Ban Mê ngợp sắc thổ cẩm
"Một vẻ đẹp ma mị và huyền bí!”, nhiều người đã thốt lên như vậy, khi chứng kiến những sắc phục thổ cẩm được các người mẫu trình diễn trong Chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm các dân tộc Đắk Lắk có tên Ban Mê ơi!... Chương trình diễn ra tại thác Dray Nur (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) do Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Theo bà H’Kim Hoa Byă, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk, Ban Mê ơi!.. đã làm nên một chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm các dân tộc Đắk Lắk đặc sắc, vừa có tính sáng tạo, đổi mới nhưng đồng thời vẫn giữ được những nét độc đáo trong văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
Quả nhiên, việc đan cài những nét hoa văn thổ cẩm truyền thống vào các mẫu thiết kế thời trang hiện đại để kể một câu chuyện mới về thổ cẩm đã mang lại một hiệu quả kép: không chỉ tôn thêm sự nổi bật của sắc màu thổ cẩm, còn mở thêm một cánh cửa cho thổ cẩm đi ra thế giới.
Nói cách khác, thời trang đã biến thổ cẩm trở nên sang cả, ngược lại vẻ hoang dã của núi rừng ẩn bên trong tấm vải thổ cẩm chính là những gợi nhắc để sáng tạo ngôn ngữ mới cho thời trang hiện đại.
Từ lâu, thổ cẩm đã gắn bó mật thiết với đời sống thường ngày của người bản địa Tây Nguyên. Bên cạnh chức năng giữ ấm cơ thể và chức năng tôn vóc dáng người mặc, thổ cẩm còn có chức năng làm chỉ dấu để nhận diện sắc tộc, cũng như thể hiện chiều sâu văn hóa, gu thẩm mỹ, cá tính sáng tạo. Bằng đôi bàn tay khéo léo, từ những hình ảnh quen thuộc, những con vật có thật trong đời sống, người phụ nữ Tây Nguyên đã khắc họa một cách chân thực, cùng những cách điệu sinh động, tạo nên một ấn tượng thị giác rất riêng, mang đậm bản sắc văn hóa tộc người.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội và những tiến bộ khoa học trong ngành công nghiệp may mặc, sợi chỉ để dệt thổ cẩm hầu hết là sợi chỉ công nghiệp.
Thêm nữa, phụ nữ Tây Nguyên cũng ý thức hơn trong việc sáng tạo thêm nhiều hoa văn mới, cả cách phối màu cũng rất táo bạo, cách trang trí họa tiết cũng có nhiều cách điệu, với mục đích làm cho tấm vải thổ cẩm trở nên rực rỡ và bắt mắt.
Tuy vậy, hồn vía của thổ cẩm vẫn là hồn vía núi rừng và cách dệt vẫn theo lối truyền thống, do đôi bàn tay những đứa con của núi rừng dệt nên. Thật không quá lời khi nói, sợi chỉ để dệt thổ cẩm đã nối một đường tơ sáng tạo, từ sơ khai đến hiện đại, từ quá khứ đến tương lai.
Các nhà thiết kế: Minh Hạnh, Lê Kyo, Công Huân, Cao Duy, Trung Beret, Thu Hà, Nguyễn Thúy dày công chắt lẫy những tinh túy của thổ cẩm, làm nên 7 bộ sưu tập thời trang thổ cẩm quyến rũ, độc đáo khiến người xem phải trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp huyền bí của thổ cẩm. 7 bộ sưu tập được các người mẫu, diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ múa đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và những nghệ nhân cồng chiêng, người dân tộc bản địa Tây Nguyên, các học sinh tại Đắk Lắk trình diễn trên nền nhạc mang âm hưởng Tây Nguyên, những bài hát, điệu múa dân gian Tây Nguyên, đưa người xem đến một không gian ngợp sắc thổ cẩm, mang hơi hướng sử thi. Tất cả đã cộng hưởng với những hoạt cảnh dệt thổ cẩm, biểu diễn nhạc cụ, các điệu múa dân gian... - những nét sinh hoạt đời thường của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Trên cái phông đại ngàn hùng vĩ ấy, vẻ đẹp thổ cẩm nhận sứ mệnh cao cả: trao truyền sự bình yên, no đủ cho buôn làng. “Ban Mê ơi!... không chỉ để quảng bá trang phục thổ cẩm truyền thống, còn là cách tôn vinh nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Điều này thể hiện được tinh thần giao lưu văn hóa, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương Đắk Lắk và của cả vùng Tây Nguyên phát triển”, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk H’Kim Hoa Byă khẳng định.