Lời thỉnh nguyện từ biên cương
Khi gió xuân phơi phới, cũng là khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân náo nức hướng về kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống BĐBP và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân. Ngày 22/3/2024, Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng đã trang trọng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện “Ngày hội Biên phòng toàn dân”. Vậy là trong tâm trí tôi chợt khơi lên một cảm thức thật khó tả trước mênh mông biển trời Đông Bắc, một miền biển khoáng đạt, một vùng biên giới biển anh hùng đã và đang hội nhập mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng trọng điểm của miền Bắc nước ta.
Trong thinh lặng không gian, lại như đâu đó vang lên điệu hò biển đầy nồng hậu, phóng khoáng. Giọng hò ấy theo cơn gió nồm Nam háo hức vào nội đô, theo con nước năm cửa sông vào nội đồng, ấp ôm chân lúa Đông Xuân đang nưng nức hạt. Và lòng người quấn bện trước những thanh âm trào sôi của những làng biển dọc từ Cái Bèo, Việt Hải, Phù Long qua Lập Lễ, Phục Lễ, rồi Bàng La, Ngọc Hải, Tú Sơn, Nam Hải, Quang Vinh... nương theo khí xuân, vận đất để tổ chức các lễ hội rước kiệu nghênh thần biển, guồng tay chèo, tay sải đua thuyền rồng, thành tâm rước nước thiêng từ biển về thờ tại đình làng trong năm mới.
Những bậc trưởng thượng, có uy tín trong làng cùng những người đàn ông khỏe mạnh, phụ nữ đảm đang cầm vũ khí, cờ thần, phường bát âm, bát bửu đi trước, tiếp đến là người cầm cờ vía cùng đội khiêng kiệu và cuối cùng là đội múa bông. Bài khấn cầu mong trời đất thần linh phù trợ cho đánh bắt được nhiều cá tôm, buôn bán phát đạt, chăn nuôi, trồng cây tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, rằng: “Chúc cho đất nước bình an thái hòa nhé, chúc cho người người được no ấm nhé, ai làm nghề nông thì hỏa cốc phong đăng nhé, ai làm nghề chài lưới thì tôm bạc cá vàng đầy đất chật bãi nhé, ai làm nghề buôn bán thì phát đạt thuận bán vừa mua nhé...”.
Trong những lễ hội của miền biển Hải Phòng đó, không thiếu được hình tượng rồng trên các vật dụng mang tín ngưỡng linh thiêng và lời cầu chúc năm mới. Bởi trong dân gian, rồng biểu trưng cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng, là sức mạnh của sự sống. Sự xuất hiện của rồng với tư cách là vị thần làm mưa, mang lại nguồn nước nuôi sống con người, dưỡng sinh vạn vật là thể hiện điều lành, sự tốt đẹp trọn vẹn. Kinh điển của Phật giáo truyền thừa lại rằng, khi Đức Phật đản sinh có chín rồng thiêng phun mưa nước tắm cúng dàng đón Đức Thế tôn ứng hiện cõi Sa bà. Và Việt Nam, với hình thế núi sông như một con rồng bay lên cũng lưu truyền nhiều huyền tích thiêng liêng như sự tích Lạc Long Quân - Âu Cơ, huyền thoại vịnh Hạ Long, sông Cửu Long chín nhánh phù sa, Bạch Long Vĩ đảo tiền tiêu hay câu chuyện Thủ đô Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Đặc biệt, hình tượng rồng Việt Nam ngậm viên châu trong miệng được các học giả nghị luận là thể hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý, sự uyên bác và tinh thần cao thượng. “Châu” chính là ngọc trai, được ngợi ca như một bảo vật tuyệt đẹp mà đại dương ban tặng cho con người. Cái tên Long Châu hiện nay còn được đặt cho một phường của tỉnh An Giang và một xã của tỉnh Bắc Ninh. Song lớn nhất, nổi danh nhất chính là quần đảo Long Châu nằm trong vịnh Bắc Bộ, thuộc địa chính trị của thành phố Hải Phòng quản lý. Và quần đảo đó, có hòn đảo đá mang tên Long Châu được mệnh danh là “Mắt thần của biển Đông Bắc”, “Viên ngọc quý của rồng nơi tiền tiêu”, mang hình dáng tựa như trái tim của một Long Vương nào đó bỏ quên trên biển từ hàng triệu năm về trước...
