Gương sáng

Nghệ nhân trẻ "hồi sinh" chất men cổ

Hải Thanh 01/03/2024 - 18:56

Làng gốm Thanh Hà thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Làng nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3km. Ngôi làng nhỏ và bình yên này đã trải qua biết bao thăng trầm và sóng gió. Có những thời kỳ tưởng chừng như nghề gốm nơi đây bị rơi vào lãng quên. Thế nhưng, chính nhờ sự tâm huyết và lòng yêu nghề, những nghệ nhân của làng đã một lần nữa làm "sống lại" nét đẹp cũng như giữ được hồn cốt của làng gốm.

Đam mê và sáng tạo trong nghề gốm, nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm (SN 1998) đã sáng tạo một thứ men gốm "độc lạ" để cho ra đời những sản phẩm gốm sứ nghệ thuật độc đáo, được thị trường ưa chuộng.

Lâm là một trong nhiều người trẻ ở Thanh Hà theo đuổi nghề gốm với sứ mệnh làm người kế nghiệp nghề gốm của tiền hiền để lại. Là con trai duy nhất trong nhà, 13 tuổi, Lâm đã theo ba mẹ ra lò gốm và lớn lên với thứ bùn sền sệt bết vào áo quần, say mê những bình hoa, dĩa men gốm làm ra từ đôi tay tài hoa của bà cố mình.

Năm 2015, sau khi tốt nghiệp THPT, Lâm không như nhiều bạn trẻ cùng Lâm từng tính học đại học rồi ở lại thành phố lập nghiệp. Thế rồi trong nhiều bữa cơm gia đình, nỗi âu lo của ba mẹ khi gia đình gần như không còn người cáng đáng lò gốm đã qua ít nhất 6 đời khiến cậu suy nghĩ. Cuối cùng, anh lựa chọn con đường quay về với đất sét, lò nung, chấp nhận chọn công việc chân tay luôn lấm lem để giữ nghề cha ông.

z5181774553314_cc53922b1d5eabcdcd3f1c3be4daa93e.jpg
Anh Lâm trình diễn làm gốm tại chương trình “Vui Xuân Giáp Thìn: Sắc thái văn hóa Hội An”.

Nguyễn Viết Lâm cho biết, sản xuất gốm là nghề truyền thống của gia đình nên khi còn nhỏ anh đã có lịch sử hình thành hơn 500 năm nhưng sự phát triển của xã hội, cùng với sự ra đời của các vật dụng làm từ nhôm, inox… đã khiến làng gốm Thanh Hà có thời điểm ảm đạm, nhiều người trẻ không còn theo nghề. “Gốm Thanh Hà vốn có 3 dòng sản phẩm là gốm đỏ, gốm sành và gốm men. Trong đó, kỹ thuật làm gốm men khó nhất, giá thành cao ít người mua nên thất truyền. Tiếc nuối vì mất đi kỹ thuật tinh hoa này nên cha rồi đến tôi cố gắng phục dựng lại” - Lâm nói.

“Tôi vẫn nghĩ, ngày xưa làng nghề đối diện nguy cơ mai một nhưng ông bà, cha mẹ vẫn giữ được nghề. Bây giờ, cùng với sự phát triển của du lịch Hội An, làng nghề đã có được nhiều cơ hội để phát triển, tại sao mình không thử sức tìm cho mình những hướng đi mới hơn để gốm không chỉ là những mặt hàng vật dụng sinh hoạt mà còn là những sản phẩm lưu niệm để du khách lựa chọn mang về khi đến tham quan làng nghề”, Lâm chia sẻ.

Thấy chàng trai trẻ mê gốm, những người bạn Nhật Bản giới thiệu, truyền dạy quy trình, kỹ thuật làm gốm men trứ danh của xứ sở Phù Tang. Cùng với kiến thức về gốm truyền thống được gia đình trao truyền, Lâm tự tạo cho mình một “cẩm nang”, tìm ra công thức phù hợp tạo nên chất men cho sản phẩm gốm giống như người xưa của làng Thanh Hà từng làm.

