Văn hóa

Gìn giữ nét đẹp đi lễ đầu năm

Phạm Sỹ 03/03/2024 - 07:31

Đi lễ đầu Xuân là một trong những nét văn hóa đẹp của người Việt. Đây không chỉ là nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh mà còn mang giá trị nhân văn cao cả.

Nét đẹp văn hóa

Theo quan niệm của người Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, đó còn là khoảnh khắc hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người cầu tài, cầu lộc, cầu duyên, người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình.

anhbaitren-1-.jpg
Người dân đi lễ ở Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: P. Sỹ.

Thành kính chắp tay nơi cửa Phật, chị Trịnh Thị Mai (ở phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, tôi thấy lễ đền, chùa (vì có cả đi chùa cúng Phật và đi đền cúng các vị vua, quần thần có công với đất nước) đầu năm là một nét văn hóa truyền thống đẹp của người Việt. Vừa thể hiện tín ngưỡng, vừa bày tỏ lòng thành kính, biết ơn với những bậc thánh nhân đã có công trong công cuộc xây dựng và giữ gìn đất nước. Năm nay, cảnh người chen lấn xô đẩy tranh giành lộc cũng không còn, ai cũng văn minh hơn, khói hương cũng được tiết chế.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, văn minh những nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm vẫn luôn được người dân lưu giữ. Chị Hà Thị Ngọc Tân (ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đến lễ chùa Trấn Quốc dịp đầu năm chia sẻ, đi lễ đền, chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam từ bao đời nay. Mọi người đi lễ chùa đều mong muốn sự bình an.

“Giống như bao người khác, đầu năm tôi cũng đi lễ chùa, mong muốn sự bình an cho gia đình và cho tất cả mọi người. Khi con người theo, giữ được truyền thống thì sẽ gìn giữ được nét đẹp văn hóa. Nhưng cũng sẽ có những người khiến nét đẹp đó trở nên biến tướng để mưu cầu có lợi cho bản thân. Theo tôi đó chỉ là số nhỏ, còn đa phần người Việt Nam vẫn đang bảo tồn và gìn giữ các truyền thống tốt đẹp từ xưa đến nay” - chị Tân nói.

Theo GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), truyền thống lâu đời của văn hóa Việt Nam, đầu năm người dân thường đi lễ chùa để cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình, cầu quốc thái dân an. Đi lễ chùa là hướng cái tâm của mình đến cái thiện, từ bi, hỉ xả. Cửa chùa, đất Phật vốn là nơi chốn bình yên, thanh tịnh, nên nhiều người cũng muốn đến đây để vãn cảnh, tĩnh tâm, tìm lại những giây phút bình yên.

Đồng quan điểm, TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng, các ngôi chùa ở Việt Nam có lịch sử rất lâu đời. Trong lịch sử các ngôi chùa, bao giờ cũng có lịch sử ứng xử của người Việt. Lịch sử ứng xử này thay đổi theo mỗi một thời kỳ khác nhau. Nhưng có một điểm chung mà hiện nay đang được phát huy đó là khi đến chùa, trong lòng người dân luôn cảm thấy thanh thản, một niềm tin yêu, trân trọng giá trị văn hóa.

Cần tránh hình ảnh phản cảm

Trong những năm gần đây, nhằm gìn giữ nét đẹp năm hóa đi lễ chùa của người dân Việt Nam, sự phối hợp giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với các cơ sở thờ tự, các cơ quan quản lý đã tốt hơn. Song vẫn còn không ít người còn chưa thật sự hiểu ý nghĩa của việc đi lễ chùa và cần có ứng xử sao cho phù hợp nơi linh thiêng cửa phật.

Nhìn nhận một cách khách quan, ông Sơn đã chỉ ra một số bất cập hiện nay dẫn đến nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm bị ảnh hưởng như: ăn mặc phản cảm, tranh cãi gây ồn ào nơi chốn tâm linh, linh thiêng. Đặc biệt là động cơ đi lễ chùa của một số bộ phận người dân bị biến tướng. Gần đây, những hình ảnh của một số điểm tâm linh đang làm suy giảm lòng tin, trục lợi. Đi lễ chùa không phải là xin, triết lý của nhà Phật không có tham, sân si. Vì vậy, càng phải tự mình chiêm nghiệm, tự mình nuôi dưỡng.

Theo GS Từ Thị Loan, bản chất của giáo lý nhà Phật là sự giác ngộ, gạt bỏ mọi “tham, sân si”, tu dưỡng để hoàn thiện bản thân, sống bao dung, nhân ái, yêu thương con người. Do thiếu hiểu biết đầy đủ về giáo lý, ý nghĩa, nghi lễ thực hành đạo Phật, nên hiện nay đang diễn ra nhiều biểu hiện phản cảm nơi cửa chùa. Những hành vi xấu xí, tiêu cực như vậy đã phần nào làm giảm đi sự tôn nghiêm, thành kính, những giá trị tốt đẹp của tục lễ chùa đầu năm, cần nghiêm túc chấn chỉnh và loại bỏ.

“Để gìn giữ nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm, mỗi người cần hiểu những kiến thức cơ bản về tôn giáo, tín ngưỡng cũng như các nghi lễ, thực hành liên quan. Có như vậy mới không bị rơi vào mê tín dị đoan, hoặc có những ứng xử, hành vi phản cảm, lệch lạc nơi thờ tự linh thiêng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý phải siết chặt công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời điều chỉnh, ngăn chặn các hiện tượng lệch lạc. Và quan trọng hơn là các ngôi chùa phải có công tác tự quản tốt, có quy định, nội quy cụ thể đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng nhưng không cho phép các hành vi biến tướng, trục lợi để kiếm tiền. Cần nêu cao vai trò đi đầu, gương mẫu của các nhà sư trụ trì. Họ chính là những “thủ lĩnh tâm linh” có tiếng nói, vai trò quan trọng trong việc định hướng, điều chỉnh suy nghĩ, ứng xử, hành vi của các tín đồ và du khách viếng thăm” - GS Từ Thị Loan nhấn mạnh.

Phạm Sỹ