Không thuận lợi về địa hình và khí hậu như các hệ thống đảo trong khu vực biển Đông Bắc, Long Châu là đảo thuộc hệ đá Karst, trải qua sự bào mòn của triệu triệu kỷ nguyên đã khiến cho mỗi mũi đá tai mèo sắc mỏng như dao. Chưa kể, ẩn sâu dưới tầng tầng đá sắc có tồn chứa một mỏ quặng kim loại nên Long Châu còn là “cột thu lôi” tự nhiên giữa biển. Nhất là vào mùa Đông, sương giá phủ trắng trời, trắng biển, váng vất quyện từ tàng cây, ngọn cỏ khiến cho bề mặt đá xám càng trở nên ảm đạm. Và nếu như Thăng Long - Hà Nội có tháp bút viết lên trời xanh, thì cửa biển Hải Phòng cũng có ngọn bút đá lừng lững giữa biển xanh là ngọn hải đăng Long Châu đã 120 năm tuổi.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, với vai trò là vùng biển huyết mạch, là tuyến hàng hải quan trọng để Việt Nam nhận viện trợ của các nước trên thế giới cũng như từ đây, những con tàu không số xuất kích mang vũ khí, đạn dược và hàng thiết yếu cho chiến trường miền Nam, vùng biển Long Châu cũng như hải đăng Long Châu đã hứng chịu hơn 300 trận đánh phá. Và quân dân Hải Phòng nói chung, những chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Long Châu nói riêng đã nêu cao khẩu hiệu “Còn người, còn đảo; Trái tim còn đập, còn ánh sáng”, giữ cho ngọn hải đăng cổ xưa nhất Việt Nam luôn tỏa sáng soi đường cho hàng triệu lượt tàu, thuyền ra vào cảng Hải Phòng, kiểm soát biên phòng đảm bảo an ninh của Tổ quốc.
Từ ngọn hải đăng Long Châu đã hiện diện trên đảo đá 120 năm có lẻ, phóng mắt giữa lúc hoàng hôn vừa sập cửa sóng, thấy vũ trụ trên đầu đã dần lấp lánh triệu triệu ánh sao chiếu rọi như hằng hà sa số kim cương. Mà không chỉ có bầu trời, dưới mặt biển vừa chớm vào đêm, đã rực lên triệu triệu ánh đèn từ những khu đô thị ven biển, từ bến cảng Hải Phòng đàng hoàng đứng trong danh sách 100 cảng biển lớn của thế giới, từ ngàn vạn tàu thuyền của ngư dân đang rẽ sóng vươn khơi... Đó chính là những viên ngọc rồng được tạo nên bằng ý chí, tài năng, nghị lực của hàng triệu người dân đất Cảng.
Năm 2024, năm của Rồng Xanh (Thanh Long) có nhiệm vụ trấn giữ kho báu, tượng trưng cho lý tưởng, sức mạnh, quyền lực và sự thịnh vượng, tôi đứng giữa biên cương Đông Bắc để cảm nhận màu xanh của biển, của rừng, của núi đồi và bầu trời biên giới. Nghĩ về một năm mới theo mệnh Rồng Xanh, tôi tin năm này sẽ mang theo trường năng lượng đặc biệt hùng hậu để nghĩ về sức nước, sức dân và sức vươn của biên cương bờ cõi.
Rồng thiêng ẩn mình trong thế núi, hình sông, hẳn sẽ nghe được lời thỉnh nguyện “quốc thái dân an, phong đăng hỏa cốc” của quân dân nơi biên cương, biển, đảo.