Để có khách hàng và duy trì nghề, Nguyễn Viết Lâm tìm cách cách tân mẫu mã đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường. Song hành với đó, chàng trai trẻ này cùng cha mình bôn ba đi học hỏi các làng nghề gốm khác trên cả nước. Anh cho biết sau khi tìm hiểu anh biết gia đình mình có một công thức men tự pha chế từ vỏ nghêu, tro, hóa chất, lá cây... nên đã mày mò, phục chế lại và tráng lên gốm. Các dòng gốm tráng men thuộc nhóm đồ lưu niệm, trang trí... sau khi được phủ lớp men mờ bỗng trở nên khác lạ. Khâu tạo men và tráng men cũng phải được vận dụng hết sức tỉ mỉ, khéo léo để khống chế độ mịn. Vì nếu nghiền men quá thô thì gây nhám bề mặt nhưng quá mịn thì dễ bị cuốn hoặc làm bong men.

Các sản phẩm gốm của anh Lâm có nét độc đáo riêng khi vừa làm thủ công và được tráng men. Anh Lâm chia sẻ: “Trong làng gốm Thanh Hà, các cơ sở chỉ sản xuất những sản phẩm gốm đất, sau đó đưa vào lò nung và ra thành phẩm. Thấy đơn điệu nên tôi quyết tâm mày mò tráng men lên sản phẩm để thành phẩm đẹp hơn. Đồng thời, tôi cũng tự tạo ra những chi tiết độc, lạ trên chính đôi tay của mình mà không dùng khuôn có sẵn”.

gomth-2-.jpg
gomth-1-.jpg
Các sản phẩm của cơ sở gốm Sơn Thủy.

Trong căn phòng rộng hơn 100m² có tới hàng ngàn tác phẩm gốm sứ nghệ thuật được Lâm trưng bày bắt mắt. Điều ấn tượng đối với nhiều du khách, khách hàng khi đến thăm quan, mua sắm ở cơ sở gốm Sơn Thủy là các tác phẩm gốm sứ được anh làm hoàn toàn thủ công nên mang hình dáng, mẫu mã là “độc nhất vô nhị”.

Ở làng gốm Thanh Hà chỉ có duy nhất cơ sở sản xuất gốm Sơn Thủy của gia đình anh Lâm có loại men gốm theo kiểu hiện đại này, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm truyền thống đã có từ lâu đời.Việc sáng tạo và tiếp cận thị trường bằng nhiều hình thức, trong đó có việc quảng bá sản phẩm qua các kênh trực tuyến đã giúp sản phẩm của gia đình anh tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng trên khắp cả nước.

Hiện nay, cơ sở sản xuất gốm Sơn Thủy mỗi năm tiêu thụ hơn 500 sản phẩm các loại, không chỉ cung cấp cho thị trường ở Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội mà còn xuất khẩu gốm qua Mỹ, Pháp... Mỗi sản phẩm gốm bán ra dao động từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng.

Đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng mở rộng, hiện tại, cơ sở sản xuất gốm của anh Lâm còn nhận dạy nghề cho những thợ trẻ trong làng. Chính vì điều này mà nơi đây đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm ưa thích của khách du lịch khi đến với ngôi làng gốm ven sông Thu Bồn. Hàng trăm tác phẩm gốm nhiều màu sắc trưng bày nơi đây đã tạo điểm nhấn, thu hút du khách gần xa ghé qua thưởng ngoạn.

z5186781413373_c55c50533a7a21412821c29fbf198253.jpg
Cơ sở gốm Sơn Thủy của gia đình anh Lâm còn trở thành điểm tham quan, trải nghiệm yêu thích của du khách trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho hay: “Nguyễn Viết Lâm là một trong những trường hợp điển hình về một lớp trẻ kế thừa và thêm sức sống mới cho nghề truyền thống. Lâm đã sáng tạo trên nền gốm truyền thống. Men gốm mà Lâm phục hồi được phù hợp với sản phẩm gốm thô, gốm đỏ truyền thống của Thanh Hà, đồng thời lại sáng tạo ra những mẫu mã sinh động chứ không chỉ là gốm gia dụng như trước đây đã giúp nâng sản phẩm gốm lên thành mỹ thuật, mở ra hướng đi cho nghề gốm Thanh Hà. Quan trọng hơn nữa là những thợ trẻ như vậy đã đã truyền cho bạn trẻ khác niềm đam mê với nghề truyền thống”.

Hải Thanh