịp sau Tết dù nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Nỗi lo của các nhà trường
Gần 2 tuần sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thạch Ngàn (Con Cuông) đón học sinh trở lại trường với một nỗi lo khi có đến 16 học sinh nghỉ học. Vì thế, song song với việc ổn định việc học và ăn ở cho học sinh bán trú tại trường, các giáo viên lại bắt đầu với hành trình vào bản vận động học sinh đến trường.
“Vất vả lắm”, thầy giáo Phạm Quốc Hoàng - Hiệu trưởng nhà trường đã tâm sự như vậy khi nói về việc “gọi” học sinh trở lại trường.
Kể về điều này, thầy giáo Hoàng cũng đã chia sẻ về các clip mà các thầy giáo đã ghi lại được trong quá trình đến từng gia đình để gặp gỡ phụ huynh, học sinh. Có trường hợp như em Lò Thị Minh, khi nghe giáo viên đến em đã chạy trốn; một trường hợp khác như em La Thị Hoa, dù giáo viên đã đến tận nhà, trò chuyện nhiều với gia đình, nhưng vẫn không thể động viên em đến trường chỉ với một lý do “em ấy bảo không thích đi học nữa”. Qua hơn 1 tuần kiên trì, đến nay đã có 12 học sinh đi học trở lại và 4 em còn lại có “nguy cơ bỏ học khá cao, trong đó có 3 học sinh nữ và 1 học sinh nam, có em chỉ mới lớp 7”.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thạch Ngàn là một trường đặc thù với khá nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số Đan Lai học tập. Năm học trước, trường có 7 học sinh bỏ học, trong đó có không ít học sinh bỏ học rồi lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định.
Chị Trần Thị Nam - viên chức dân số xã Thạch Ngàn, cho biết: “Chúng tôi thống kê trên địa bàn có 4 trường hợp tảo hôn, sinh con sớm và đều là học sinh người dân tộc Đan Lai. Có trường hợp học sinh đang học lớp 9, mang bầu khi đang đi học đến khi chuẩn bị sinh con mới được phát hiện. Ngoài ra, có một số trường hợp các em học xong THCS rồi bỏ học, đi làm ăn xa. Đến khi chuẩn bị sinh, về địa phương mới biết”.
Cũng theo viên chức dân số xã Thạch Ngàn, dù hàng năm xã đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động nhưng khó khăn nhất trong việc hạn chế tình trạng tảo hôn đó là hầu hết các em đều rời khỏi nơi cư trú và tự ý lấy chồng, sinh con. Thế nên đến khi chính quyền địa phương biết thì sự đã rồi.
Bên cạnh đó, do phong tục tập quán nên đồng bào dân tộc thiểu số không chú trọng đến việc đầu tư cho con học hành. Thậm chí, nhiều gia đình muốn con bỏ học để lập gia đình, đi làm sớm có thu nhập nên việc tuyên truyền khó đến được với người dân.
Sau Tết Nguyên đán và sau thời gian nghỉ hè thường là thời điểm nhạy cảm nhất của các nhà trường, nhất là những trường thuộc vùng miền núi cao. Trong đó, vấn đề lo ngại nhất chính là tình trạng học sinh bỏ học hoặc nghỉ học để lấy chồng.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nga My (Tương Dương), tuần nào thầy giáo Nguyễn Trọng Hào - Hiệu trưởng nhà trường cũng cập nhật danh sách học sinh bỏ học.
Tăng cường tuyên truyền, vận động
Con Cuông là một trong những địa phương đầu tiên của Nghệ An triển khai đề án phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mặc dù vậy, đây vẫn là nhiệm vụ hết sức khó khăn và khó hạn chế một cách triệt để.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn huyện có 28 trường hợp tảo hôn với độ tuổi trẻ nhất sinh năm 2007, chỉ mới 14 tuổi, tập trung chủ yếu ở các xã như Môn Sơn, Thạch Ngàn, Yên Khê, Châu Khê. Trong danh sách thống kê cũng có những trường hợp, cả vợ và chồng đều chưa đủ tuổi kết hôn nhưng đã mang thai ngoài ý muốn.
Nói thêm về tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện, bà Nguyễn Hồng Nhung - Trưởng phòng Dân số của Trung tâm Y tế huyện Con Cuông, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên làm công tác tuyên truyền, vận động đến từng thôn bản và tổ chức nhiều buổi tư vấn trực tiếp cho học sinh tại các nhà trường. Song song với đó, phối hợp với các ban, ngành liên quan như Phòng Dân tộc, Ủy ban MTTQ để cùng vào cuộc trong công tác tuyên truyền, vận động. Mặc dù ý thức của người dân đã có sự chuyển biến, nhưng để ngăn một cách triệt để tình trạng tảo hôn cần rất nhiều thời gian, vì một số nơi đã ăn sâu vào tập tục của nhân dân”.
Nạn tảo hôn đã và đang là một vấn nạn lớn trong đồng bào thiểu số trên cả nước, trong đó có Nghệ An. Để từng bước hạn chế, chấm dứt vấn nạn này, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025".
Ở Nghệ An cũng đã có Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020".
Tại huyện Kỳ Sơn, điểm nóng về vấn đề tảo hôn, thống kê trên địa bàn huyện mỗi năm có hơn 100 trường hợp tảo hôn. Ví như năm 2023, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, toàn huyện có 154 học sinh bậc trung học cơ sở tại Kỳ Sơn nghỉ học, trong đó, 70 em đi làm công ty, 57 em lấy vợ, lấy chồng tập trung chủ yếu ở lứa tuổi 14-15.
Năm nay, sau Tết, tình trạng bỏ học vẫn tiếp tục xảy ra. Trong đó có ít nhất có 6 trường hợp tảo hôn lấy chồng sớm. Điều này xuất phát từ tập quán văn hóa và quan niệm hôn nhân cũng như sự bất bình đẳng về giới tính vốn "ăn sâu, bén rễ" trong đời sống của đồng bào.
Ngoài ra, điều kiện tự nhiên, đời sống của người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao… nên các em có tâm lý không muốn đi học, thích được đi làm, kết hôn sớm. Những năm qua, việc các em trong độ tuổi học sinh sớm tiếp cận các thông tin trái chiều từ mạng xã hội càng khiến cho việc tuyên truyền gặp nhiều khó khăn.
Từ năm 2021, huyện miền núi Kỳ Sơn đã ban hành kế hoạch thực hiện "Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025".
Đồng thời, để hạn chế tình trạng này, song song với công tác tuyên truyền, vận động, huyện cũng đã có những giải pháp răn đe như yêu cầu phụ huynh, học sinh ký cam kết; xử lý các biện pháp hành chính xử lý các trường hợp tảo hôn.
Công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hiện cũng đang được ngành Dân số quan tâm, chú trọng.
Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội ảnh hưởng nghiêm trọng đến nòi giống, phát triển trí tuệ, chất lượng dân số. Hơn thế, kết hôn sớm làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, giảm chất lượng dân số, sức khỏe bà mẹ và trẻ em".